"Ông lớn" ngành tài chính Trung Quốc nộp đơn xin phá sản

10:45 06/01/2024

Các "ngân hàng ngầm" như Zhongzhi là những công ty được quản lý lỏng lẻo, tập hợp tiền tiết kiệm của hộ gia đình để cho vay và đầu tư vào bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu và hàng hóa.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Thông báo hôm 5/1 của một tòa án tại Bắc Kinh cho biết, Zhongzhi nộp đơn trên cơ sở không thể thanh toán nợ đáo hạn và tài sản cũng không đủ để trả tất cả khoản nợ. Tòa án này đã chấp thuận đơn xin phá sản của Zhongzhi, theo Luật phá sản doanh nghiệp Trung Quốc.

Lo ngại về tài chính của hãng này bùng lên từ tháng 8/2023, khi Zhongrong International Trust - một quỹ họ kiểm soát lỡ hạn thanh toán cho nhà đầu tư tổ chức. Zhongzhi Enterprise Group (ZEG) sau đó đã xin lỗi nhà đầu tư. Họ cho biết, kể từ khi nhà sáng lập qua đời năm 2021 và nhiều lãnh đạo cấp cao sau đó từ chức, ZEG vẫn vật lộn với việc quản trị nội bộ "kém hiệu quả".

Những tai ương ngày càng tồi tệ tại Zhongzhi - một "tay to" trong lĩnh vực ngân hàng "ngầm" trị giá tới 3.000 tỷ USD của Trung Quốc (gần bằng quy mô của nền kinh tế Pháp), làm tăng thêm lo ngại rằng cuộc khủng hoảng nợ bất động sản của nước này đang lan sang lĩnh vực tài chính.

Zhongzhi - công ty có mối quan hệ khá lớn với lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, đã xin lỗi các nhà đầu tư trong một lá thư vào tháng 11 cho biết, họ đã mất khả năng thanh toán nghiêm trọng với khoản nợ lên tới 64 tỷ USD.

Cảnh sát ở Bắc Kinh, nơi công ty đặt trụ sở, sau đó đã mở một cuộc điều tra các đơn vị của Zhongzhi thực hiện và cho biết, họ đang xem xét “nhiều” nghi phạm có liên quan đến công ty.

Hồi tháng 8/2023, Zhongzhi cũng tiết lộ đang đối mặt với khủng hoảng thanh khoản và sẽ thực hiện tái cấu trúc nợ. Công ty này nói rằng phá sản là một trong các lựa chọn họ cân nhắc.

Những năm gần đây, trong khi các quỹ tín thác đối thủ tìm cách giảm bớt rủi ro, Zhongzhi và các chi nhánh vẫn mở rộng tài trợ cho các nhà phát triển bất động sản đang gặp khó khăn, song song việc thu mua tài sản của các công ty khác, trong đó có cả Tập đoàn Evergrande.

"Sự đi xuống của thị trường bất động sản, cùng các chính sách nghiêm ngặt và biện pháp chống tham nhũng tài chính gia tăng đã ngăn công ty thu hồi tài sản kịp thời" - ông Zhao Jian, người đứng đầu Viện Nghiên cứu tài chính Atlantis ở Bắc Kinh, cho biết.

Trong những vụ vỡ nợ nghiêm trọng nhất của Trung Quốc thời gian gần đây, các công ty có xu hướng tiến hành tái cơ cấu nợ trước tiên, tránh nộp đơn xin phá sản chính thức.

HNA Group, tập đoàn sụp đổ với khoản nợ hàng tỉ đô la, đã hoàn thành tái cơ cấu vào năm 2022. 

Tập đoàn Evergrande, vỡ nợ vào năm 2021 với khoản nợ khoảng 327 tỉ USD, vẫn đang vật lộn cơ cấu và chưa nộp đơn xin phá sản tại địa phương.

Các "ngân hàng ngầm" như Zhongzhi là những công ty được quản lý lỏng lẻo, tập hợp tiền tiết kiệm của hộ gia đình để cho vay và đầu tư vào bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu và hàng hóa.

Ngành tín thác của Trung Quốc là nguồn tài trợ thay thế quan trọng cho những người đi vay không thể vay vốn ngân hàng thường xuyên như các nhà phát triển bất động sản.

Thu Hà (t/h)