Lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế: Những điều doanh nghiệp cần lưu ý

05:00 17/07/2023

Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và trong bối cảnh thương mại toàn cầu ngày càng được chú trọng, các chiêu trò lừa đảo cũng trở nên tinh vi và khó kiểm soát hơn.

Ảnh minh họa
Lừa đảo trên không gian mạng ngày càng gia tăng

Trong bối cảnh thương mại quốc tế ngày càng được mở rộng, nhu cầu về việc tìm kiếm thị trường mới ngày càng tăng, các chiêu trò lừa đảo trong giao dịch thương mại - đặc biệt là lừa đảo trên không gian mạng ngày càng gia tăng. Điều này không những khiến cho các doanh nghiệp gặp phải rủi ro về tài chính khi thực hiện giao dịch mà còn mất uy tín đối với đối tác, với nguồn nhân sự tiềm năng.

Một số hình thức lừa đảo thường thấy:

Các hình thức lừa đảo truyền thống:

Lừa giao hàng trước nhưng không trả tiền;

Làm giả giấy tờ (bao gồm cả giấy tờ ngân hàng để lấy hàng);

Lừa chuyển phí, chuyển cọc… sau đó không giao hàng.

Công ty ma:

Các đối tượng lừa đảo sử dụng tên của các công ty không có thật hoặc có đăng ký nhưng trên thực tế không hoạt động để tiến hành giao dịch với các doanh nghiệp Việt Nam. Sau khi nhận được tiền hoặc hàng hóa từ phía doanh nghiệp thì sẽ biến mất mà không để lại dấu vết. Khi kiểm tra thông tin hoặc đến tận nơi thì không tìm thấy công ty đó.

Để đối phó với hình thức này, doanh nghiệp cần phải chủ động trong việc tìm hiểu đối tác hoặc nhờ sự trợ giúp từ các cơ quan công quyền/Thương vụ Việt Nam tại nước có công ty đang giao dịch để được hỗ trợ tìm kiếm thông tin liên quan. Đối với các đối tác mới giao dịch lần đầu, doanh nghiệp cần đề nghị cung cấp các giấy tờ liên quan như: giấy phép kinh doanh, ID của người chủ doanh nghiệp … Đặc biệt, lưu ý và kiểm tra kỹ độ tin cậy khi có đơn hỏi hàng hóa trả giá quá cao, hoặc quá thấp so với mặt bằng.

Lừa đảo mạo danh:

- Lừa đảo mạo danh công ty: Các đối tượng lừa đảo sử dụng thông tin (chủ yếu là tên) của các công ty nước ngoài có thật đang hoạt động (hoặc có thật nhưng đã phá sản) để làm giả giấy tờ, thông tin liên lạc và con dấu nhằm ký kết hợp đồng, tiến hành giao dịch với các doanh nghiệp Việt. Sau khi nhận được tiền hoặc hàng hóa từ phía doanh nghiệp thì sẽ biến mất mà không để lại dấu vết hoặc cố tình giao hàng hóa kém chất lượng/vật không có giá trị để lừa đảo.

Bên cạnh việc lừa đảo mạo danh ngay từ đầu thì còn một hình thức khác tinh vi hơn là trực tiếp đánh cắp thông tin chính chủ khi các bên đang giao dịch. Cụ thể, kẻ lừa đảo sẽ xâm nhập địa chỉ email của hai bên doanh nghiệp đang có giao dịch, theo dõi tiến trình đàm phán, khi bên mua chuẩn bị chuyển tiền mua hàng hóa thì đánh cắp email hoặc tạo tài khoản email giả mạo bên bán để gửi thông tin tài khoản, khi bên mua chuyển tiền vào tài khoản lừa đảo, đối tượng sẽ ngay lập tức rút tiền và biến mất.

Đối với hình thức này, ngoài việc cần phải chủ động trong việc tìm hiểu đối tác, doanh nghiệp cần liên hệ trực tiếp tới đối tác mình đang giao dịch bằng số điện thoại/thông tin liên hệ trên các trang có uy tín để xác minh có đúng họ là người đang tiến hành giao dịch với mình không. Đề cao cảnh giác đối với trường hợp số điện thoại/thư điện tử liên hệ không khớp với số điện thoại đã được đăng trên các trang thông tin chính thống khác. Hạn chế tối đa việc giao dịch và trao đổi công việc/hợp đồng qua các ứng dụng nhắn tin như Telegram, vì các ứng dụng này có khả năng xóa toàn bộ tin nhắn và do vậy làm mất đi bằng chứng các bên đã tiến hành giao dịch.

- Lừa đảo mạo danh ngân hàng: Để thuận tiện cho việc giao dịch, nhiều bên sẽ thực hiện việc trả tiền hợp đồng/đóng phí thông qua chuyển khoản (đối với các giao dịch có giá trị không quá lớn) hoặc chuyển tiền qua Western Union. Những kẻ lừa đảo sẽ tạo ra các website với tên miền khác nhưng hình thức thì giống hệt website của ngân hàng sau đó gửi cho doanh nghiệp và đề nghị doanh nghiệp thực hiện thanh toán tiền cọc/đóng các khoản phí chúng yêu cầu.

Một trong những cảnh báo về việc giả danh ngân hàng qua tin nhắn
Ảnh: Techcombank
Một trong những cảnh báo về việc giả danh ngân hàng qua tin nhắn - Ảnh: Techcombank.

Những ảnh hưởng doanh nghiệp có thể gặp:

Thiệt hại về tài sản: Bằng cách sử dụng các biện pháp công nghệ cao (giả mạo website, cài virus, đánh cắp dữ liệu cá nhân…), những kẻ lừa đảo có thể khiến các doanh nghiệp thiệt hại hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng khi tiến hành giao dịch với chúng chỉ trong vài phút trong khi rất khó để có thể truy tìm đối tượng, đặc biệt là khi đối tượng ở nước ngoài.

Thiệt hại về uy tín: Đối với hình thức lừa đảo mạo danh (sử dụng thông tin về doanh nghiệp có thật nhưng khi giao dịch thì thông tin liên lạc và số tài khoản lại là của kẻ lừa đảo), các doanh nghiệp bị mạo danh có khả năng phải đối mặt với khiếu nại từ khách hàng/khách hàng tiềm năng hoặc những người có liên quan. Một số ví dụ có thế kể đến gồm: Nhiều công ty thương mại điện tử lớn như Tiki, Lazada, Shopee đang thường xuyên bị những kẻ lừa đảo mạo danh nhằm chiếm đoạt tài sản của những người muốn tìm việc làm thêm; Các ngân hàng lớn như Vietcombank, Techcombank, Western Union… cũng thường xuyên đăng bài cảnh báo lừa đảo mạo danh khi ngày càng xuất hiện nhiều website với tên miền khác nhưng hình thức thì giống hệt website của ngân hàng. Khi các cá nhân và doanh nghiệp truy cập vào các website trên để tiến hành giao dịch, thông tin cá nhân/doanh nghiệp hoặc liên quan đến tài khoản ngân hàng sẽ bị gửi đến máy chủ của kẻ lừa đảo và chúng sẽ dùng những thông tin này để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.

Nguy cơ bị mất dữ liệu, bí mật thương mại: Việc đánh cắp dữ liệu không chỉ gây nên thiệt hại về tài sản mà còn có khả năng làm mất dữ liệu khách hàng cũng như các bí mật thương mại thuộc về doanh nghiệp, từ đó gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của doanh nghiệp đó. Do vậy, việc bảo mật thông tin cũng như đảm bảo an ninh mạng là hết sức cần thiết đối với mỗi doanh nghiệp.

  • Hạ Vũ