Phú Thọ: Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách

18:35 09/02/2023

Những điều kiện hoạt động khác biệt của nguồn vốn tín dụng chính sách (TDCS) chính là có sự vào cuộc của Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH). Đây là mô hình tín dụng đặc thù, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng chung tay thực hiện, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển KT-XH của địa phương.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. 

Sự chuyển động nhanh và mạnh của nguồn vốn TDCS đến từng nhu cầu thiết yếu của người nghèo và đối tượng chính sách đã trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Rất nhiều chương trình được triển khai hiệu quả, mang lại những lợi ích thiết thực, làm thay đổi diện mạo cuộc sống của người dân, nhất là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, khẳng định sự thành công của TDCS cũng như vai trò của Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH và hệ thống Ngân hàng CSXH trong suốt những năm qua.

Đến nay, tổng nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng CSXH đạt 5.350 tỉ đồng, tăng 28,86 lần so với cuối năm 2002, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 17%/năm. Tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng trên địa bàn đạt 5.340 tỉ đồng, tăng 29,67 lần so với cuối năm 2002 với số khách hàng còn dư nợ 110.592 khách hàng. Tỉ lệ nợ xấu chiếm 0,11%/tổng dư nợ, giảm 0,64% so với thời điểm cuối năm 2002.

Từ các chương trình TDCS đã và đang triển khai góp phần hỗ trợ trên 793.900 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn; hỗ trợ trên 78.700 hộ thoát nghèo, 217.000 lao động được tạo việc làm; hỗ trợ kinh phí cho trên 7.850 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tạo điều kiện cho trên 97.200 học sinh sinh viên được vay vốn để trang trải chi phí học tập; hỗ trợ xây mới, cải tạo, sửa chữa 351.200 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ mua, sửa chữa, xây mới 460 căn nhà ở xã hội, trên 15.700 căn nhà cho hộ nghèo…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Ông Trương Việt Phương - Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Phú Thọ cho biết: Mô hình hoạt động của Ban đại diện HĐQT đã thực sự phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Ban đại diện HĐQT các cấp đã quan tâm, chỉ đạo sát sao đối với hoạt động của Ngân hàng CSXH. Hơn cả những giá trị về kinh tế, hiệu quả mà TDCS đạt được đến thời điểm này chính là những vấn đề xã hội được giải quyết, giá trị cuộc sống của một bộ phận không nhỏ người dân yếu thế trên địa bàn tỉnh từng bước nâng cao.

Ban đại diện các cấp tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát các chương trình TDCS nhằm giúp công tác TDCS được thực hiện một cách công khai, dân chủ, minh bạch, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận thuận lợi nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước.

Các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan chức năng lồng ghép có hiệu quả các chương trình cho vay, thực hiện tốt các nội dung ủy thác, đảm bảo chất lượng hoạt động TDCS trên địa bàn. Ngân hàng CSXH cần tiếp tục phát triển theo hướng ổn định, tập trung huy động vốn để triển khai hiệu quả các chương trình, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, tạo điều kiện hỗ trợ cho các đối tượng hộ nghèo và các đối tượng chính sách thoát nghèo bền vững.

P.V