Ngành BHXH gấp rút hoàn thành chỉ tiêu đề án 06

15:40 30/11/2022

Xác định việc cập nhật thông tin ĐDCN/CCCD, đăng ký, phê duyệt tài khoản giao dịch điện tử cá nhân và cài đặt VssID là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng của Ngành, BHXH các địa phương đang gấp rút hoàn thành chỉ tiêu đề ra.

Nhân viên y tế quét mã QR qua hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID để thực hiện các thủ tục khám chữa bệnh cho người dân.

Nhân viên y tế quét mã QR qua hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID để thực hiện các thủ tục khám chữa bệnh cho người dân.

Thực hiện Đề án 06, BHXH các địa phương đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc nghiêm túc tổ chức triển khai kịp thời, toàn diện có hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra, đồng thời tăng cường, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nội dung liên quan trong việc đẩy mạnh phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia đồng bộ, thống nhất góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý BHXH, BHYT, BHTN và hoàn thiện các cơ sở dữ liệu chuyên ngành bảo đảm tính liên thông, sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với dữ liệu dân cư. 

BHXH tỉnh Thái Bình cho biết, đến hết tháng 11/2022, số người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh đã cập nhật số ĐDCN, CCCD và được đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là 1.263.000 người, đạt 80% tổng số người tham gia BHXH, BHYT toàn tỉnh. BHXH tỉnh phấn đấu đến hết năm 2022, đạt tỷ lệ từ 90 - 100% người tham gia BHXH, BHYT được cập nhật số định danh cá nhân, căn cước công dân vào cơ sở dữ liệu chung của ngành.

Tại Hậu Giang, đến cuối tháng 11, toàn tỉnh có 481.804 người tham gia BHXH, BHYT đã được đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chiếm tỷ lệ 77,54% so với tổng số người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh (đứng thứ 13 trên toàn quốc). Đồng thời, thực hiện cài đặt, phê duyệt tài khoản giao dịch điện tử cá nhân và sử dụng ứng dụng “VssID - BHXH số” được 78.719 người, đạt 119,2% so với kế hoạch BHXH Việt Nam giao.

Bên cạnh đó, đến hết tháng 11-2022 đã thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp với trên 132.000 lượt tra cứu, trong đó có 92.000 lượt tra cứu thành công, chiếm 69,7%.

BHXH Điện Biên cho biết, tính đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 172.730 thẻ BHYT còn giá trị sử dụng được đồng bộ với CSDL quốc gia về dân cư; trong đó có 46.965 lượt người sử dụng thẻ CCCD tra cứu khi đi KCB tại 141/141 cơ sở KCB trong toàn tỉnh. BHXH tỉnh cũng đã hướng dẫn người dân đăng ký, phê duyệt và sử dụng ứng dụng VssID cho 395 người…

Ông Cao Văn Long - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Điện Biên thông tin, việc triển khai thực hiện Đề án 06 được BHXH tỉnh xác định là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần đẩy mạnh việc cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói chung và tại BHXH tỉnh nói riêng, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị SDLĐ, NLĐ tham gia BHXH, BHYT, người thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp giao dịch với cơ quan BHXH; đồng thời, nâng cao hiệu quả xử lý công việc của công chức, viên chức, NLĐ trong đơn vị.

Còn theo Giám đốc BHXH tỉnh Sơn La Thiều Quang Ngãi, mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2022, toàn tỉnh đạt tỷ lệ từ 90% người tham gia trở lên được cập nhật số ĐDCN/CCCD vào cơ sở dữ liệu chung của ngành; có khoảng 177.242 người tham gia được duyệt, sử dụng ứng dụng VssID, trong đó bao phủ ứng dụng VssID tới 100% nhóm người cùng tham gia tại các đơn vị sử dụng lao động. Riêng trong năm 2022 có 73.778 người tham gia được phê duyệt tài khoản giao dịch điện tử cá nhân và cài đặt ứng dụng VssID. Tính đến 25/10/2022, toàn tỉnh đã có 227/227 (đạt tỷ lệ 100%) cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã sử dụng thẻ CCCD trong khám chữa bệnh, số lượt tra cứu hơn 1,1 triệu lượt, số lượt tra cứu thành công là gần 720 nghìn lượt.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, ngay khi khởi động Đề án 06, BHXH Việt Nam là một trong số ít đơn vị đầu tiên tham gia kết nối, đồng bộ, xác thực dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay, BHXH Việt Nam đã hoàn tất kết nối kỹ thuật về chia sẻ, đồng bộ, xác thực dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với gần 50 triệu trường hợp. Hiện nay, hai bên đang phối hợp rất chặt chẽ để tiến tới đồng bộ tiệm cận 100% dữ liệu. Đây là một cơ sở, tiền đề rất quan trọng vừa chuẩn hóa dữ liệu hai ngành, phục vụ cho quản lý, vừa phục vụ cho việc cải cách, liên thông các thủ tục hành chính.

Quyết định số 06/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), mục tiêu: “Bảo đảm từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp, xác thực các thông tin, giấy tờ cá nhân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chỉ cần sử dụng thẻ căn cước công dân, ứng dụng định danh điện tử quốc gia của Bộ Công an, trong đó tập trung thực hiện ngay đối với một số giấy tờ như BHYT”.

Hoàng Anh