Nữ phóng viên - Nhà văn Mị Dung và những chuyện chưa kể

17:22 02/07/2024

“Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ viết văn. Bởi tôi cho rằng để là một nhà văn cần lối ngôn ngữ biệt dị và phải có góc nhìn sâu sắc nhân văn. Mà tôi quả thực cảm thấy mình không có năng lực đó”.

Tâm sự với chúng tôi, nữ phóng viên - nhà văn Mị Dung rất vui khi tác phẩm đầu tay của mình được bạn đọc đánh giá có lối viết chân thực, nhẹ nhàng của một cô gái trẻ. Trong làng báo, cô là một nữ phóng viên trẻ sáng giá, nổi bật với gương mặt xinh đẹp và nụ cười tươi rạng ngời, tạo cảm giác thân thiện và gần gũi khiến mọi người xung quanh cảm thấy thoải mái và dễ gần.

Nữ phóng viên - nhà văn Mị Dung
Nữ phóng viên - nhà văn Mị Dung.

Cô kể: “Nghề báo đến với tôi như một cơ duyên. Năm 2013 tôi tốt nghiệp Đại học Đà Lạt và trở về quê hương Bình Định theo như nguyện vọng của cha mẹ. Tôi trở thành một phóng viên, phát thanh viên cho Đài phát thanh truyền hình Hoài Nhơn, nhưng chưa được 2 tháng thì tôi quyết định vào thành phố Quy Nhơn với mong muốn trở thành một giáo viên. Hồi đó, hay ước làm giáo viên, cho rằng nghề giáo là nghề sang trọng và được xã hội trọng vị ghê lắm và tôi nộp đơn nhiều trường để mong được vào dạy hợp đồng cũng tốt rồi, chưa dám nghĩ tới biên chế nhưng quả thật đó là chuyện không dễ dàng”- Mị Dung nói.

Với vẻ ngoài trẻ trung và nét duyên dáng, lối nói chuyện bình dị đến mức vô tư, cô phóng viên trẻ khiến câu chuyện trở nên dí dỏm, người nghe cũng không khỏi bất ngờ. “Tại sao bạn quyết định vào Sài Gòn và theo nghiệp viết lách?” - Tôi hỏi.

Nữ phóng viên Mị Dung cùng cha ruột
Nữ phóng viên Mị Dung cùng cha ruột.

“Tôi vào Sài Gòn với vài bộ quần áo cũ và một chiếc laptop. Ba tôi không muốn tôi rời xa quê hương, chính vì vậy ông không cho tôi mang theo một đồng xu nào lận lưng. Rất may, lúc đó tôi có một người bạn đã giúp đỡ. Đầu tiên, tôi về báo Giao thông nhờ một chị đồng hương giới thiệu với mức lương 500 ngàn đồng/tháng. Vào thời điểm đó, số tiền ấy khá lớn đối với tôi. Tôi tiêu khá tiết kiệm và chưa bao giờ dám mua cho mình bất kỳ một chiếc áo mới nào. Nhiều lúc tủi thân muốn khóc, muốn gọi về xin ba má, nhưng lại sợ ba má khuyên rằng thôi hãy về nhà đi con đừng ở nơi đất khách quê người. Thế là thắt dây buộc bụng”- Mị Dung tâm sự.

Mị Dung chia  sẻ truyền cảm hứng tại sự kiện  21.6 của Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập
Mị Dung chia sẻ truyền cảm hứng tại sự kiện kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam- 21/6 của Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập.

Với vẻ ngoài dễ khiến người ta yêu mến, tài năng văn chương của Mị Dung khiến cô càng cuốn hút. Theo nghề báo nên đi nhiều, nghe nhiều, nhìn thấy nhiều và phải biến những thứ nghe được thành tác phẩm, Mị Dung nỗ lực không ngừng để theo đuổi đam mê của mình. Bao tháng ngày “thai nghén”, nữ nhà văn Mị Dung đã hoàn thiện cuốn sách đầu tay mang tên "Ngẩng mặt nhìn mặt". Cuốn sách này đưa người đọc vào câu chuyện đầy cảm xúc và ý nghĩa, từ góc nhìn của một cô bé 13 tuổi về thời kỳ hậu chiến tại miền Trung Việt Nam sau năm 1975. 

Một đề tài khá táo bạo và đầy rủi ro đối với một cô gái lần đầu tiên xuất bản cuốn sách. “Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ viết văn. Bởi tôi cho rằng để là một nhà văn cần lối ngôn ngữ biệt dị và phải có góc nhìn sâu sắc nhân văn. Mà tôi quả thực cảm thấy mình không có năng lực đó. Tôi đã từng lên Đà Lạt để ngồi xâu chuỗi lại những câu chuyện mà mình đã nghe nhưng không hiểu sao tôi vẫn không viết được một chữ nào, nên xách vali về lại Sài Gòn” - Nữ văn sĩ trẻ nói.

Đạo diễn Phan Phúc, Mị Dung,  Nhà văn Nguyễn Trí, GS.TS Đào Văn Lượng
Đạo diễn Phan Phúc, Mị Dung, nhà văn Nguyễn Trí, GS.TS Đào Văn Lượng.

Nói về cô, nhà văn Nguyễn Trí đã từng nhận xét: “Văn chương đó là thứ phải đam mê, phải say đắm lắm mới có thể viết được vì cô gái ấy mới chỉ ngoài 30 chút, tức là sau cuộc chiến 1975 cô ấy vẫn chưa ra đời, đây là một cuốn sách đáng để chúng ta mất thời gian với nó…”

Không từ bỏ những ấp ủ, những giấc mơ, những hoài bão, cuối cùng tác phẩm ấy cũng hoàn thành. “Những người tôi phỏng vấn để viết được cuốn sách này họ đã bước vào tuổi thất thập cổ lai hy. Có một người vừa mới mất sau khi tôi phỏng vấn họ chừng vài tháng. Nếu như tôi chậm chân có lẽ những câu chuyện của ông ấy sẽ mãi mãi chôn vùi trong quá khứ và chôn vùi dưới nấm mộ sâu”- Mị Dung chia sẻ.

Toàn  bộ tiền mua  sách của buổi ra mắt dành cho Mái ấm Nhân Tâm của Họa sĩ Lê Phương
Toàn bộ tiền mua sách của buổi ra mắt sách "Ngẩng mặt nhìn mặt" được tặng lại Mái ấm Nhân Tâm của họa sĩ Lê Phương.

Với niềm đam mê viết lách và khám phá, cô luôn tìm kiếm những câu chuyện độc đáo và ý nghĩa để chia sẻ với độc giả. Ở cô gái trẻ này luôn toát lên vẻ đẹp tinh thần, đầy năng lượng tích cực và sự quyết tâm bền bỉ. Với những phẩm chất đặc biệt này, cô chắc chắn sẽ là một nguồn động viên và cảm hứng lớn lao cho những người trẻ đam mê báo chí và luôn khao khát thách thức bản thân để phát triển và thành công trong sự nghiệp.

Nhìn vào tương lai, chúng ta không thể nào biết trước được những điều gì sẽ xảy ra, với Mị Dung là một nữ phóng viên trẻ năng động, sáng tạo, luôn tìm kiếm sự thật và bày tỏ ý kiến mạnh mẽ qua ngòi bút. Cô thu hút độc giả bằng cách truyền đạt thông tin một cách chân thực và sâu sắc. Với trách nhiệm cao cùng lòng đam mê nghề, Mị Dung đã góp phần nhỏ vào sắc màu tươi tắn của văn học - xã hội, mở đường cho những câu chuyện mới và ý tưởng sáng tạo.

Uyển Nhi