Nhà báo Lê Bá Dương: “Tôi giờ vẫn sống trong hoài niệm”

17:35 03/07/2024

Trong các nhà báo tôi từng gặp, biết và thân thiết, tôi muốn viết về anh - Nhà báo, cựu chiến binh Lê Bá Dương, người đồng hương xứ Nghệ, người đồng đội, đồng nghiệp, mà tôi đã có cơ hội làm việc cùng tại Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập.

Đi, nhìn để thấy

Lê Bá Dương sinh ngày 10/4/1953 tại Nghệ An và nhập ngũ vào đúng ngày sinh nhật tuổi 15 - năm 1968, trở thành một người lính của Quân đội nhân dân Việt Nam, tham gia chiến dịch giải phóng và bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Trải qua nhiều trận đánh vào sinh ra tử trên khắp chiến trường, Lê Bá Dương trở thành người sỹ quan, người chỉ huy trẻ nhất và cũng là một trong những dũng sĩ trẻ nhất mặt trận Quảng Trị lúc bấy giờ. Phóng viên chiến trường các báo Nhân dân, Quân đội, Tiền phong... khi thâm nhập thực tế, tìm đến "khai thác" gương Lê Bá Dương đăng tải trên các chuyên mục "Những trận đánh hay, những người đánh giỏi". Thành tích của Lê Bá Dương đã trở thành các chủ đề học tập như: "Xung kích như Lê Bá Dương, chốt chặt như Lê Bá Dương".

Nhà báo Lê Bá Dương tại đảo Sinh Tồn Đông 2004.
Nhà báo Lê Bá Dương tại đảo Sinh Tồn Đông 2004.

Từ nhân vật được gặp gỡ, phỏng vấn, là người ham học hỏi, Lê Bá Dương chủ động trò chuyện, trao đổi, đôi lúc còn tranh luận với các phóng viên về cách khai thác thông tin, viết tin, bài sao cho hiệu quả để mỗi bài báo khi đăng tải được bạn đọc đón nhận. Từ đó, anh nhanh chóng nắm bắt được các kỹ năng viết báo, chụp ảnh, và bắt đầu viết tin, bài cho Báo Tiền Tuyến, Đặc san Văn nghệ Đường 9, Báo Quân đội Nhân dân. Anh chia sẻ, các tin, bài của anh được các báo đăng tải lúc đó dù chưa rõ về thể loại báo chí, chủ yếu là ghi chép lại những thành tích, gương chiến sỹ dũng cảm sau mỗi trận chiến đấu hay đời sống, tâm tư tình cảm của đồng đội trên chiến trường..., nhưng chính là nguồn động lực thôi thúc anh cầm bút.

Sau chiến tranh, anh trở thành Nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh, làm việc tại Báo Quân khu 5, Báo Văn hóa, Tạp chí Văn Hiến và hiện anh là phóng viên Văn phòng Đại diện Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập tại tỉnh Khánh Hòa. Gần 30 năm cầm bút, mặc dù mang trên mình di chứng của 14 lần bị thương, nhà báo Lê Bá Dương vẫn miệt mài, dẻo dai với nghề, được đồng nghiệp và bạn bè nể trọng. Là người đi nhiều và có quan điểm nghề báo “phải đi, nhìn để thấy”, dù ở vị trí công tác nào, anh đều gắn vào những chuyến đi. Anh bảo, đi nhiều, nhà báo sẽ có góc nhìn riêng và thấy được rõ những điều cần thấy... Chính từ những chuyến đi, anh đã có nhiều tác phẩm báo chí được trao giải.

Nhà báo Lê Bá Dương cho biết: Trong bốn chuyến cùng bộ đội hải quân vượt sóng mang hàng tết ra quần đảo Trường Sa mùa giông bão, mỗi chuyến đi ngoài những thông tin cập nhật trong suốt hải trình, tôi đều có ít nhất một bài viết theo cách thấy riêng của mình. Còn nhớ, chuyến đi thăm đảo Tết năm Dậu (2005). Mùa tết, là mùa giông bão, tàu phải vật lộn với những cột sóng lừng lững… Khi anh em chiến sỹ ai nấy lo chằng giữ hàng hoá, đặc biệt là đàn lợn, bu gà, đồng chí Tham mưu phó vùng 4 Hải quân cũng đôn đáo nhắc nhở mọi người cố gắng để những con lợn, con gà khi giao cho từng đảo phải là lợn sống, gà sống, ngày tết mà đảo nào không may phải nhận lợn gà cấp đông coi như mất tết.

