Lễ hội Mường Khô xứ Thanh - Di sản văn hoá phi vật thể đặc sắc

22:57 19/02/2024

Sáng 19/2, tại thôn Muỗng Do, xã Điền Trung (Bá Thước), Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Bá Thước long trọng tổ chức Lễ hội Mường Khô năm 2024 và đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội Mường Khô.

Lễ rước kiệu tại Lễ hội Mường Khô
Rước kiệu tại Lễ hội Mường Khô.

Vào cuối thế kỷ 18, tại vùng đất Mường Khô (nay là xã Điền Trung) xuất hiện một vị lang Mường ưu tú, đó là Quận công Khâm sai Chánh thống lãnh Thượng đạo trấn Thanh Hóa Hà Công Thái. Lễ hội Mường Khô được diễn ra trong không gian liên quan đến hoạt động của Quận Công, Thống lĩnh Thượng đạo Thanh Hoa Hà Công Thái.

Các đại biểu trung ương và địa phương tham dự buổi lễ
Các đại biểu trung ương và địa phương tham dự buổi lễ.

Hà Công Thái là người có công lao rất lớn đối với Vương triều Nguyễn, ông không những giúp Vua Gia Long bảo vệ, gìn giữ vùng biên cương phía Tây Thanh Hoá, mà còn giúp Vua trong cuộc trường chinh tiến quân ra Bắc Hà giành lấy Thăng Long thống nhất đất nước. Ông đã đóng góp nhiều chiến công, được Vua yêu, dân mến; tên tuổi của ông được sử sách lưu danh mãi muôn đời sau.

Đông đảo bà con và du khách trong và ngoài tỉnh về dự lễ hội
Đông đảo bà con và du khách trong và ngoài tỉnh về dự lễ hội.

Để ghi nhớ công lao và cống hiến của ông đối với đất nước, quê hương, Nhân dân đã lập đền thờ ông tại Gò Mèo, đền thờ ông còn được gọi là Chùa Mèo tại xã Điền Trung, huyện Bá Thước để con cháu đời đời tri ân, ghi nhớ công lao to lớn của ông.

Lễ hội Mường Khô gắn liền với đền thờ Hà Công Thái. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Lễ hội Mường Khô đã được các thế hệ người dân gìn giữ, trao truyền cho đến hôm nay, để từ đó, chúng ta có được niềm tự hào, sự tự tôn dân tộc, trân trọng những giá trị lịch sử - văn hóa quý giá mà cha ông để lại, góp phần giúp cho các thế hệ sau thêm hiểu, thêm yêu và tự hào về truyền thống lịch sử - văn hóa của quê hương, đất nước.

Đoàn rước kiệu từ đền Quận công Hà Công Thái.
Đoàn rước kiệu từ đền thờ Quận công Hà Công Thái.

Hằng năm, vào ngày 10 tháng Giêng, các xã thuộc xứ Mường Khô và huyện Bá Thước lại hân hoan tổ chức Lễ hội Mường Khô. Đây là một trong những lễ hội đặc sắc, ẩn chứa nhiều nét văn hóa độc đáo và cổ kính, một sản phẩm văn hóa, du lịch tâm linh được tổ chức thường niên - điểm nhấn trong hành trình văn hóa tâm linh, nhớ về nguồn cội, mang thương hiệu riêng của xứ Mường Khô.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa, những năm qua, huyện Bá Thước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; coi đây là nhiệm vụ quan trọng, một trong những động lực tạo nên bản sắc và sức mạnh nội sinh trong quá trình phát triển của huyện.

Lãnh đạo huyện Bá Thước nhận Quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội Mường Khô
Lãnh đạo huyện Bá Thước nhận Quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội Mường Khô.

Đặc biệt, Lễ hội Mường Khô được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ngày 10/11/2023. Đây là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc và cũng là dịp để mọi người bày tỏ lòng biết ơn các thế hệ ông cha và mỗi người dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng chúc mừng và biểu dương Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Bá Thước nói chung, đặc biệt là các thế hệ nghệ nhân và người dân của 5 xã: Điền Trung, Điền Lư, Điền Quang, Điền Hạ, Điền Thượng đã nỗ lực, chung sức, đồng lòng gìn giữ, bảo tồn, duy trì và phát huy di sản văn hóa quý giá của Lễ hội Mường Khô để hôm nay Lễ hội Mường Khô được vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và sẽ tiếp tục tỏa sáng trong dòng chảy văn hóa của dân tộc.Ảnh minh họa

Buổi lễ được diễn ra trang trọng và linh thiêng
Lễ hội Mường Khô là hoạt động văn hoá tâm linh đặc sắc của người Mường ở Thanh Hoá.

Một tiết mục trong Hội thi Người đẹp trang phục dân tộc tại lễ hội Mường Khô
Một tiết mục trong Hội thi Người đẹp trang phục dân tộc tại lễ hội Mường Khô.

Ông Đầu Thanh Tùng nhấn mạnh: Huyện Bá Thước cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan để tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp thiết thực, cụ thể để giữ gìn và phát huy bản sắc, truyền thống, các giá trị văn hóa tốt đẹp của Lễ hội Mường Khô trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch gắn kết chặt chẽ với văn hóa, con người và lịch sử, góp phần đưa di sản thành tài sản, biến tiềm lực thành nguồn lực phát triển kinh tế của địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; đồng thời, phải có sự quan tâm đúng mức, xứng đáng đến đời sống của các nghệ nhân am hiểu và tâm huyết với di sản; cùng với việc tạo các điều kiện thuận lợi để tổ chức lễ hội phù hợp với các điều kiện phát triển mới.

Lễ hội Mường khô được tổ chức hằng năm để thể hệ con cháu bày tỏ lòng biết ơn, tri ân đối với các anh hùng trong lịch sử đã có công chống giặc ngoại xâm, bảo vệ vùng biên viễn, bảo vệ bản Mường và giúp người dân có một cuộc sống no ấm, yên bình.Sự kiện đón nhận và vinh danh Lễ hội Mường Khô là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vừa là niềm vinh dự, tự hào, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cao về trách nhiệm của các cấp, các ngành của tỉnh và của huyện Bá Thước; về trách nhiệm của các thế hệ nghệ nhân và cộng đồng các dân tộc anh em trên địa bàn huyện Bá Thước trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản.

Minh Hiền