Làm thế nào để “xanh hóa” hệ thống xe buýt Hà Nội

16:34 28/11/2023

Làm thế nào để vận hành trong mạng lưới xe buýt Thủ đô Hà Nội hiện nay để người dân có cơ hội tiếp cận, sử dụng dịch vụ xanh, sạch, chất lượng đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân. Vậy, làm thế nào để “xanh hóa” được hệ thống xe buýt?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Xe buýt điện chưa chắc đã xanh sạch

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội, kế hoạch đưa ra không nên đặt câu hỏi nghi ngờ. Nên vận động để thực hiện vì đây là lộ trình đã có sự cân nhắc, linh hoạt của ngành vận tải. Nhưng để khả thi còn nhiều vấn đề như đã bàn. Việc chuyển đổi phương tiện cần sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị liên quan từ điện, tài chính, công nghệ kèm theo, depot chuyển... Phải đổi đồng bộ mới vận hành được hiệu qủa tối đa.

“Chúng tôi cũng cho rằng, chúng ta mới nhìn vào nhiên liệu sạch như CNG, LNG, điện, nhưng các công nghệ động cơ hiện nay đang thay đổi hàng ngày, nhiều loại đang ra đời. Chúng ta cần có cái nhìn lạc quan về công nghệ thay đổi, và với sự vào cuộc quyết liệt của thành phố, ta sẽ đạt được lộ trình này", ông Hải nói.

Ảnh minh họa
 Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội (Ảnh: Báo Giao thông)

Cùng quan điểm trên, ông Phạm Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch - Vận hành, Trung tâm Quản lý GTCC Hà Nội cho rằng, nhận định xe buýt điện chưa chắc đã xanh sạch là không chính xác.

Ông Tiến cho biết, ngay cả trong hoạt động sản xuất, xử lý pin xe điện, nhà sản xuất cũng phải tuân thủ đáp ứng các tiêu chuẩn của Việt Nam cũng như toàn cầu.

Bình luận thêm về vấn đề này, ông Hải cho rằng, lo ngại có lẽ bắt nguồn từ việc nguồn điện sử dụng cho các xe buýt điện hiện nay, có lẽ vẫn chưa hoàn toàn sử dụng nguồn điện bằng năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, ông cho rằng, hiện nay Chính phủ cũng rất quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh sản xuất nguồn điện từ các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, do đó, thay vì phán xét, cần quan tâm đưa càng nhiều phương tiện xanh, sạch vào vận hành trong mạng lưới xe buýt Thủ đô hiện nay để người dân có cơ hội tiếp cận, sử dụng dịch vụ xanh, sạch, chất lượng.

Cơ sở triển khai xanh hóa xe buýt

Ông Phạm Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch - Vận hành, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo, Trung tâm đã tham mưu Sở GTVT trình UBND Thành phố phê duyệt định mức kinh tế kỹ thuật cho xe buýt điện hạng lớn. Trung tuần tháng 11/2023, thành phố đã ban hành đơn giá chi phí vận hành cho xe buýt điện hạng lớn.

Ông Phạm Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch - Vận hành, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội
Ông Phạm Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch - Vận hành, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội (Ảnh: Báo Giao thông).

“Để có cơ sở triển khai xanh hóa xe buýt giai đoạn kế tiếp, trong chương trình kế hoạch năm 2023, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội đã đề xuất triển khai xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho xe buýt điện trung bình và hạng nhỏ", ông Tiến chia sẻ.

Liên quan đến chính sách này, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho biết, chính sách gần nhất TP Hà Nội đã triển khai để phát triển phương tiện VTCC là theo Nghị quyết 07 của HĐND Thành phố. Ngoài cơ chế liên quan đến đấu thầu, đặt hàng còn có chính sách liên quan đến lãi vay.

Tuy nhiên, ông Hải cho rằng, trên thực tế, việc tiếp cận lãi vay của doanh nghiệp còn hạn chế. “Tôi được biết, cho đến nay mới chỉ có 1 - 2 doanh nghiệp nộp hồ sơ và cũng chưa được sở, ngành hướng dẫn cụ thể”, ông nói.

Theo ông này, để chính sách vào cuộc sống, chúng tôi mong cơ qua chức năng có thông tin hướng dẫn doanh nghiệp. Các chính sách ưu đãi hiện nay cũng nên được rà soát, cập nhật để các phương riện sạch được đưa vào hoạt động nhiều .

“Tôi cũng được biết trong quỹ đầu tư của Thành phố có hợp phần đầu tư cho phát triển vận tải công cộng. Doanh nghiệp rất cần thông tin cơ quan chức năng để tiếp cận sự hỗ trợ này một cách dễ dàng", ông Hải nói.

Nói về chính sách ban hành, ông Phạm Đình Tiến cho hay, trong Nghị quyết 07 ban hành vào năm 2019, có chính sách ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay cho các đơn vị đầu tư phương tiện sử dụng năng lượng xanh, đầu tư cơ sở hạ tầng sử dụng nhiên liệu sạch.

“Đại diện Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội thông tin, Sở GTVT đang chủ trì xây dựng văn bản hướng dẫn trên cơ sở Nghị quyết của HĐND thành phố. Sở cũng đang xin ý kiến của các cơ quan liên ngành để sau khi thống nhất sẽ trình Thành phố ban hành cơ chế hướng dẫn, triển khai cho các doanh nghiệp đầu tư năng lượng sạch”, ông nói.

Nhân Hà