Nhà báo người Việt đầu tiên trên đất Mỹ là người làng tôi- Bài III: Đi tìm gốc tích Trần Trọng Khiêm trên quê hương “Làng Dòng".

20:47 15/03/2021

Đó là cụ Trần Trọng Khiêm, sinh năm 1821, quê làng Xuân Lũng, phủ Lâm Thao. Nay là xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ quê hương tôi!

Bia đá cổ tại chùa Phổ Quang xã Xuân Lũng, nơi lưu giữ nhiều dấu tích lịch sử của
Bia đá cổ tại chùa Phổ Quang xã Xuân Lũng, nơi lưu giữ nhiều dấu tích lịch sử của "Làng Dòng". 

Là con em làng Xuân Lũng, tôi tự tin rằng có thể dễ dàng tìm hiểu về một dòng họ nào đó ở làng mình còn lưu lại trong gia phả hay chí ít các thế hệ cháu con hôm nay còn truyền miệng về tên tuổi cụ Trần Trọng Khiêm. Thế nhưng tôi đã thất bại, đồng chí cán bộ Văn hóa xã hết sức nhiệt tình giúp tôi tìm hiểu đến các dòng họ, đặc biệt là dòng họ Trần thế mà tuyệt nhiên không có thông tin gì gợi mở để tôi có thể lần tìm ra gia tộc của cụ Khiêm. 

Có lẽ dấu tích về cụ Trần Trọng Khiêm cũng đã mai một như di tích Lò Ngựa này của
Có lẽ dấu tích về cụ Trần Trọng Khiêm cũng đã mai một như di tích Lò Ngựa này của "Làng Dòng" nay đã không còn. 

Đau đáu nhiều ngày tìm manh mối, tôi khấp khới vì nhớ ra nhà văn Nguyễn Văn Toại, ông là người làng Xuân Lũng. Và chính ông là người đã rất dầy công sưu tầm, tìm tòi về lịch sử làng Xuân Lũng để viết ra “Kẻ dòng nội truyện”, tôi kỳ vọng ông sẽ có cho tôi nhiều thông tin bổ ích. Tuy nhiên khi xin được số điện thoại gọi cho ông thì ông cũng chỉ nói là đã từng mất khá nhiều công sức tìm hiểu về cụ Trần Trọng Khiêm nhưng cũng không tìm được sử liệu nào của Làng ghi lại và dòng họ Trần (Xuân Lũng) cũng gần như khồng có bất cứ thông tin nào về cụ Trần Trọng Khiêm. 

Sau khi đã tìm mọi cách để có thể tìm ra được chút manh mối nào đó về một người con Làng Dòng (Xuân Lũng) mà với tôi ông thật đáng kính trọng. Tôi quyết định tìm đọc lại đầy đủ “Con đường thiên lý” của học giả Nguyễn Hiến Lê để xem ông căn cứ vào đâu khẳng định rằng Trần Trọng Khiêm (Lê Kim) là người Làng Dòng (Xuân Lũng). Thì ra Nguyễn Hiến Lê có chơi thân với một người bạn học mà ông gọi là “Anh Bảng”, ông ta là người làng Xuân Lũng, và là cháu đời thứ 6 của cụ Trần Trọng Khiêm. Nguyễn Hiến Lê đã từng về thăm gia đình “Anh Bảng” (bạn học) và như những gì tác giả miêu tả thì nhà người bạn học đó đúng là xóm Làng San, Xuân Lũng quê tôi. 

Như ông tả thì “Nhà anh Bảng cất dưới chân một ngọn đồi trông ra cái hồ hẹp, dài, bên bờ có mấy gốc si… Nhà năm gian lợp lá, vườn rộng nhưng trồng ít cấy… làng mạc thưa thớt, cách không xa bên cạnh xóm anh ở có một con sông nhỏ, khu vực này có nhiều người buôn nứa xuôi về phủ Lâm Thao…”. Nếu đúng như khung cảnh cụ Nguyễn Hiến Lê mô tả thì bằng những gì tôi biết, tôi đoán đây là xóm Làng San. Xóm nhìn sang Trạm Y Tế xã Xuân Lũng bây giờ. Và khi đọc lại “Kẻ dòng nội truyện” thì ra nhà văn Nguyễn Văn Toại cũng có suy đoán như vậy. 

Tôi có nhờ anh Nguyễn Văn Chính- Cán bộ Văn hóa xã Xuân Lũng hỏi giúp khu vực này có gia đình nào mang họ Trần và có biết về cụ Trần Trọng Khiêm không, thế nhưng không ai biết. Nhà văn Nguyễn Văn Toại cũng nói với tôi không tìm được dấu tích gì hết, bởi lúc cụ Khiêm rời làng là cụ bị truy nã có lẽ vì thế mà anh em dòng họ đã hủy hết dấu tích nhằm bảo toàn cho cụ. 

Tôi có trở lại khu Làng San để tìm hiếu. Thế nhưng, làng xóm và khu vực ao Cây Si mà tôi biết cũng không còn khung cảnh như xua. Bây giờ nhà nước đã giao đất cho dân theo từng hộ và họ đã chia nhỏ ao Cây Si ra thành nhiều ao nhỏ. Tôi định chụp mấy hình ảnh để lưu lại nhưng xem anh không đặc tả được nét gì phục vụ co bài viết. 

Mọi suy luận đều có lý nhưng theo cá nhân tôi có thể chưa chắc cụ đã mang họ Trần mà nói lái để che dấu thân phận. Tuy nhiên có một điều tôi tin chắc ông Nguyễn Hiến Lê đã từng đến thăm bạn ở làng Xuân Lũng vì trong “Con đường thiên lý” ông mô tả về làng Xuân Lũng rất chuẩn, đặc biệt khu xóm Làng San, ao Cây Si và khu vực gần cầu Mả Vỡ của làng Xuân Lũng ngày xưa. 

Biết rằng tôi đã thất bại, không thể tìm ra dòng tộc hay gốc tích nào đó còn lưu lại về cụ Trần Trọng Khiêm nhưng thông qua “Con đường thiên lý” tôi đã biết thêm một điều, quê hương tôi đã có một tiền nhân từng là nhà báo. Ông đã đi trước thời đại và để lại cho tôi thật nhiều cảm xúc khi đọc được những dòng tác giả viết về cụ một cách trân trọng. 

Nguyễn Trọng Khả