Sau tết, nông sản và thực phẩm vẫn ổn định giá.

08:01 20/02/2021

Nguồn cung thực phẩm khá dồi dào, đủ đáp ứng được yêu cầu của thị trường và sức mua không quá lớn nên giá phần lớn các mặt hàng giữ ổn định hơn so với cùng kỳ năm 2020.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, từ những ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sức mua của người tiêu dùng không tăng nhiều so với ngày thường do dịp tết năm nay ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên việc lựa chọn phương thức mua hàng hóa thực phẩm thiết yếu phụ vụ tết có nhiều sự thay đổi.

Qua khảo sát thị trường cho thấy, vào ngày mùng 2 mùng 3 Tết một số doanh nghiệp phân phối, tiểu thương...tại các chợ đã mở cửa khai xuân bán hàng trở lại. Tuy nhiên nhu cầu hàng hóa trong những này này chưa cao, cùng với việc phòng chống dịch được áp dụng theo chỉ đao của các cơ quan chức năng nên các mặt hàng được bầy bán vẫn chủ yếu vẫn là những nhu yếu phẩm thiết yếu như trái cây, rau xanh, thưc phẩm tươi sống...  hầu hết các siêu thị, cửa hàng, chợ, trung tâm thương mại phục vụ để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. 

Các chợ  khai xuân bán hàng trở lại sau tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021. Ảnh: Internet
Các chợ khai xuân bán hàng trở lại sau tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021. Ảnh: Internet.

Sau Tết, các mặt hàng được bày bán khá đa dạng, nhiều nhất là mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, hoa quả, bánh kẹo và các sản phẩm phục vụ người dân đi lễ chùa và du xuân. Theo đánh giá của ngành chức năng, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng Tết tăng cao so với những tháng trước, riêng trong những ngày đầu năm mới Tân Sửu 2021, sức mua tăng mạnh hơn đối với nhóm hàng thủy, hải sản, rau xanh, hoa tươi… Tuy nhiên, giá bán đối với những mặt hàng này cũng không tăng so với thời điểm trước Tết.

Nguồn cung thực phẩm khá dồi dào, đủ đáp ứng được yêu cầu của thị trường và sức mua không quá lớn nên giá phần lớn các măt hàng giữ ổn định hơn so với cùng kỳ năm 2020. Thị trường không có hiện tượng sốt giá hay tăng giá sức mua tổng thể cũng chỉ tăng dao động từ 3 – 5% so với tháng thường.

Đối với mặt hàng thịt lợn, sau khi ổn định vào cuối năm 2020 đã tiếp tục có xu hướng tăng mạnh trong tháng 1/2021. Tuy nhiên, ngay sau đó, giá mặt hàng thịt lợn đã giảm và ổn định trở lại do nguồn cung dồi dào, ổn định ngay cả trong những ngày sát Tết và ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Giá các sản phẩm thịt bò, gia cầm, hải sản ổn định trong suốt cả năm 2020 và bắt đầu tăng nhẹ vào giữa tháng 1 năm 2021 do ảnh hưởng bởi giá thịt lợn và nhu cầu tăng. Đến ngày mùng 5 Tết, giá thịt bò tăng sớm và ở mức cao hơn so với mọi năm trong khi giá các sản phẩm gia cầm chỉ tăng nhẹ và thấp hơn cùng kỳ năm trước 10-15%., nhu cầu tiêu dùng và buôn bán mặt hàng này chưa cao nhưng do nguồn cung chưa nhiều, nhất là hải sản tươi sống nên giá tăng nhẹ so với sát Tết. 

Nguồn cung thực phẩm khá dồi dào, đủ đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Ảnh: Internet
Nguồn cung thực phẩm khá dồi dào, đủ đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Ảnh: Internet.

Cũng theo Bộ NN-PTNT, năm 2020, diện tích rau các loại đạt khoảng 993,8 nghìn ha, tăng 7,8 nghìn ha; sản lượng 18,3 triệu tấn, tăng 339,1 nghìn tấn. Diện tích cây ăn quả tăng mạnh, đạt khoảng 1.133,8 nghìn ha, tăng 66,6 nghìn ha.

