Phú Thọ hoàn thành 9/9 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2022

06:34 09/11/2022

Vừa qua, đồng chí Bùi Văn Quang - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì hội nghị UBND tỉnh nghe các sở, ngành, đơn vị báo cáo: Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị.

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, song tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh Phú Thọ vẫn đạt được kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 7,7% (vượt kế hoạch và cao nhất trong 3 năm trở lại đây); tổng vốn đầu tư xã hội thực hiện trên địa bàn ước đạt 38,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2021; khu vực công nghiệp xây dựng, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng cao (tăng 13% so với cùng kỳ, là động lực chính đóng góp vào tăng trưởng kinh tế); các ngành, lĩnh vực đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch như: thương mại, viễn thông, nông nghiệp, thủy sản, thực hiện vốn đầu tư phát triển, thu ngân sách nhà nước tăng cao. Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng trong phát triển kinh tế của tỉnh, giá trị ước đạt 12,5 tỷ USD, tăng 48% so với cùng kỳ; giá trị nhập khẩu ước đạt 11,3 tỷ USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ.

Đồng thời, cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh của tỉnh tiếp tục được cải thiện, đi vào thực chất, đang dần tạo thuận lợi hơn cho các tổ chức, công dân đến giao dịch; từng bước tạo sự chuyển biến về việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện quy tắc ứng xử, giảm bớt phiền hà, sách nhiễu trong cán bộ, công chức. Chỉ số PCI và chỉ số PAR Index 2 năm liên tiếp có sự thay đổi nằm trong nhóm đầu cả nước.

Cùng với đó, thu hút đầu tư đạt nhiều tiến bộ, đầu tư công huy động ở mức cao so với kế hoạch trung hạn 2021 - 2025. Thu hút FDI đạt mức cao so với nhiều địa phương trong cả nước (412,3 triệu USD); trong đó đã khởi công đồng loạt 12 dự án đầu tư công và 2 dự án đầu tư ngoài ngân sách có ý nghĩa kinh tế - xã hội quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Công tác lập và quản lý quy hoạch, đất đai, tài nguyên và môi trường tiếp tục được quan tâm, chú trọng; công tác giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án trọng điểm thường xuyên được kiểm tra, đôn đốc thực hiện, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở mức cao so với bình quân chung cả nước. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; đảm bảo an sinh xã hội thông qua các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ và của tỉnh đã được triển khai kịp thời, có hiệu quả. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện.

Tuy nhiên, qua tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh còn bộc lộ một số tồn tại, khó khăn: Khâu tổ chức thực hiện một số chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh ở một số ngành, địa phương, nhất là cấp cơ sở còn yếu; tăng trưởng kinh tế cả năm đạt mức khá cao song một số chỉ tiêu ngành, lĩnh vực, khu vực kinh tế chưa đạt kế hoạch và còn thấp hơn so với kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 (chỉ tiêu khách du lịch, các khoản thu từ doanh nghiệp đạt thấp); việc triển khai một số dự án, công trình trọng điểm đã được tập trung chỉ đạo nhưng chưa đạt tiến độ đề ra; công tác đền bù giải phóng mặt bằng ở một số địa phương còn gặp nhiều vướng mắc, vẫn là điểm nghẽn ảnh hưởng đến thu hút các dự án mới. Năng lực cạnh tranh, tiềm lực vốn của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn còn thấp (nhất là các doanh nghiệp địa phương)…

Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang nhấn mạnh: Năm 2022, tuy chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, song cũng là năm công tác lãnh đạo, chỉ đạo năm 2022 có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị rõ ràng, quyết liệt; các huyện, thành, thị triển khai có hiệu quả khâu đột phá chiến lược của tỉnh, trong đó tập trung vào công tác chỉ đạo giải phóng mặt bằng, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh; đồng thời nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân và doanh nghiệp. Do đó, kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được một số kết quả quan trọng, nhất là về cải thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tháo gỡ về mặt cơ chế chính sách, giải quyết được những vướng mắc kéo dài cho nhiều dự án đầu tư, xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí cũng yêu cầu: Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến, chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, thống nhất, bổ sung số liệu làm rõ tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Về nhiệm vụ năm 2023 cần tập trung, làm rõ hơn các nhiệm vụ, chỉ tiêu: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển; tập trung cao độ đối với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để triển khai các dự án; rà soát, đánh giá các dự án đầu tư, để xem xét thu hồi các dự án thực hiện chậm tiến độ hoặc không triển khai thực hiện; tiếp tục chú trọng cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy chính quyền đặc biệt cơ đơn vị quan sự nghiệp; đẩy mạnh xây dựng chính quyền số.

Về kế hoạch đầu tư công, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất quan điểm là tập trung nguồn lực, hoàn thành hạ tầng các công trình, dự án trọng điểm, có tác động thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; giải quyết xong dứt điểm các dự án nợ đọng; triển khai các giải pháp chống thất thu ngân sách.

P.V