Lào Cai hỗ trợ 05 hợp tác xã tham gia Đề án Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả

17:31 27/07/2023

Lào Cai sẽ hỗ trợ 05 hợp tác xã (HTX) thí điểm tham gia Đề án Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu.

Lào Cai sẽ hỗ trợ 05 hợp tác xã thí điểm tham gia Đề án Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Qua đó xây dựng các mô hình hợp tác xã (HTX) trên trở thành kiểu mẫu; làm cơ sở để nhân rộng trong nhiều lĩnh vực, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tập thể, HTX trong tỉnh và trên cả nước.

 05 HTX được lựa chọn hỗ trợ tại Kế hoạch số 314/KH-UBND ngày 27/7/2023 của UBND tỉnh gồm: HTX Cộng đồng Dao đỏ (xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa); HTX Dịch vụ nông lâm nghiệp và xây dựng Quang Vinh (xã Làng Giàng, huyện Văn Bàn); HTX Duy Phong (xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà); HTX Chăn nuôi gia súc, gia cầm Xuân Tiến (xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng); HTX Nông nghiệp và dịch vụ Tiến Đạt (xã Việt Tiến, huyện Bảo Yên).

Trại gà của HTX Chăn nuôi gia súc, gia cầm Xuân Tiến (xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng)
Trại gà của HTX Chăn nuôi gia súc, gia cầm Xuân Tiến (xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng). (Ảnh: Internet)

Theo đó, các HTX trên đã đề xuất 04 mô hình HTX để hoàn thiện: Mô hình HTX vừa sản xuất, vừa tham gia thị trường; Mô hình HTX nông nghiệp đảm nhiệm các dịch vụ đầu vào, sơ chế/chế biến và đầu ra trong chuỗi giá trị nông sản; Mô hình HTX phát triển nông lâm thủysản bền vững; Mô hình HTX sản xuất sản phẩm OCOP, gắn với du lịch nông thôn, miền núi với một số nội dung cần Nhà nước hỗ trợ như: Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới; tiếp cận vốn ưu đãi và Quỹ hỗ trợ phát triển HTX; tổ chức lại hoạt động hợp tác xã; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm; tiếp cận các chương trình, dự án, chính sách của Trung ương, của tỉnh, huyện…

Căn cứ nhu cầu của các HTX, tỉnh Lào Cai tập trung triển khai thực hiện 05 nội dung hỗ trợ: (1) Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nguồn nhân lực; (2) Hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; (3) Hỗ trợ ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới; (4) Hỗ trợ tiếp cận vốn ưu đãi và Quỹ phát triển hợp tác xã; (5) Hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm.

Tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo cho đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành HTX, kế toán, kiểm toán. Tập trung đào tạo về kỹ năng tổ chức sản xuất và tham gia chuỗi giá trị nông sản, liên kết sản xuất thông qua hợp đồng, ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất kinh doanh, sử dụng và khai thác hiệu quả các nội dung chương trình, nền tảng chuyển đổi số cho các HTX. Tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo và hỗ trợ thủ tục chứng nhận tiêu chuẩn nuôi trồng, thu hái dược liệu theo tiêu chuẩn GACP của Tổ chức y tế thế giới (WHO).

Tập trung vào một số thị trường, khách hàng trọng điểm và kết nối để các doanh nghiệp liên kết cùng HTX, người dân đưa nông sản địa phương gia nhập, mở rộng thị trường trong nước, quốc tế. Tạo điều kiện, hỗ trợ cho HTX tham gia trưng bày sản phẩm tại các điểm Trưng bày, giới thiệu sản phẩm của HTX, hệ thống cửa hàng OCOP; tham gia hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa. Tổ chức hệ thống thông tin về các thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản, thực hiện việc hỗ trợ cung cấp thông tin kịp thời về thị trường để đơn vị chủ động trong sản xuất kinh doanh.

Nghiên cứu phát triển sản phẩm, hợp đồng tư vấn thiết kế bao bì, xây dựng nhãn mác, xúc tiến thị trường, tham gia chương trình OCOP quốc gia. Áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP,....); áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh (ISO 9001, ISO 14000, ISO 22000, HACCP,...); xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể gắn với truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông sản của HTX…

Tạo điều kiện để HTX được tiếp cận nguồn vốn vay theo các quy định củaTrung ương, của tỉnh đặc biệt là nguồn vốn Quỹ hỗ trợ phát triển HTX trung ương; Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh... Thu hút các doanh nghiệp có tiềm năng về vốn, kỹ thuật và thị trường tham gia liên kết kinh doanh với các HTX; doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ phát triển HTX; bổ sung thành viên là doanh nghiệp vào HTX. Huy động các nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế và các nguồn vốn hợp pháp khác có liên quan để hỗ trợ phát triển KTTT, HTX.

Trong giai đoạn 2023 - 2025, tập trung tối đa các nguồn lực để hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm cho các HTX tham gia Đề án hoàn thiện HTX thí điểm. Tranh thủ lồng ghép hỗ trợ từ các chương trình, dự án, đề án khác đang được triển khai trên địa bàn tỉnh như: Nguồn vốn từ Bộ, ngành, trung ương; Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 về Xây dựng nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững và Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...; nguồn vốn Ngân sách tỉnh; vốn tự có của HTX và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các hỗ trợ cho HTX theo quy định.

Ảnh minh họa
Cơ chế hỗ trợ 05 HTX tham gia Đề án thực hiện các hoạt động.

Theo đánh giá xếp loại HTX năm 2020, có 02 HTX đạt trên 80 điểm (HTX Cộng đồng Dao đỏ 85 điểm, HTX Dịch vụ nông lâm nghiệp và xây dựng Quang Vinh 81,5 điểm) và 03 HTX còn lại đạt từ 75 - 79 điểm. Đến khi kết thúc Đề án, tổng điểm đánh giá của các HTX thí điểm đạt trên 80 điểm theo Thông tư số 01/2020/TT-BKHĐT ngày 19/02/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn phân loại và đánh giá HTX.

PV (t/h)