Mặc dù lãi suất giảm, vì sao doanh nghiệp vẫn e ngại khi tiếp cận vốn?

17:24 05/10/2023

Cho dù lãi suất đã hạ nhiệt, nhưng điều doanh nghiệp sợ là sự không ổn định, đặc biệt là lãi suất. Theo kiến nghị của đại diện doanh nghiệp, ngân hàng cần có chính sách ổn định lâu dài, cần duy trì lãi suất trong trung và dài hạn.

Ngày 4/10/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức “Hội nghị kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp” trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Theo bà Nguyễn Thị Vinh - Chủ tịch Hội nữ doanh nhân tỉnh Thái Nguyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên - Tổng GĐ Công ty CP Thương mại Thái Hưng cho rằng lãi suất không còn là vấn đề lớn với doanh nghiệp lúc này. Vấn đề pháp lý mới là hệ trọng, nhất là sự chồng chéo về pháp lý trong các dự án đầu tư.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Bà Vinh cũng chia sẻ, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành rất nhanh. Đến nay, lãi suất huy động đã giảm ít nhất 2%, tuy nhiên lãi suất cho vay mới chỉ giảm 0,5-1%.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng khó khăn với việc áp dụng Thông tư 02 về chính sách giãn nợ. Theo chia sẻ của một doanh nghiệp, ngân hàng cho biết doanh nghiệp này nên trả khoản nợ cũ rồi ngân hàng sẽ tiếp tục cho vay để không bị giãn nợ bởi điều đó ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp. Đơn vị này đã nghe theo và thanh toán nợ, tuy nhiên đến khi vay lại thì chi nhánh ngân hàng trả lời rằng phương thức đó hiện không được hội sở phê duyệt, không được triển khai.

Tại Hội nghị, Bà Vinh cũng đã nêu một số kiến nghị. Theo bà, doanh nghiệp cần ngân hàng hỗ trợ trong việc dự báo về tỷ giá, lãi suất; Bình đẳng khi tiếp cận nguồn vốn giữa các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp FDI; thậm chí ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ.

Ngân hàng lý giải vì sao lãi suất cho vay giảm chậm?

Đại diện Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết, đã có sự nỗ lực trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện giảm lãi suất điều hành 4 lần liên tiếp. Bên cạnh đó, nhà điều hành cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Theo đại diện NHNN, do tình hình thanh khoản khó khăn, các ngân hàng đã tăng lãi suất huy động lên khá cao tại thời điểm cuối năm 2022 để đảm bảo thanh khoản, có nguồn vốn cho vay. Chính vì thế, các ngân hàng phải cân đối vốn, vì chi phí vốn huy động cuối năm cao, do đó việc hạ lãi suất cho vay sẽ chậm hơn.

Đối với cơ chế cho vay, NHNN cũng đã sửa đổi một số cơ chế chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn như cho vay theo phương thức điện tử.

H.M (t/h)