'Ông lớn' muốn làm 4 dự án giao thông nghìn tỷ tại TP.HCM là ai?

10:31 24/01/2024

Một “ông lớn” doanh nghiệp vừa gửi văn bản đến Ủy ban nhân dân TP.HCM đề xuất tham gia đấu thầu 4 dự án giao thông nghìn tỷ.

Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) đã gửi văn bản đến UBND Tp.HCM đề xuất tham gia đấu thầu 4 dự án giao thông gồm: Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3); mở rộng đường trục Bắc - Nam (đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm); Dự án cầu Thủ Thiêm 4; Dự án cầu Cần Giờ.

Theo dữ liệu, Trungnam Group được thành lập vào tháng 11/2004, trụ sở chính hiện đặt tại số 7A/68 Thành Thái, quận 10, TP. HCM (Toà nhà Trung Nam). Chủ tịch HĐQT kiêm Người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Tâm Thịnh.

Cập nhật đến ngày 27/6/2019, Trungnam Group có vốn điều lệ 4.000 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông và tỷ lệ sở hữu không được công bố.

Theo nhà đầu tư này, với năng lực tài chính và đã có kinh nghiệm đầu tư các dự án cầu Bạch Đằng, nút giao thông Ngã Ba Huế, cầu Mỹ Thuận 2, cầu Phước An… nên doanh nghiệp mong muốn được tham gia đấu thầu dự án.

Thiết kế cầu Thủ Thiêm 4. Ảnh: Sở GTVT TP.HCM.
Thiết kế cầu Thủ Thiêm 4. Ảnh: Sở GTVT TP.HCM.

Trước đó, dự án mở rộng đường trục Bắc - Nam theo hình thức BOT cũng nhận được ít nhất đề xuất của 3 liên danh nhà đầu tư. Theo quy định hiện nay của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), các dự án phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư công khai, minh bạch.

Trong văn bản gửi các nhà đầu tư Sở Giao thông - Vận tải Tp.HCM cho biết, sẽ tổ chức khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư đối với các dự án, thực hiện song song với quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi vào quý 4/2024, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư vào quý 3/2025.

Vào đầu tháng 1/2024, UBND TP.HCM ban hành Kế hoạch đầu tư mở rộng 5 dự án đường bộ theo hình thức BOT trên tuyến đường hiện hữu gồm: Mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương); mở rộng Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An); cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3); nâng cấp đường trục Bắc - Nam, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến lức Long Thành; xây dựng cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh). Đây là những dự án thực hiện theo cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội Khóa XV.

Trước đó, Sở GTVT TP.HCM cũng trình Hội đồng Thẩm định TP tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 theo phương thức đối tác công tư (PPP). Theo đó, dự kiến cầu Thủ Thiêm 4 sẽ được khởi công vào năm 2025, hoàn thành vào năm 2028, với tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỉ đồng.

Cầu Thủ Thiêm 4 sẽ bắt đầu từ trước giao lộ Nguyễn Văn Linh - cầu Tân Thuận 2 (cách nút giao khoảng 200m về hướng đi quốc lộ 1), đi dọc theo đường Nguyễn Văn Linh đến ngã tư giao với Huỳnh Tấn Phát thì rẽ trái, kết nối vào đường Lưu Trọng Lư - vị trí quy hoạch cầu Thủ Thiêm 4, cắt qua khu cảng Tân Thuận. Sau đó, cầu sẽ vượt qua sông Sài Gòn và kết nối với Khu đô thị mới Thủ Thiêm tại đường trục Bắc Nam, kết thúc tại nút giao thông đường Nguyễn Cơ Thạch và đường R4, TP Thủ Đức. Theo Sở GTVT, cầu Thủ Thiêm 4 là dự án trọng điểm, cấp bách cần ưu tiên đầu tư để dần đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung toàn khu theo đúng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

HDND TP.HCM đã phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với 14 dự án đầu tư công nhóm B, gồm dự án mở rộng, nâng cấp đường Chu Văn An (từ ngã 5 Bình Hòa đến cầu Chu Văn An), quận Bình Thạnh; dự án nạo vét, khơi thông dòng chảy, kiên cố hóa rạch Cung, rạch Lồng Đèn (rạch Cung nối dài); dự án "triển khai hệ thống quản lý, lưu trữ cơ sở dữ liệu thuộc kho dữ liệu dùng chung của TP - giai đoạn 1"; dự án nhà ở xã hội tại số 4 Phan Chu Trinh, phường 12, quận Bình Thạnh; dự án cải tạo, nâng cấp và thay thế giường bệnh khối chữ H Bệnh viện Nhân dân Gia Định; dự án cải tạo, sửa chữa hội trường TP; dự án mở rộng hẻm 334 đường Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10.

Ngoài ra, còn các dự án nhóm B trên địa bàn quận Bình Tân như dự án xây dựng mới trường Tiểu học Trần Nhân Tông; dự án xây dựng mới trường tiểu học Hai Bà Trưng; dự án xây dựng mới trường Tiểu học Bình Trị Đông (khu phố 6); dự án xây dựng mới trường Tiểu học Lê Hữu Trác; dự án xây dựng mới trường Trung học cơ sở Tôn Đức Thắng; dự án xây dựng mới trường Trung học cơ sở Lê Ngọc Hân và dự án mở rộng trường Tiểu học An Lạc 3.

P.V (Tổng hợp)