Thận trọng với các đô thị gắn mác “Eco”

00:00 12/10/2020

Sinh thái đô thị sẽ là mục tiêu mà Việt Nam hướng đến cho một tương lai phát triển bền vững, tuy nhiên cách làm “sinh thái hóa” hiện tại cho thấy những bất ổn hơn là sự yên tâm.

Đa phần những “ốc đảo sinh thái” được bố trí ở các khu vực ngoại ô hoặc địa phận những tỉnh láng giềng. (Ảnh: Dự án khu đô thị Ecolakes Mỹ Phước, Bình Dương)

Khái niệm “đô thị bền vững” đang trở thành những cứu cánh cho các giải pháp không gian đô thị. Theo đó, các cụm từ “xanh”, “sinh thái”, “thân thiện môi trường” được sử dụng nhiều hơn trong các hội thảo khoa học, bắt đầu len vào các mặt của đời sống đô thị và đôi lúc lại được “thần thánh hoá” như những phát minh mới có thể chữa lành các căn bệnh môi trường đô thị Việt Nam.

Cuộc chạy đua bề nổi

Theo xu hướng này, các dự án khu dân cư sinh thái ở Việt Nam xuất hiện ngày một nhiều. Hình ảnh thông thường dễ nhận thấy của những dự án eco-Khu đô thị mới (KĐTM) này là phối cảnh những ngôi nhà được bao quanh bởi những không gian xanh mướt, bát ngát mặt nước, đối nghịch hoàn toàn với khung cảnh chật chội, oi bức và ô nhiễm của đô thị. 

Tuy nhiên, ngay cả với cây xanh và mặt nước, chỉ số ít dự án KĐTM phát triển mở rộng chúng dựa trên những yếu tố cảnh quan tự nhiên sẵn có của địa hình trong khu vực dự án, còn lại đa phần đều là nhân tạo, nghĩa là các chủ dự án phải bỏ ra một khoản kinh phí lớn đưa những hệ động-thực vật từ một nơi khác về để cấy vào một cách “tự nhiên hoá”, sau đó thêm những khoản kinh phí khác để có thể duy trì, mà phần lớn sẽ được chia ra cho người dân chi trả .

Nếu không tính đến yếu tố cây xanh, mặt nước này thì phần không gian còn lại của một eco-KĐTM và một KĐTM thông thường không khác nhau là bao. Nói cách khác, dưới con mắt của các nhà chuyên môn, bản chất các vấn đề sinh thái chưa được giải quyết rõ ràng, các yếu tố sinh thái thực sự xuất hiện rất mờ nhạt trong các nguyên tắc và quan điểm thiết kế, trong quá trình thực hiện và vận hành những eco-KĐTM.

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của thị trường bất động sản tại Hà Nội, các chủ dự án KĐTM muốn bán được hàng, phải tìm cách làm bật lên được những ưu việt của dự án mình so với các dự án khác. Và các chủ dự án thường lựa chọn phương cách “Tây hoá” dự án hoặc “sinh thái hoá” dự án, hoặc kết hợp cả 2 (những eco-KĐTM kiểu phương Tây). Tuy nhiên, ngay cả khi đến những nước phương Tây người ta cũng không thể tìm được “bản gốc” của các KĐTM kiểu này. 

Nói cách khác, các chủ dự án này chọn giải pháp tạo sự đối nghịch cao giữa môi trường sống bên trong và bên ngoài hàng rào ranh giới của dự án để những người Hà Nội, vốn đang hoang mang trước những vấn đề cuộc sống đô thị đương đại, có thể tạm quên đi trong một khung cảnh đô thị khác được lập ra một cách nhân tạo bởi các dự án. Như vậy, xét trên khía cạnh quảng cáo, các phương cách “Tây hoá” và “sinh thái hoá” KĐTM đã thành công phần nào khi đánh đúng vào tâm lý khách hàng muốn tìm ra một sự khác biệt trong cuộc sống có thể mua được bằng tiền và hiển hiện ngay lập tức.

Chính vì vậy, đối tượng khách hàng lựa chọn những dự án này thường là những người có mức thu nhập tương đối cao trong xã hội đô thị, và vấn đề là với đối tượng này thì họ chỉ quan tâm đến những yếu tố “nhìn thấy được” thay vì chú ý đến việc tiết kiệm hay giảm thiểu các chi phí vận hành môi trường sống.

