Phú Thọ: Nhìn lại 130 năm trên chặng đường phát triển kinh tế- xã hội

15:59 08/09/2021

Trải qua 130 năm xây dựng và phát triển, 35 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ đã nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, không ngừng vươn lên. Từ một tỉnh nghèo, thuần nông, Phú Thọ đã vươn mình trở thành tỉnh phát triển toàn diện, trong tốp đầu của khu vực Trung du miền núi phía Bắc với tốc độ tăng trưởng luôn duy trì cao hơn bình quân trung của cả nước.

Thành phố Việt Trì hôm nay
Thành phố Việt Trì hôm nay.

Cách đây 130 năm, ngày 8/9/1891 tỉnh Hưng Hóa - tiền thân của tỉnh Phú Thọ ngày nay được thành lập. Nhìn lại những năm đầu, Phú Thọ là một tỉnh nghèo, thuần nông, cơ sở hạ tầng yếu kém; công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển chậm, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm tỉ trọng lớn; cuộc sống của người dân nghèo đói, cực khổ.

Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, Phú Thọ liên tục phấn đấu cải tạo quan hệ sản xuất, tổ chức lại lao động, xây dựng cơ cấu kinh tế mới. Trong đó tạo cơ sở cho sự phát triển toàn diện nông - lâm nghiệp, cả về trồng trọt, chăn nuôi, nghề cá, nghề rừng, nghề thủ công. Từ chỗ hầu như không có cơ sở công nghiệp nào đáng kể, đến những năm 60 của thế kỷ XX, Phú Thọ đã trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn của cả nước với các khu công nghiệp Việt Trì, Lâm Thao, Bãi Bằng, Đồng Xuân...; lực lượng lao động công nghiệp lên tới hàng chục vạn người.

Trong những năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nền kinh tế tỉnh nhà đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa rất quan trọng và toàn diện. Sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt nhiều thành tựu, phát triển khá toàn diện, tăng cả về quy mô, năng suất và hiệu quả, là trụ đỡ của nền kinh tế của tỉnh. Kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có bước phát triển, đời sống của các thành viên được cải thiện. Tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh, đưa Phú Thọ thoát khỏi tỉnh nghèo. 

Tuyến đường liên huyện Thanh Thủy- Thanh Sơn
Tuyến đường liên huyện Thanh Thủy- Thanh Sơn.

Phú Thọ từng ngày “thay da đổi thịt”, từ phố phường thành thị đến xóm làng nông thôn, từ vùng đồng bằng đến miền núi đều đổi mới, khang trang, thể hiện diện mạo năng động, giàu bản sắc, mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Kinh tế của tỉnh ngày càng vững với sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, bình quân 5 năm (2016 - 2020) đạt 7,86%. Hệ thống hạ tầng kinh tế phát triển đồng bộ. Các tuyến đường giao thông nội tỉnh được đầu tư, nâng cấp, hệ thống giao thông đối ngoại ngày càng hoàn thiện. Kết cấu hạ tầng đô thị được chỉnh trang, đầu tư nâng cấp, mở rộng, gắn với xây dựng các khu đô thị mới. Các khu, cụm công nghiệp tập trung đầu tư đưa vào hoạt động. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngoài nhà nước phát triển nhanh và đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của tỉnh. Hội nhập kinh tế quốc tế có chuyển biến tích cực, đã tăng cường mở rộng quan hệ  với các nước trong cộng đồng ASEAN, một số nước Châu Á và Châu Âu nhằm thu hút đầu tư các nguồn lực nước ngoài, góp phần quảng bá hình ảnh của tỉnh, tạo cơ hội thu hút đầu tư, viện trợ.

Sự phát triển kinh tế vững chắc càng được thể hiện rõ nét hơn trong 2 năm gần đây, khi đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực, sâu rộng đến tất cả các hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội trên thế giới và trong nước. Tuy đối mặt với những khó khăn chung, nhưng Phú Thọ đã triển khai có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, chính sách thiết thực thực hiện “mục tiêu kép”, vừa kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, được xếp vào nhóm các tỉnh có “nguy cơ thấp”; vừa kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh để phát triển kinh tế. 

Sản xuất công nghiệp tại khu công nghiệp Thụy Vân (Phú Thọ)
Sản xuất công nghiệp tại khu công nghiệp Thụy Vân (Phú Thọ).

Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, kinh tế tiếp tục vượt qua khó khăn, phục hồi và đạt mức tăng trưởng khá; tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) vẫn tăng 6,22%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tiến bộ, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh; trong 6 tháng đầu năm 2021, tỷ trọng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 27,34%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 31,01%; khu vực dịch vụ chiếm 41,65%. Thu hút đầu tư tiếp tục đổi mới, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư.

Bước vào giai đoạn giai đoạn 2020 - 2025 với nhiều khó khăn, thách thức song cũng đứng trước cơ hội và thời cơ mới, Phú Thọ đặt mục tiêu tập trung thực hiện khâu đột phá về “Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh”; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng bình quân 7,5%/năm trở lên; cơ cấu kinh tế năm 2025 chuyển dịch công nghiệp - xây dựng 40,5%, dịch vụ 41,5%, nông - lâm nghiệp - thủy sản 18%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt trên 160 nghìn tỷ đồng; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2025 đạt trên 10 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 22% trở lên.

Để đạt mục tiêu này, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Phú Thọ đẩy nhanh tiến độ triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển tỉnh đến năm 2030, đảm bảo các yêu cầu tầm nhìn, định hướng chiến lược, tính khả thi trong 10 năm tới. Xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đầu tư công 5 năm 2021 - 2025 theo hướng xác định rõ các trọng tâm, trọng điểm để tổ chức thực hiện phù hợp với khả năng và nguồn lực của tỉnh. 

Sản xuất nông nghiệp tại huyện Lâm Thao
Sản xuất nông nghiệp tại huyện Lâm Thao.

Tập trung đầu tư các hạ tầng kinh tế kỹ thuật lớn, hạ tầng đảm bảo đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất kinh doanh, đầu tư mở rộng, đầu tư mới; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao điểm số các chỉ số đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh; triển khai Đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới chính sách đào tạo nghề; nâng cao kiến thức hội nhập cho đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp.

Trong sản xuất công nghiệp tập trung thu hút, nghiên cứu, lựa chọn kỹ lưỡng các dự án quy mô lớn, có tính khả thi cao; phấn đấu đến 2021 cơ bản lấp đầy trên 2/3 Khu công nghiệp Cẩm Khê, Phú Hà và khởi công các Khu công nghiệp Tam Nông, Hạ Hòa; tiếp tục mở rộng Khu công nghiệp Trung Hà; khởi công một số cụm công nghiệp mới.

Về sản xuất nông nghiệp, tiếp tục cơ cấu lại các sản phẩm chủ lực, phù hợp với lợi thế của từng địa bàn, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Tăng cường chỉ đạo triển khai Nghị quyết 05 của HĐND tỉnh, trọng tâm là cây chè, cây bưởi, chuyển hóa rừng cây gỗ lớn thành vùng tập trung, sản xuất hàng hóa. Tiếp tục cơ cấu lại đàn vật nuôi và tái đàn lợn theo hướng phát triển, cung cấp con giống chất lượng cho người nông dân; ưu tiên phát triển trang trại, gia trại, chăn nuôi khép kín, an toàn sinh học.

Về phát triển dịch vụ: Tập trung xây dựng và triển khai đề án phát triển thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam; điều chỉnh quy hoạch Khu Di tích lịch sử Đền Hùng phù hợp với định hướng phát triển Khu du lịch Quốc gia; đồng thời thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ ngoài vùng tam sơn cấm địa của Đền Hùng. Quyết tâm khởi công trong năm 2021 đối với 5 dự án lớn thuộc lĩnh vực dịch vụ tại thành phố Việt Trì, các huyện: Tam Nông, Hạ Hòa, Tân Sơn. Chú trọng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, đưa các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh vào các hệ thống phân phối; hỗ trợ xây dựng các trang điện tử bán hàng trực tuyến gắn với thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, tạo sự kết nối trực tiếp giữa người sản xuất và người tiêu dùng.

Vượt mọi khó khăn, Phú Thọ đã đạt được những thành tựu rõ nét trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế. Chặng đường khó khăn nhưng đáng tự hào này đang được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ tiếp tục tiếp bước. Với những thời cơ mới trong giai đoạn hiện nay, Phú Thọ vững tin đổi mới, hội nhập, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Khánh Trang (Sở TTTT Tỉnh Phú Thọ)