“Việc chuyển hàng tết ra đảo gian nan, vất vả. Anh em mang quà từ bờ ra đảo, cũng phải cố gắng nhiều lắm để đồng đội giữa trùng khơi ngày tết có đồ ăn tươi ngon… Một chiều muộn giáp tết vào đảo, đúng dịp đảo tổ chức tất niên sớm, nhìn những người lính đảo chộn rộn, háo hức, chuẩn bị cho bữa cỗ tất niên, mà nao cả lòng. Thấy tôi quàng máy ảnh bước về khu vực bếp, anh lính trẻ khoe: “Bác nhà báo có nghe tiếng gà, lợn kêu không? Mỗi năm có một dịp thế này, không biết bác nhà báo thế nào, tụi cháu ngoài đảo, hễ nghe tiếng gà kêu, lợn éc vậy như được nghe cả tiếng làng quê ngày tết, vui lắm, nhớ lắm.” Và thế là bài viết “Tiếng làng” được tôi hoàn thành ngay đêm trước khi rời đảo. Như tiếng lòng của cán bộ, chiến sỹ, không chỉ mong đưa tới đồ ăn tươi ngon mà hơn thế là ăm ắp tiếng quê gợi phong vị thân thương vọng từ sau luỹ tre làng, một chút tình gửi người chiến sỹ đằng đẵng xa nhà nơi tuyến đảo chắn sóng của Tổ quốc”, Nhà báo Lê Bá Dương chia sẻ.

Nghĩa trang Trường Sơn mùa phượng cháy năm 2020.
Nghĩa trang Trường Sơn mùa phượng cháy năm 2020.

Từ khi về công tác tại Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập, với đối tượng phản ánh là cộng đồng doanh nghiệp và các doanh nhân, Nhà báo Lê Bá Dương có dịp tiếp xúc, trò chuyện, tìm hiểu sâu về hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, cũng như tâm tư, sự trăn trở và những khó khăn, vất vả của các doanh nhân.

Anh đúc kết: Một doanh nghiệp có 100 công nhân thì người lãnh đạo doanh nghiệp đó phải đảm bảo cuộc sống cho 100 gia đình thông qua duy trì việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Cùng với việc tái đầu tư, mở rộng quy mô, doanh nghiệp còn có trách nhiệm và nghĩa vụ với Nhà nước và nhiều khoản chi phí khác... Do vậy, để các doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển, rất cần sự quan tâm, đồng hành tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách của các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương. Đặc biệt, các cơ quan báo chí cần chia sẻ khó khăn, hỗ trợ và cổ vũ kịp thời đối với doanh nghiệp. Doanh nghiệp rất cần các bài báo viết về kinh nghiệm, cách làm mới về tổ chức xây dựng mô hình, phát triển doanh nghiệp hiệu quả để học hỏi và áp dụng. Doanh nghiệp cũng cần được báo chí biểu dương, khích lệ kịp thời khi đạt kết quả tốt trong sản xuất kinh doanh, xây dựng môi trường làm việc, nâng cao đời sống cho người lao động và thể hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng.

“Có những doanh nghiệp rất phát triển, nhưng chính họ cũng không biết vì sao lại làm được như thế. Vì vậy rất cần sự phát hiện, khai thác dưới lăng kính và góc nhìn của báo chí để biểu dương doanh nghiệp kịp thời...”, Nhà báo Lê Bá Dương cho biết.

Luôn sống trong hoài niệm

Nhắc đến Nhà báo, cựu chiến binh Lê Bá Dương, người ta nhớ ngay đến những câu thơ trong bài: “Lời người bên sông” do anh sáng tác. Bài thơ nổi tiếng này đã được tạc vào bia đá đặt tại bờ Nam sông Thạch Hãn, nơi có bến thả hoa ngay thành phố Đông Hà.

“Đò xuôi Thạch Hãn ơi chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”.

Nhà báo Lê Bá Dương thả hoa viếng đồng đội bên bờ sông Thạch Hãn
Nhà báo Lê Bá Dương thả hoa viếng đồng đội bên bờ sông Thạch Hãn.