Chưa kể, đa phần những “ốc đảo sinh thái” được bố trí ở các khu vực ngoại ô hoặc trên địa phận những tỉnh láng giềng xung quanh Hà Nội và được kết nối mong manh với Hà Nội bằng những trục đường lớn với giao thông chủ yếu bằng ô tô hiện đại cá nhân.

Cả xã hội hiện hiểu sai về tính sinh thái của một khu dân cư vốn được biết đến một cách đơn giản là “nhiều cây xanh và mặt nước (trang trí)”

Ngày ngày, những “thị dân sinh thái” này vẫn phải di chuyển, làm việc, thực hiện các nhu cầu cá nhân tại Hà Nội, tức là mặc dù sống trong một khung cảnh sinh thái, nhưng đa phần các dịch vụ và tiện ích công cộng đô thị mà họ sử dụng lại nằm ngoài bối cảnh. Những ngày cuối tuần hoặc lễ tết, eco-KĐTM lại trở thành một kiểu “khu du lịch sinh thái” thu hút khách bởi những hoạt động tương tác với môi trường được xếp đặt thay vì tính tự nhiên vốn có của một khu dân cư.

Cần một “chuẩn sinh thái” đúng nghĩa

Sinh thái đô thị sẽ là mục tiêu mà không chỉ Hà Nội mà cả các thành phố lớn khác của Việt Nam hướng đến cho một tương lai phát triển bền vững, tuy nhiên cách làm “sinh thái” hiện nay, mà Hà Nội là một điển hình, lại cho thấy những bất ổn hơn là sự yên tâm, tin tưởng vào một tương lai đô thị khi bản chất những eco-KĐTM lại hoàn toàn phục vụ cho trang trí và quảng cáo để chứng tỏ khác biệt với xã hội.

Điển hình như Hà Nội nằm giữa một vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng rộng lớn với những làng quê Bắc Bộ được ví như những quần thể cư trú sinh thái bởi tính tự cung, tự cấp và tự cân bằng. Thay vì yếu tố xanh truyền thống thì bây giờ người ta sẵn sàng thay thế chúng bằng những yếu tố xanh hiện đại là các thảm cỏ, các bể cảnh, các sân golf, các công viên... chỉ đơn thuần mang tính trang trí, phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi giải trí của những thị dân, mà để vận hành, chăm sóc và duy trì chúng, người ta lại phải sử dụng nhiều nguồn lực con người và đôi khi cả những biện pháp tác động gây tổn hại đến môi trường.

Kinh nghiệm từ Pháp cho thấy, ngay từ những năm 2000, Pháp đã tích hợp các yếu tố phát triển theo hướng bền vững vào các dự án quy hoạch đô thị. Quy hoạch sinh thái là một trong những điều khoản quan trọng trong thoả thuận Grenelle năm 2007 được đề xuất bởi Bộ Sinh thái, Phát triển và Quy hoạch bền vững. Đến năm 2008, ý tưởng về định danh các khu dân cư sinh thái bắt đầu được hiện thực hoá và đến năm 2012, danh hiệu quốc gia về khu dân cư sinh thái chính thức được thể chế hoá bởi Bộ Bình đẳng khu vực và Nhà ở, trở thành “Hiến chương về các khu dân cư sinh thái” được vận động thông qua và đồng ý tham gia tại nhiều địa phương trên lãnh thổ Pháp. 

Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho các chủ dự án các eco-KĐTM khi mà họ không có bất cứ một hướng dẫn, tiêu chuẩn nào để định hướng họ theo một “chuẩn sinh thái” đúng nghĩa phù hợp với các điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội của Việt Nam nhưng chính những cách làm đơn lẻ và tự phát hiện nay của họ lại mang lại một hệ luỵ lớn khi cả xã hội đô thị hiện hiểu sai về tính sinh thái của một khu dân cư hay một đô thị vốn đang được biết đến một cách đơn giản là “nhiều cây xanh và mặt nước (trang trí)”.

Vấn đề là đôi khi các yếu tố này lại đang là những đại diện hiện đại cho một cuộc sống đô thị coi trọng sự phát triển bề nổi hơn là theo chiều sâu, đi ngược tinh thần của phát triển bền vững. Đã đến lúc, Việt Nam và Hà Nội cần nhìn lại và có những quan điểm tiếp cận sinh thái, trong đó có các eco-KĐTM đúng bản chất của phát triển bền vững.