Phú Thọ: Tích cực chung tay, đồng hành xoa dịu nỗi đau da cam

15:59 10/08/2021

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ song những vết thương vẫn còn hiện hữu trong không ít gia đình trở về từ cuộc chiến bởi di chứng chất độc da cam/dioxin, để lại nỗi đau không gì bù đắp nổi. Cùng với cả nước, cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Phú Thọ đã và đang từng ngày, từng giờ chung tay góp sức nhằm chia sẻ, giúp đỡ các nạn nhân có thêm nghị lực vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống.

Gia đình ông Nguyễn Hữu Thiện hội nạn nhân chất độc da cam huyện Yên Lập (Phú Thọ)
Gia đình ông Nguyễn Hữu Thiện hội nạn nhân chất độc da cam huyện Yên Lập (Phú Thọ).

Thăm gia đình ông Nguyễn Hữu Thiện ở thôn Dân Chủ, xã Thượng Long, huyện Yên Lập. Năm 1974, ông Thiện tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ và được biên chế vào đơn vị đặc công bộ binh thuộc C20 Sư đoàn 10, Binh đoàn Tây Nguyên. Trở về sau chiến tranh, ông Thiện cùng nhiều đồng đội đã bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Đến năm 1981, ông lập gia đình và 2 năm sau đón con gái đầu lòng nhưng không may đứa bé sinh ra lại bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, việc điều trị vô cùng khó khăn. Mặc dù được hưởng mức trợ cấp 61% đối với người tham gia kháng chiến bị hậu quả trực tiếp của chất độc hóa học, nhưng với ý chí nghị lực của bộ đội cụ Hồ, không cam chịu đói nghèo, ông luôn động viên vợ lấy lại cân bằng, quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Nhờ sự giúp đỡ của đồng chí, đồng đội và vốn vay của ngân hàng, ông đầu tư trồng quế, nuôi cá, gà, vịt, lợn… Đến nay, mô hình kinh tế của gia đình ông Thiện cho thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/năm. 

Với tinh thần vượt khó vươn lên, ông Thiện đã được lãnh đạo địa phương tín nhiệm bầu làm Phó Chi hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin của xã. Trong mọi hoạt động phong trào, ông luôn đi đầu, tích cực động viên hội viên thi đua phát triển kinh tế, chăm lo xây dựng gia định ấm no hạnh phúc.

Ông Thiện cho biết: Dù khó khăn, vất vả trong cuộc sống nhưng tôi vẫn may mắn hơn các đồng đội đã hy sinh. Vì vậy tôi luôn động viên bản thân và gia đình quyết tâm vượt qua khó khăn để sống xứng đáng là bộ đội Cụ Hồ, thương binh tàn nhưng không phế. 

Mô hình VAC của ông Hà Kim Duyệt- Chủ tịch hội nan nhân chất độc da cam huyện Yên Lập
Mô hình VAC của ông Hà Kim Duyệt- Chủ tịch hội nan nhân chất độc da cam huyện Yên Lập.

Với gia đình ông Hà Kim Duyệt - Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Yên Lập (Phú Thọ) là một hoàn cảnh khác: mang trong mình chất độc màu da cam khi tham gia chiến trường miền Nam, để lại di chứng nặng nề là đứa con gái đầu sinh ra không được bình thường, ngày càng ốm yếu, xương teo dần rồi mất.

Sau khi xuất ngũ trở về địa phương cùng với ý chí của người chiến sỹ năm xưa, ông Duyệt lại tiếp tục cống hiến, tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương suốt 27 năm liên tục. Từ năm 2011 đến nay, ông là Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Yên Lập.

Ông Duyệt bộc bạch: “Tôi xác định, bước chân vào cuộc kháng chiến thì được sống đã là may mắn rồi, bởi vậy dù mang trên mình những nỗi đau đó, người lính chúng tôi không còn cách nào khác phải chấp nhận mà vươn lên. Những mất mát, hy sinh của đồng đội vẫn luôn hiện hữu và trở thành động lực thôi thúc tôi nỗ lực vượt lên”.

Với cương vị công tác của mình, ông Duyệt còn thường xuyên thăm hỏi, động viên gia đình các hội viên trong Chi hội lúc ốm đau; hỗ trợ cây, con giống, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất giúp các hội viên phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, đạt nhiều thành tích trong các phong trào thi đua của địa phương. Bên cạnh công tác Hội, ông Hà Kim Duyệt còn phát triển kinh tế theo mô hình VAC với quy mô hơn 1ha gồm 500 gốc bưởi Diễn, bưởi da xanh, trên 1.000 con gà thịt, 500 vịt đẻ trứng, đồng thời thả thêm cá, nuôi ong lấy mật, nuôi trâu, bò... đem lại thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 6.070 trường hợp bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó có 3.735 trường hợp trực tiếp tham gia hoạt động kháng chiến; 2.335 trường hợp là con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Cùng với việc thực hiện chế độ, chính sách cho các nạn nhân chất độc da cam, những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin của tỉnh tích cực vận động, kêu gọi các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.

Trong 10 năm (2011 - 2021), các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân đã ủng hộ trên 28 tỷ đồng, tặng 374 xe lăn, 902 suất quà, 100 chiếc giường, cấp học bổng cho 39 cháu, 892 bộ quần áo, 252 chăn màn, 1.000kg gạo... Từ nguồn hỗ trợ đó, Hội đã hỗ trợ sửa chữa và xây mới 144 nhà tình nghĩa; hỗ trợ 442 gia đình nạn nhân vay vốn phát triển kinh tế. Hội thường xuyên phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ sở y tế triển khai khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí, giải quyết chế độ, chính sách đối với người tham gia kháng chiến và con của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học... Thông qua các hoạt động đã góp phần chia sẻ, giúp đỡ các nạn nhân với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Ông Phạm Ngọc Quỳnh - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Phú Thọ cho biết: Hầu hết nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh đều có cuộc sống hết sức khó khăn, thường xuyên phải chịu đau đớn về bệnh tật. Để kịp thời động viên, chia sẻ khó khăn, những năm qua tỉnh đã quan tâm thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho các nạn nhân chất độc da cam. Tùy thuộc vào mức độ suy giảm khả năng lao động, nạn nhân chất độc da cam sẽ được hưởng các mức trợ cấp khác nhau. Toàn tỉnh có 582 nạn nhân được hưởng mức trợ cấp cao nhất là 81% với số tiền hơn 3,7 triệu đồng/tháng.

Đã gần 60 năm trôi qua, nhưng nỗi đau, di chứng da cam trên thân thể các nạn nhân và con cháu của họ khó có thể diễn tả hết bằng lời. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng sự chung tay của cả xã hội sẽ tiếp thêm niềm tin, sức mạnh giúp họ vượt qua những di chứng của chiến tranh để lại, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

PV