OCED: Rất ít doanh nghiệp dành sự quan tâm về đạo đức khi tuyển dụng việc làm AI

23:08 07/11/2023

Sự nở rộ của ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang đặt ra những nguy cơ về đạo đức, nhưng các chủ doanh nghiệp lại dành rất ít sự quan tâm cho vấn đề này trong tuyển dụng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Kể từ khi ChatGPT xuất hiện, xu hướng ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng tăng lên làm cho thị trường việc làm liên quan đến công nghệ này bùng nổ.

Theo hãng tin CNBC, số lượt tìm kiếm việc làm liên quan đến AI tăng gần 4.000% và số cơ hội việc làm về AI cũng đã tăng 306% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, những công ty tuyển dụng các vị trí AI được săn đón nhiều nhất lại không phải là những công ty thuộc lĩnh vực kỹ thuật.

Nhà khoa học dữ liệu là công việc AI được tìm kiếm nhiều nhất trên thị trường hiện nay. Trong sáu tháng qua, đây là công việc AI được quảng cáo nhiều nhất trên nền tảng Indeed và được đăng nhiều thứ hai trên nền tảng ZipRecruiter.

"Bối cảnh tuyển dụng các nhà khoa học dữ liệu chuyên về AI đã vượt ra ngoài công nghệ, vươn đến các dịch vụ tài chính, hàng không vũ trụ, truyền thông và các ngành khác. Tất cả đều đang tăng ngân sách tuyển dụng để chiêu mộ các chuyên gia này vào đội ngũ nhân viên hoặc tạo ra các vai trò mới" - trích báo cáo của Indeed.

Theo dữ liệu của Indeed, các nhà khoa học dữ liệu làm việc trong lĩnh vực AI có thể kiếm được ít nhất 100.000 USD/năm (gần 2,4 tỉ đồng) với kinh nghiệm chưa đầy một năm. Trong khi đó nền tảng ZipRecruiter chốt mức lương trung bình cho một nhà khoa học dữ liệu AI cấp mới vào là 122.738 USD/năm.

Sự nở rộ của ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang đặt ra những nguy cơ về đạo đức, nhưng các chủ doanh nghiệp lại dành rất ít sự quan tâm cho vấn đề này trong tuyển dụng. Đây là kết quả báo cáo mới được Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) công bố hôm 6/11.

Để phục vụ báo cáo kỹ năng việc làm thường niên, OECD đã khảo sát các thông tin tuyển dụng việc làm trực tuyến cho các vị trí việc làm có liên quan AI tại 14 quốc gia. Kết quả cho thấy, ở phần lớn các quốc gia, chưa đến 1% vị trí việc làm cần tuyển dụng có đề cập đến đạo đức AI. Kết quả cũng chỉ ra rằng tỷ lệ phần trăm các thông tin tuyển dụng chứa từ khóa liên quan "đạo đức" dù đã tăng mạnh trong 4 năm qua nhưng vẫn ở mức rất thấp, trung bình 0,4% năm 2022.

Năm 2019, ở Mỹ chỉ có 0,1% số bài đăng tuyển dụng trực tuyến các vị trí việc làm trí tuệ nhân tạo (AI) có đề cập tới từ khóa liên quan đạo đức. Đây là những vị trí việc làm yêu cầu người lao động có triển vọng, sở hữu những kỹ năng liên quan phát triển và sử dụng AI. Con số này tăng lên 0,5% trong năm 2022. Theo báo cáo, thực tế cho thấy, dù các nước đã cam kết mạnh mẽ và các công ty phát triển AI cũng đã đưa ra các dự định nhưng vấn đề đạo đức AI vẫn chưa được ưu tiên trong các quyết định tuyển dụng. Báo cáo nhấn mạnh đây là vấn đề cần được ưu tiên.

Mới đây, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã chủ trì Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu đầu tiên về an toàn AI, quy tụ đại diện các chính phủ và lãnh đạo những công ty công nghệ hàng đầu. Trước hội nghị, các lãnh đạo Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) cũng đã nhất trí một bộ quy tắc ứng xử không ràng buộc với các công ty phát triển những hệ thống AI tiên tiến nhất.

Tuy nhiên, các chính phủ vẫn đang bị động theo sau trong việc quản lý công nghệ đang phát triển nhanh chóng này.

Đức Anh (t/h)