Thái Nguyên: An sinh xã hội là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội

00:00 12/10/2020

Là cơ quan quản lý về nhiều lĩnh vực quan trọng như: Việc làm, dạy nghề, lao động, tiền lương, an toàn lao động…, năm 2015, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ – TBXH) tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, đảm bảo an sinh xã hội để mọi đối tượng được thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội do ngành thực hiện.

cham-nuoi-tre-em  Với vai trò là cơ quan thường trực chương trình giảm nghèo của tỉnh, ngành LĐ – TBXH Thái Nguyên đã phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ ở vùng đặc biệt khó khăn gồm: Hỗ trợ nhà cho 62 hộ nghèo, tổng số tiền là 3,1 tỷ đồng; cấp 380.394 thẻ bảo hiểm y tế; thực hiện chính sách hỗ trợ và miễn giảm học phí cho 178.485 người có hoàn cảnh đặc biệt với số tiền 101,4 tỷ đồng; tổ chức hỗ trợ tiền điện cho 28.118 hộ; đầu tư kinh phí 1,2 tỷ đồng cho các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo ở các huyện, thành, thị, giúp 39/109 hộ thoát nghèo, góp phần giảm hộ nghèo toàn tỉnh từ 9,06% xuống 7,06%. Để đạt được kết quả trên, ngành LĐ – TBXH đã làm tốt công tác truyền thông, đối thoại chính sách giảm nghèo và các dự án về Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đến tận cơ sở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; tham mưu cho UBND tỉnh các mức trợ cấp và phương thức chi trả, trợ giúp xã hội đối với hơn 34 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng tỉnh Thái Nguyên; tổ chức nuôi dưỡng 226 đối tượng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội và Trung tâm ĐD - PHCN Tâm - Thần kinh; cứu trợ đột xuất cho trên 4 nghìn hộ, với gần 10 nghìn khẩu số tiền trên 1,7 tỷ đồng. cham-nguoi-benh Tại Thái Nguyên năm 2015 là năm có sự bùng nổ về mức độ sử dụng lao động, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngành đã đứng ra chỉ đạo việc tuyển dụng lao động cho các công ty trên địa bàn, tuyển dụng xuất khẩu lao động, tuyển dụng lao động trong nước và giải quyết việc làm từ Quỹ Quốc gia. Có trên 30 nghìn người được đào tạo nghề, gần 27 nghìn người có việc làm ổn định (đạt 107% kế hoạch); tổ chức tiếp nhận, thẩm định các hồ sơ đăng ký về Nội quy Lao động; tư vấn, hướng dẫn chế độ lao động tập thể cho doanh nghiệp và người lao động; cấp phép lao động cho 379 người nước ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Riêng Ngày hội Việc làm 2015 đã thu hút được 35 doanh nghiệp tham gia với nhu cầu tuyển dụng 3 nghìn lao động; hàng nghìn lượt người lao động tham gia tư vấn; 561 người tuyển dụng trực tiếp, trong đó tuyển lao động trong nước là 405 người, xuất khẩu lao động là 159 người. Chính sách với người có công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành, được thực hiện kịp thời và đầy đủ. Năm qua, ngành đã phối hợp với các đoàn thể thăm hỏi, tặng 38 nghìn suất quà cho đối tượng người có công, trị giá trên 8,2 tỷ đồng; trao thẻ BHYT cho gần 12 nghìn người; kiểm tra và trợ cấp mai táng phí cho người có công 387 trường hợp; trợ cấp ưu đãi 1 lần: 293 trường hợp; phối hợp với Sở Nội vụ thẩm định, xét duyệt hồ sơ đề nghị tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 122 trường hợp. Một công việc được các đối tượng rất quan tâm là người có hồ sơ đề nghị khám chất độc da cam. Ngành đã chỉ đạo toàn tỉnh thống kê, tổng hợp hồ sơ cho những người có nhu cầu để được ra khám tại Hội đồng Giám định. Đến nay, mọi công việc đã đi vào nề nếp, các đối tượng có nhu cầu đều được khám theo đúng tinh thần Thông tư của Bộ LĐ – TBXH. Trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc trẻ em cũng có những chuyển biến tích cực. Năm 2015, 88% trẻ em đều được quan tâm chăm sóc; 85% xã, phường đạt tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em; trong Tháng hành động Vì trẻ em và Ngày Lao động vì hạnh phúc trẻ em đã thu được trên 600 triệu đồng tiền quỹ; cấp 141 nghìn thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; hỗ trợ sữa cho 30 trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Ngành còn tổ chức đưa 31 trẻ em bị sứt môi – hở hàm ếch đi khám và phẫu thuật; đưa 20 trẻ em về chăm sóc, nuôi dưỡng tại Làng trẻ em SOS Hà Nội. Năm qua, đã có 459 trẻ em khuyết tật hệ vận động, 186 trẻ khuyết tật mắt, 576 trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh trên toàn tỉnh được khám sàng lọc phục hồi chức năng và chỉnh hình. Có thể nói, việc coi trọng đặc biệt tới công tác an sinh xã hội ở Thái Nguyên là việc làm thiết thực, góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống cho các đối tượng chính sách và đối tượng xã hội. Phát triển giáo dục, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, thực hiện bảo hiểm y tế và những nỗ lực giải quyết việc làm, cùng các chính sách phúc lợi xã hội là những thành tựu đáng kể đã làm được của ngành LĐ – TBXH Thái Nguyên trong năm 2015. Để tiếp tục đẩy mạnh và phát huy, an sinh xã hội cần được thực hiện lâu dài và thường xuyên, gắn với trách nhiệm của toàn xã hội. Đó cũng là cách tốt nhất để Thái Nguyên làm tốt công tác “An dân”.    Bài và ảnh:   Kim Phượng – Quang Bồn