Rộn rã ngày hội toàn dân

00:00 12/10/2020

Mười lăm năm qua, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đều đặn được tổ chức hằng năm tại các địa bàn dân cư đã tạo nên một dấu ấn riêng có. Năm nay, đúng vào dịp kỷ niệm 86 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2016), dù ở khu phố cổ của Hà Nội hay ngược lên vùng cao Ba Vì, xuôi về Ứng Hòa, Mỹ Đức, ra các huyện ngoại thành khác, đâu đâu cũng rộn rã không khí Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Trên dưới đồng lòng, nhân dân Thủ đô quyết tâm đẩy mạnh các phong trào thi đua phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới...
Một tiết mục văn nghệ chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Yên Viên (huyện Gia Lâm). Ảnh: Anh Quý
Ấm tình đoàn kết cộng đồng Như nhiều khu dân cư khác, bà con dân tộc Kinh và Mường của thôn Hoàng Long, xã Tản Lĩnh (Ba Vì) náo nức chờ đón Ngày hội Đại đoàn kết. Mặc dù thôn mới được thành lập, Ban Công tác mặt trận mới được kiện toàn, song từng phần việc như: chương trình văn nghệ, phần lễ… đều được chuẩn bị bài bản để ngày hội diễn ra suôn sẻ, ấm cúng. Điều đáng mừng là năm nay, thôn Hoàng Long đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”, vận động ủng hộ quỹ “Vì người nghèo”. 100% hộ dân có điện thắp sáng, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, có 248/254 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa (đạt 97,64%). Tham gia Ngày hội với tâm thế phấn khởi, ông Bùi Ngọc Văn tâm sự: “Tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng dứt khoát tôi phải tham dự, bởi đây là dịp để gặp gỡ đông đủ bà con trong thôn, lại được nghe cấp trên phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước”. Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tản Lĩnh Trương Văn Sỹ cho biết: Không riêng thôn Hoàng Long, tất cả các thôn trong xã đều tổ chức Ngày hội. Đường làng, ngõ xóm phong quang sạch đẹp và rực rỡ sắc màu của cờ Tổ quốc, băng rôn, khẩu hiệu; tiếng loa, tiếng nhạc rộn rã. Từ các cụ cao niên đến những cháu thiếu nhi, đều lựa chọn cho mình bộ quần áo đẹp nhất đi dự Ngày hội. Có nơi còn tổ chức liên hoan ngọt. Từ đầu làng đến cuối thôn rộn rã tiếng cười, ấm cúng tình đoàn kết xóm làng. Năm nay, thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương (Đông Anh) dành trọn một ngày để tổ chức sự kiện này. Từ sáng sớm, các đội bóng của thôn đã tập hợp đông đủ tại nhà văn hóa thôn để tham gia thi đấu thể thao. Chiều cùng ngày là chương trình biểu diễn văn nghệ với các tiết mục “cây nhà, lá vườn” thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Được lựa chọn tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc điểm của xã, bà con trong thôn càng thêm phấn khởi. Chị Lê Thị Thêm, thôn Cổ Dương hồ hởi: “Từ sáng cả thôn thực sự sống trong không khí của Ngày hội. Ngày thường, ai cũng bận rộn với công việc đồng ruộng, nhưng hôm nay, họ hóa thân thành những ca sĩ, diễn viên, mang giọng ca, tiếng hát của mình để phục vụ nhân dân”. Có được kết quả này, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Cổ Dương Nguyễn Văn Nghĩa cho biết, là do kịch bản của Ngày hội được xây dựng từ sớm, sau đó vận động thanh niên, phụ nữ, các đảng viên tích cực tham gia tập luyện thể thao, văn nghệ. Vì bận việc nhà nên mọi người tranh thủ tập luyện vào buổi tối nhưng kết quả đạt được ngoài sự mong đợi. Nhân dân nô nức tham gia, cổ vũ, tiếng cười ròn rã vang cả vùng quê. Đáng mừng hơn, trong phát triển kinh tế, nhân dân thôn Cổ Dương (1.052 hộ với 4.650 khẩu), đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng được khoảng 40ha rau màu, cây cảnh nên đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, số hộ giàu và hộ khá chiếm gần 71%. 