Kiên Giang: Ban hành Quy chế quản lý Khu Bảo tồn biển Phú Quốc

13:41 14/07/2021

Uỷ ban nhân dân tình Kiên Giang đã ban hành Quy chế quản lý Khu Bảo tồn biển Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang với mong muốn cùng một lúc thực hiện hai nhiêm vụ lớn đó là bảo tồn thiên nhiên ở khu bảo tồn Phú Quốc và phục vụ phát triển du lịch.

Khu bảo tồn biển Phú Quốc nằm trong vùng biển thuộc huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, thành lập năm 2007, là một trong 11 Khu bảo tồn biển hiện có tại Việt Nam theo hình thức bảo tồn loài, sinh cảnh với hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn và các loài động, thực vật quý hiếm có tổng diện tích 26.863ha. Trong số đó, diện tích bảo tồn rạn san hô 9.720ha thuộc cụm đảo Hòn Thơm; bảo tồn cỏ biển 6.825ha thuộc địa bàn từ xã Bãi Thơm đến xã Hàm Ninh; vùng phát triển trên 10.000ha. Khu bảo tồn biển Phú Quốc có vai trò quan trọng trong việc phục hồi, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, phát triển kinh tế biển, góp phần cải thiện sinh kế của người dân ven biển và hải đảo; nghiên cứu khoa học, giáo dục cộng đồng, giải trí, du lịch sinh thái và những vấn đề về môi trường.

Khu vực ngư trường vùng Đông Bắc đảo Phú Quốc
Khu vực ngư trường vùng Đông Bắc đảo Phú Quốc.

Nhiều du khách đã lựa chọn nơi này để khám phá vì ở đây tài nguyên biển phong phú. Với các rạn san hô nhiều màu sắc và hình thù phân bố trải dài khắp các hòn đảo chủ yếu ở phía Nam, cùng với đó là các loài cá và cỏ biển, có thể nói nơi đây là địa điểm thích hợp với những ai ưa thích lặn biển, chiêm ngưỡng vẻ đẹp dưới biển. Diện tích thảm cỏ biển khá lớn khoảng 10000ha, tạo điều kiện thuận lợi cho những loài vật biển sinh sôi, phát triển như cá ngựa, cua, ghẹ. Khu bảo tồn biển Phú Quốc được biết đến với sự có mặt của nhiều loài động vật biển được các tổ chức quốc tế đưa vào sách đỏ như Dugong ( bò biển), rùa biển và cá heo. Do sự bảo tồn và chất lượng môi trường tốt, số lượng các loài này những năm trở lại đây có xu hướng tăng. Chính sự đa dạng về loài vật biển mà những người đi du lịch Phú Quốc, đều muốn ghé qua khu bảo tồn để chiêm ngưỡng những sinh vật tại khu bảo tồn.

Ngoài ra, vùng biển Phú Quốc còn là nơi tập trung nguồn giống, bãi ươm nuôi của ấu trùng, con non của các loài hải sản được ngư dân nuôi trong những chiếc bè lồng giữa biển, tạo nguồn lợi thủy sản chất lượng cao và công ăn việc làm ổn định cho người dân trên đảo. Phú Quốc còn có rất nhiều loài cá rạn san hô có giá trị thương mại cao như cá mù, cá hồng, cá kẽm, cá bè, cá mó, cá bò da... được khai thác phục vụ nhu cầu lớn của thị trường. Bên cạnh đó một số loài động vật thân mềm quý hiếm cũng được nuôi cấy và phát triển ở đây như hầu ngọc, bào ngư, điệp,... Tuy nhiên, theo các nhà khoa học nghiên cứu và thống kê thì nguồn lợi thủy hải sản ở Phú Quốc cũng đang có chiều hướng suy giảm và cạn kiệt, hệ sinh thái thảm cỏ biển cũng từ đó mà bị xáo trộn, nguồn nước biển gần bờ bị ô nhiễm đã tác động lớn tới nơi cư trú và sinh sống của các loài thủy hải sản. Nguyên nhân chính được xác định chủ yếu là do tình trạng dân số tăng nhanh, trình độ dân trí thấp, khai thác quá đà và theo phương pháp lạc hậu. Bên cạnh đó nạn đánh bắt thủy hải sản trái phép, tận diệt cũng là mối lo ngại chủ yếu tác động lớn tới sự suy kiệt của nguồn tài nguyên này.

Để thực hiện “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045," Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã ban hành Quy chế quản lý Khu Bảo tồn biển Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Phân vùng Khu bảo tồn biển thành 03 phân khu chức năng: phân khu Bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu Phục hồi sinh thái, phân khu Dịch vụ - Hành chính và Vùng đệm; trong đó, bao gồm khu vực bảo vệ rạn san hô và khu vực bảo vệ thảm cỏ biển. Trong đó, phân khu Bảo vệ nghiêm ngặt với diện tích: 7.087,37 ha. Phân khu Bảo vệ nghiêm ngặt thảm cỏ biển với diện tích 6.658,5 ha, giới hạn từ phía Nam cảng Đá Chồng đến mũi Cây Sao, cách bờ 0,5 km trở ra phía biển 07 km. Phân khu Bảo vệ nghiêm ngặt rạn san hô với diện tích 428,87 ha, giới hạn bởi các mốc tọa độ quanh các đảo hòn Vang, hòn Xưởng, hòn Móng Tay, hòn Gầm Ghì, hòn Vông, Nam hòn Mây Rút trong, hòn Trang được giới hạn từ bờ đảo ra phía biển từ 100 - 500 m, riêng phía Tây hòn Vang ra phía biển đến khoảng 800 m. Phân khu Phục hồi sinh thái với diện tích 11.537,51 ha trong đó Phân khu Phục hồi sinh thái thảm cỏ biển với diện tích 11.362,83 ha; Phân khu Phục hồi sinh thái rạn san hô với diện tích 174,68 ha, Phân khu Dịch vụ - Hành chính rạn san hô với diện tích 8.605,02 ha. Vùng đệm với diện tích 12.467,57 ha nhằm hạn chế các tác động trực tiếp của các hoạt động kinh tế - xã hội từ bên ngoài vào vùng bảo tồn san hô và thảm cỏ biển. Các hoạt động bị nghiêm cấm trong Khu Bảo tồn biển gồm; thả phao trái phép; tổ chức hoạt động dịch vụ, du lịch trái phép. Điều tra, nghiên cứu khoa học khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Tàu cá, tàu biển và phương tiện thủy khác hoạt động trái phép, trừ trường hợp bất khả kháng. Xây dựng trái phép công trình hạ tầng; nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản trái phép. Hủy hoại nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, nơi cư trú của các loài thủy sản; cản trở trái phép đường di cư tự nhiên của các loài thủy sản; lấn chiếm, gây hại khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản. Lợi dụng việc điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; cung cấp, khai thác thông tin, sử dụng thông tin dữ liệu về nguồn lợi thủy sản trái quy định.

 Trần Hà