So sánh tỷ lệ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi Hiệp định EVFTA và CPTPP

08:00 01/08/2022

Nửa đầu năm nay, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng chứng nhận xuất xứ ưu đãi theo hiệp định EVFTA đã tăng trên 32%, cao hơn gấp 4 lần so với tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong Hiệp định CPTPP.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Âu tiếp tục tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 28,61 tỉ đô la Mỹ. Và ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ khu vực này của Việt Nam đạt 10,46 tỉ đô la, giảm 3%.

Năm đầu tiên thực thi Hiệp định, mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU tăng nhưng hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU lại giảm, ví dụ như mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện (giảm 27,9% so với năm 2020), hàng dệt may (giảm 15,2% so với năm 2020) và giày dép các loại (giảm 11,3%).

Năm thứ hai thực thi Hiệp định EVFTA, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam đã phục hồi và gia tăng đáng kể, với hàng dệt may tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước, gạo tăng 42,9%, hạt tiêu tăng 81,3%, thuỷ sản tăng 22,7%, máy móc thiết bị phụ tùng tăng 20,9%… Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất là điện thoại các loại và linh kiện, máy tính và linh kiện, máy móc thiết bị phụ tùng, hàng dệt may, sắt theo các loại và sản phẩm từ sắt thép. Các mặt hàng có tốc độ tăng trưởng lớn nhất là sắt thép và sản phẩm từ sắt thép (147%), hạt tiêu (81,3%), cà phê (62,7%), gạo (42,9%), hải sản (22,7%).

Đánh giá kết quả này, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, đây là tỷ lệ khá trong bối cảnh khó khăn, đặc biệt do năm đầu tiên thực hiện hiệp định biên độ ưu đãi, mức độ thuế quan được cắt giảm mà Việt Nam được hưởng còn chưa lớn, nhưng ngay năm đầu tiên đã có bước tăng trưởng. Sang năm thứ hai, tỷ lệ tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp Việt Nam thông qua giấy chứng nhận xuất xứ mà doanh nghiệp được cấp để tận hưởng ưu đãi khi hàng hóa đi vào EU khá cao.

Vụ Chính sách thương mại đa biên lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu, hiện nay, thị trường EU đang có xu hướng dịch chuyển rất mạnh mẽ sang tiêu dùng hàng hóa xanh, sạch và đáp ứng tiêu chuẩn về lao động, về môi trường… tức là họ không chỉ đơn thuần yêu cầu về giá cả, chất lượng mà còn quan tâm đến quy trình sản xuất hàng hóa đó như thế nào. Do đó, doanh nghiệp cần đón đầu xu hướng này, nếu như thành công theo xu hướng này, giá trị thu được trong quá trình xuất khẩu sang EU sẽ lớn hơn rất nhiều. Ngoài ra, EU là thị trường cơ bản rất khó tính với nhiều yêu cầu về kỹ thuật, kiểm dịch động thực vật, thậm chí có cả những tiêu chuẩn doanh nghiệp tự đặt ra. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần có những chuyển đổi mô hình, để đáp ứng tốt nhất thị hiếu ở thị trường EU, từ đó khai thác một cách có hiệu quả, lâu dài và bền vững.

Bình Phương