100% số hộ trong thôn tích cực hưởng ứng phong trào đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, duy trì tốt phong trào vệ sinh môi trường vào sáng thứ bảy hằng tuần; quan tâm, chăm lo sự nghiệp giáo dục và thực hiện tốt công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, tổ chức việc cưới, việc tang văn minh… Đóng góp, hiến kế cho Đảng, chính quyền Kế hoạch tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được triển khai rất sớm trên toàn thành phố. Các trục đường chính được trang trí rực rỡ sắc cờ, khẩu hiệu. Lễ kỷ niệm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam được tổ chức trang trọng với sự tham gia của cấp ủy đảng, chính quyền và đông đảo nhân dân. Bên cạnh việc ôn lại truyền thống, đây còn là dịp để nhân dân đóng góp ý kiến nhằm phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, hiến kế xây dựng Đảng. Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tiên Dương (Đông Anh) Trần Thị Đông cho biết, thôn nào cũng có ý kiến nhân dân phát biểu, nơi ít 2-3 ý kiến, nơi nhiều 5-7 ý kiến, tập trung bàn các giải pháp nhằm nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, năm nay, nhiều ý kiến bày tỏ sự ủng hộ cao chủ trương tổ chức tang lễ văn minh. Chính nhờ sự đồng tình của người dân mà tỷ lệ hỏa táng của xã từ chỗ chỉ đạt 52% năm 2015 đã tăng lên 60%, có thôn đạt 100%, được huyện Đông Anh đánh giá cao. Tại các thôn của xã Kim Nỗ (Đông Anh), không khí Ngày hội sôi nổi với những phát biểu, góp ý để xây dựng quê hương. Ông Hoàng Bá Thuần, thôn Bắc đánh giá, nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp mà phong trào xây dựng nông thôn mới của xã đạt được nhiều kết quả. Hầu hết đường liên thôn đều được cải tạo, khang trang và sạch đẹp hơn, rất thuận lợi cho nhân dân đi lại. Phấn khởi trước những đổi thay của quê hương, ông Thuần và nhiều người dân đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương cần triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 10-CT/TU của Thành ủy Hà Nội về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn Hà Nội, nhằm bảo đảm sức khỏe lâu dài cho người dân. Ngày hội Đại đoàn kết cũng là dịp để người dân gắn kết với nhau, chung sức, chung lòng tham gia các phong trào do MTTQ Việt Nam phát động nhằm xây dựng quê hương, đất nước ngày càng đẹp hơn. Bà Trần Thị Vân, Tổ trưởng Tổ phụ nữ 68, Chi hội 23, phường Láng Hạ (Đống Đa) thay mặt cho 240 hội viên cho biết: Năm nay, Chi hội đã giúp 24 chị em được vay vốn ngân hàng với tổng số tiền là 650 triệu đồng và giúp nhau vay vốn không lấy lãi để phát triển kinh tế. Nhờ đó, nhiều hộ hội viên đã thoát nghèo. Ngoài ra, có 5 nhóm của Tổ phụ nữ 68, phường Láng Hạ đã góp được tổng số 720 triệu đồng nhằm hỗ trợ giải quyết những khó khăn đột xuất cho gia đình hội viên. 100% chị em trong tổ còn nuôi lợn nhựa tiết kiệm để giúp các cháu học sinh nghèo vượt khó… Với đà này, bà Vân tin tưởng, năm sau phong trào giúp nhau xóa nghèo sẽ hiệu quả hơn. Đặc biệt, đây là dịp để nhân dân thể hiện tình cảm, trách nhiệm tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, nhất là khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) vừa ban hành Nghị quyết Trung ương 4 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ông Vũ Ngọc Việt ở phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm đánh giá rất cao quyết tâm chính trị của Đảng. Để ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, ngăn chặn biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, ông Vũ Ngọc Việt cho rằng phải thực hiện có hiệu quả nhóm giải pháp về phát huy vai trò của nhân dân và MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội. “Việc giám sát cán bộ, đảng viên, hoạt động của Đảng, chính quyền chính là nhằm phát huy cao độ quyền làm chủ của nhân dân, nhưng phải được thực hiện đúng nguyên tắc và phải có kế hoạch cụ thể, để hoạt động này thực sự sâu sát, thiết thực” - ông Vũ Ngọc Việt đề nghị. Đặc biệt, MTTQ cần chú trọng công tác hậu giám sát, để thông báo với nhân dân kết quả giải quyết những vấn đề MTTQ và nhân dân giám sát, phản ánh, kiến nghị, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, ý kiến của nhân dân bị “lãng quên”. Làm tốt công tác giám sát từ cơ sở, nhất là phát huy vai trò của MTTQ cùng các tổ chức chính trị - xã hội sẽ là giải pháp hữu hiệu, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái trong nội bộ, giữ cho Đảng vững mạnh, dân tin yêu. (Còn nữa)
(Theo hanoimoi.com.vn)