Chia sẻ cảm xúc khi viết lên những vần thơ xúc động triệu con tim, anh cho biết: “Hôm đó là một chiều muộn tháng 7/1987, tôi ngồi bên bờ sông, nhìn những chiếc đò ngược dòng Thạch Hãn, mái chèo xới tung bọt nước trắng xoá. Nghĩ về bao đồng đội đang nằm dưới đáy sông, nước mắt tôi ứa ra và tự thốt lên những câu thơ, coi đây như một nén tâm nhang thắp cho các đồng chí, đồng đội đã ngã xuống trên mảnh đất Quảng Trị.”

Lê Bá Dương là người chiến sĩ trực tiếp cầm súng, trực tiếp cận kề cái chết, chứng kiến cảnh đồng đội nằm xuống, có nhiều chàng trai tuổi như anh lúc hi sinh còn chưa biết cảm xúc tình yêu như thế nào. Anh bảo: “Chiến tranh thật là tàn khốc! Tôi giờ vẫn sống trong hoài niệm. Hoài niệm về một thời hào hùng của dân tộc trong công cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Tuy có những hy sinh, mất mát nhưng tình đồng chí, đồng đội và hơn hết là tình yêu đất nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của chúng ta đã được tôi luyện và rực sáng nhất”.

Bao hoài niệm chất chứa, năm nào Lê Bá Dương cũng dành thời gian nghỉ phép để trở lại chiến trường xưa, thắp hương và thả hoa tưởng niệm các đồng đội còn nằm lại nơi đây. Những chuyến trở về này còn là nỗ lực tìm kiếm thông tin, hài cốt đồng đội, như để trả món nợ tâm linh mà anh nguyện trả suốt đời. Anh còn tổ chức các cuộc hành hương "Đưa quê hương vào cho đồng đội", mỗi năm một lần, số người tham gia có lúc lên đến 500 - 700 người và các chương trình tưởng niệm tại nghĩa trang, bên sông Thạch Hãn.

Nhà báo Lê Bá Dương viếng đồng đội tại Nghĩa trang Trường Sơn
Nhà báo Lê Bá Dương viếng đồng đội tại Nghĩa trang Trường Sơn.

Trong những đêm trắng bên mộ đồng đội, chập chờn ánh sáng đom đóm chao nghiêng, anh viết:

                           “Giấc ngủ chập chờn giữa Thành cổ

                           Nhòa trong sáng xanh đom đóm bay

                           Đồng đội tôi bao người nằm lại

                           Đã về đây cùng tôi… đêm nay”.

Một lần, để trả lời câu hỏi của một cô bé vùng mới giải phóng "Chú ơi, tại sao lại gọi là Quân giải phóng Bắc Quảng Trị?”, anh đã viết:

                          “ Một khẩu súng giữ hai trời Nam Bắc

                            Một dấu chân in màu đất hai miền”.

35 năm sau ngày giải phóng, gặp lại cô bé với trang giấy học trò còn ố vàng, những dòng thơ vẫn còn nguyên vẹn. "Câu thơ như một tuyên ngôn về Quân giải phóng Bắc Quảng Trị" - Nhà báo, nhà nhiếp ảnh Đoàn Công Tính đã nói như vậy.

Khi được hỏi về động lực để anh làm được những điều đó, anh nói: "Từ tấm lòng mình, tôi đưa bàn tay nhỏ bé và nhận được nhiều sự đồng cảm từ các đồng đội, người thân và bạn bè". Đây có lẽ là cách nghĩ, cách làm của một nhà báo đi ra từ cuộc chiến, của rất riêng Lê Bá Dương!

Trong cuộc trò chuyện với Michael Calatterbuck, một cựu binh người Mỹ, Lê Bá Dương đã chia sẻ: "Chúng tôi không chọn chiến tranh, nhưng khi đất nước bị chiến tranh, buộc chúng tôi phải cầm súng, tôi chắc rằng, nếu nước Mỹ bị xâm lược, ông cũng sẽ cầm súng như tôi".

Ôm chặt người chiến binh Việt Nam, Michael nói: "Chiến tranh là điều tồi tệ. Khi về Mỹ tôi sẽ kể cho mọi nghe về Việt Nam, về những người lính như ông, để góp phần ngăn chặn chiến tranh. Quá khứ đau thương cần được khép lại. Tương lai sẽ mở ra bằng sự hiểu biết và tin cậy".

Dương Đức Tú