Sản lượng và chất lượng các loại cây ăn quả chủ lực, có lợi thế của cả nước và từng vùng đều tăng, một số loại cây tăng mạnh như: xoài đạt 893,2 nghìn tấn, tăng 9,1%; cam đạt 1.070,6 nghìn tấn, tăng 8,0%; bưởi đạt 903,2 nghìn tấn, tăng 10,2%, chuối đạt trên 2,2 triệu tấn, tăng 5,2%; thanh long đạt 1.363,8 nghìn tấn, tăng 9,1%.

Cùng với sản lượng cây vụ Đông miền Bắc ước khoảng 4,5 triệu tấn và các loại rau cả nước đến hết quý I/2021 ước trên 5,4 triệu tấn hoàn toàn đáp ứng nhu cầu trong nước trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Sát thời điểm Tết Nguyên đán, thị trường trái cây trong nước tương đối sôi động, nguồn cung về các chợ tăng cao, giá một số loại trái cây có xu hướng tăng so với tháng trước do nhu cầu tiêu thụ tăng, nhưng mức tăng không nhiều do nguồn cung dồi dào.

Giá một số loại trái cây sát Tết Nguyên đán: Giá thanh long ruột đỏ không tăng nhiều, thậm chí giảm so với tháng trước do tiêu thụ chậm, loại I quanh mức 35.000 - 40.000 đ/kg, loại II từ 30.000 đ/kg, loại III có giá 18.000 - 20.000 đ/kg; giá thanh long ruột trắng từ 20.000 - 25.000 đ/kg.

Giá sầu riêng tại các tỉnh ĐBSCL đã giảm do nhu cầu chững lại. Giá sầu riêng Rio6 thu mua tại vườn là 70.000 - 80.000 đ/kg (giảm 10.000 đ/kg so với tháng trước nhưng tăng 20.000 đ/kg so với cùng kỳ năm trước), giá bán lẻ tại các thành phố giảm xuống còn 120.000 - 130.000 đ/kg;

Giá cam tăng nhẹ so với tháng trước nhưng giảm so với cùng kỳ năm ngoái vào dịp gần tết. Sản lượng cam ở mức cao, nguồn cung dồi dào, cam Vinh thu mua tại vườn từ 15.000 - 20.000 đ/kg (tăng 5.000 đ/kg so với tháng 12/2020), cam Canh từ 20.000 - 30.000 đ/kg (tăng 8.000 đ/kg), cam đường bán lẻ từ 30.000 - 60.000 đ/kg tùy loại. 

Thị trường trái cây trong nước tương đối sôi động sau Tết. Ảnh: Internet
Thị trường trái cây trong nước tương đối sôi động sau Tết. Ảnh: Internet.

Giá một số loại rau củ giảm so với tháng 12 do thời tiết thuận lợi, nguồn cung dồi dào, một số loại rau màu đang chính vụ thu hoạch rộ như: su hào, bắp cải, súp lơ, khoai tây, cà chua...

Đến ngày 10/02 (tức ngày 29 Tết), giá rau củ có tăng gấp 2 - 3 lần (su hào có giá 5.000 - 7.000 đ/kg, súp lơ 10.000 - 20.000 đ/chiếc); giá một số loại hoa và trái cây phục vụ cúng lễ tăng cao từ 15 - 50% so với những ngày trước (thanh long loại đẹp có giá 70.000 đ/kg, xoài Thái 60.000 đ/kg, xoài Cát chu 70.000 đ/kg, na 90.000 đ/kg, chuối xanh nải đẹp từ 200.000 - 250.000 đ/kg); hoa tươi, hoa đào, quất cảnh năm nay dồi dào với giá không cao.

Ngày 14 và 15/2 (tức ngày mùng 3, 4 Tết), giá một số rau củ quả tăng khoảng 2.000 - 3.000 đ/kg so với trước tết do lượng cung chưa nhiều, một số chủng loại khác cơ bản giữ ổn định giá so với trước tết. Thêm vào đó, do thực hiện các quy định về phòng chống dịch Covid-19 nên năm nay nhu cầu mua thực phẩm, trái cây sau tết phục vụ cúng lễ và gặp mặt liên hoan không lớn nên cũng hạn chế việc tiêu thụ nông sản sau tết, giá cả không có biến động nhiều.

Mai Lê