Ngân sách đủ để đảm bảo nguồn để cải cách tiền lương 3 năm

16:31 05/01/2024

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, ngân sách tăng thu, tiết kiệm chi được 560.000 tỷ đồng, đảm bảo nguồn để cải cách tiền lương 3 năm (2024-2026).

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, năm 2023 tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, cả năm tăng 5,05%. Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, nâng quy mô nền kinh tế lên 430 tỷ USD.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 3,25% (thấp hơn mục tiêu 4,5%). Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2022.

Khu vực nông nghiệp là điểm sáng, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế, năm 2023 tăng 3,83%, cao nhất trong 10 năm qua.

Ngân sách đủ để đảm bảo nguồn để cải cách tiền lương 3 năm
Ngân sách đủ để đảm bảo nguồn để cải cách tiền lương 3 năm.

Thu ngân sách vượt khoảng 8,12% dự toán, đạt trên 1,75 triệu tỷ, trong khi đã miễn, giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất 194.000 tỷ. Đặc biệt, ngân sách tăng thu, tiết kiệm chi được 560.000 tỷ đồng, đảm bảo nguồn để cải cách tiền lương 3 năm (2024-2026).

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 683 tỷ USD, xuất siêu 28 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, góp phần tăng dự trữ quốc gia. Giải ngân vốn đầu tư công dự kiến đạt 95% kế hoạch (năm 2022 là 91,42%), số tuyệt đối đạt gần 676.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1%, cao nhất từ trước đến nay, cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài và là hiệu ứng của chính sách ngoại giao “cây tre”.

Có 217.700 doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại thị trường, tăng 4,5% so với năm 2022.

Phát triển hạ tầng giao thông cũng là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội 2023, khi đưa vào sử dụng 475km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường cao tốc đưa vào khai thác đến nay khoảng 1.900km.

Bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, nền kinh tế vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần tiếp tục tập trung khắc phục. Theo Phó Thủ tướng, tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm cao trong khu vực, thế giới song chưa đạt mục tiêu đề ra.

Xác định chủ đề điều hành năm 2024 là “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, Chính phủ nhấn mạnh ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (6-6,5%), giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát (4-4,5%).

Trong năm 2024, hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; khởi công một số dự án đường bộ cao tốc.

Cùng đó, nghiên cứu, đề xuất ban hành một số chủ trương, cơ chế đặc thù cho ngành điện, năng lượng tái tạo. “Kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Chính phủ cũng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế mới, thương mại điện tử, thương mại biên giới…

Theo Nghị quyết số 104/2023 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 đã được Quốc hội thông qua ngày 10/11/2023 về thực hiện cải cách tiền lương, nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách Nhà nước. Đồng thời, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở. Quy định trên đồng nghĩa với việc lương hưu sẽ được điều chỉnh tăng từ ngày 1/7/2024. Tuy nhiên, việc điều chỉnh cụ thể ra sao cần chờ văn bản quy định của Chính phủ.

PV (t/h)