Kiên Giang: Thí điểm xây dựng 20.000 hecta vùng nguyên liệu sản xuất lúa

11:35 04/11/2021

Vừa qua, Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra các mô hình chuyển đổi sản xuất, các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng và làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang về việc triển khai thí điểm xây dựng vùng nguyên lớn, gắn với thành lập Tổ Khuyến nông cộng đồng, để phát triển kinh tế nông nghiệp.

Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Hữu Toàn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Qua hơn 20 năm thực hiện thí điểm thành lập mô hình Tổ kinh tế kỹ thuật tại các xã để cùng nông dân ra đồng, chuyển giao kỹ thuật, đến nay Kiên Giang đã thành lập được 116 Tổ KTKT (trong tổng số 144 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh) với 278 viên chức. Nhiệm vụ của các Tổ Kinh tế Kỹ thuật là tập huấn cho nông dân, xây dựng các mô hình sản xuất, phòng chống dịch, bệnh.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam khảo sát khu vực sản xuất tại Công ty Trung An, nơi có thể hình thành phát triển vùng nguyên liệu lớn
Thứ trưởng Trần Thanh Nam khảo sát khu vực sản xuất tại Công ty Trung An, nơi có thể hình thành phát triển vùng nguyên liệu lớn.

Các mô hình trình diễn ngày càng đa dạng, phong phú về giống, loài... với gần 4.000 hecta lúa, 57 hecta tôm- lúa, 9 hecta cá- lúa, 48 hecta cây màu, 8 điểm trồng rau, 70 hecta cây ăn trái, 176 điểm chăn nuôi, 27 điểm nuôi thuỷ sản, 14 điểm cơ giới hoá và 13 điểm hỗ trợ cấp chứng nhận VietGAP, GolobalGAP hoặc hữu cơ nhằm đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật để thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Kiên Giang theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng thời, tạo ra sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ góp phần vào xây dựng sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, năng suất cao và xây dựng sản phẩm tôm nước lợ theo chuỗi giá trị kết hợp truy xuất nguồn gốc sản phẩm gắn với liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị.

Ông Lâm Minh Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng, từ khi thành lập các Tổ KTKT đã góp phần giúp nông dân xoá bỏ những tập quán sản xuất lạc hậu, chuyển dần sang ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Về dự án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu lớn, về sản xuất lúa gạo, đây là Đề án rất quan trọng góp phần thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Do đó, Kiên Giang thống nhất thành lập Tổ chỉ đạo để phát triển vùng nguyên liệu lớn mà Bộ triển khai trên địa bàn tỉnh để sớm đi vào hoạt động. Đồng thời, đề xuất Bộ NN&PTNT sớm có quy chế vận hành cống Cái Lớn- Cái Bé hiệu quả, vì liên quan đến nhiều địa phương trong vùng hưởng lợi, người dân cũng cần được tập huấn thay đổi phương thức, mô hình sản xuất khi nguồn nước sẽ được kiểm soát tốt hơn.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá, Kiên Giang là tỉnh có lợi thế rất lớn để phát triển sản xuất nông nghiệp, là vùng trọng điểm sản xuất lúa chuyên canh, có vùng tôm - lúa rất lớn, có 2 vườn quốc gia, có vùng biển rộng và được chọn đầu tư trung tâm nghề cá lớn của khu vực.... Riêng về vùng nguyên liệu lớn sản xuất lúa, tại Kiên Giang sẽ thực hiện trên địa bàn 3 huyện Giang Thành, Hòn Đất, Kiên Lương, với diện tích 20.000 hecta. Bộ NN&PTNT sẽ đầu tư một số công trình hạ tầng, đường giao thông, cầu, thủy lợi… với tổng kinh phí khoảng 45 tỷ đồng. Tỉnh Kiên Giang tham gia nạo vét thủy lợi nội đồng, củng cố đê bao để củng cố vùng nguyên liệu. Hỗ trợ mua sắm thiết bị, máy móc cơ giới sản xuất, khoảng 9 tỷ đồng.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng lưu ý khi đưa vào vận hành công trình thủy lợi liên vùng Cái Lớn - Cái Bé, Kiên Giang cần tập trung xây dựng các mô hình sinh kế phù hợp, để tận dụng hết các hiệu quả mà công trình mang lại. Tập trung đẩy mạnh công tác chuyển đổi sản xuất và đồng bộ trong tất cả các khâu, từ xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, cơ giới hóa trong sản xuất, chế biến, kho bãi lưu trữ và cầu cảng xuất khẩu.

Mai Hương
Tags: