Không "vẽ" thêm thủ tục hành chính làm khó người dân, doanh nghiệp

16:54 24/08/2023

Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản tại Phiên họp thứ 25 của UBTV Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý nguyên tắc phải đơn giản hóa thủ tục, không làm khó người dân, DN, không "vẽ" thêm TTHC.

Có khắc phục được tình trạng "bỏ cọc"?

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản có khắc phục được tình trạng "bỏ cọc" như trường hợp Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm vừa qua hay không? Đây là câu hỏi được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt ra với cơ quan soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản tại Phiên họp. 

Ảnh minh họa
 Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản được xác định là luật hình thức, còn nội dung ở các luật khác. Vậy luật hình thức thì quy định đến đâu, quy định vấn đề gì? Nhất là trong bối cảnh có cả tài sản hữu hình, tài sản vô hình. Tài sản vô hình có giá trị rất lớn, có được đem đấu giá không? Đấu giá như thế nào, hay sẽ điều chỉnh bằng luật khác.

Lấy minh chứng về tài sản hữu hình như nhà máy bột giấy Phương Nam, nằm trong danh mục của dự án yếu kém, thua lỗ của ngành công thương, nhưng khi định giá hơn 1.000 tỷ đồng và đưa ra đấu giá mấy lần, mỗi lần bước giá chỉ giảm được một chút, không thể nào bán được, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, trường hợp này được quy định trong luật nội dung hay luật hình thức? Ở các nước có cả đấu giá lên và đấu giá xuống, nhưng luật của nước ta chỉ quy định đấu giá lên, bây giờ có áp dụng đấu giá xuống không? Đây cũng là vấn đề cần suy nghĩ. 

Chủ tịch Quốc hội cũng đặc biệt lưu ý, đấu giá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nguyên tắc là phải đơn giản hóa thủ tục, không được làm khó người dân, doanh nghiệp, không được “vẽ” thêm thủ tục hành chính. Do vậy, cần rà soát chúng ta có đặt thêm điều kiện gì cho người dân doanh nghiệp không, có đáp ứng được yêu cầu cắt giảm thủ tục hành chính hay không? 

Cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản phải rất cặn kẽ, kỹ lưỡng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục làm rõ cách tiếp cận về tài sản trong dự án Luật có gì khác so với luật hiện hành? Ranh giới, phạm vi giữa dự luật này với các luật khác có điều chỉnh về đấu giá ra sao? Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý thêm về trường hợp tổ chức đấu giá tài sản, nhưng mới chỉ là tài sản trên giấy, cho nên người trúng đấu giá tài sản nộp tiền rồi, vẫn chưa được nhận tài sản - đã được xem xét trong sửa đổi Luật lần này hay chưa. 

Công khai, minh bạch trong đấu giá trực tuyến

Quan tâm đến tính công khai, minh bạch của đấu giá, đặc biệt là trong đấu giá trực tuyến, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu quan điểm, phải làm sao người muốn mua tài sản tiếp cận được thông tin về đấu giá tài sản càng rộng rãi thì mới hạn chế được những sai phạm, thiệt hại.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách cho biết, năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản, trong đó có một chương về hình thức đấu giá trực tuyến, nhưng thời gian qua việc tổ chức đấu giá trực tuyến vẫn chưa thực sự phổ biến.

Nghị định số 62/2017/NĐ-CP quy định, tổ chức đấu giá tài sản tự xây dựng trang thông tin để tổ chức đấu giá trực tuyến, và phải thông qua một Hội đồng thẩm định trang thông tin đó hay điều kiện kỹ thuật có được cho phép tổ chức đấu giá trực tuyến hay không, khiến kênh đấu giá này khó thực hiện. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách đề nghị, cơ quan soạn thảo tổng kết Nghị định số 62/2017/NĐ-CP, đánh giá những mặt được, chưa được và sửa đổi, bổ sung thêm. "Không nên phát triển các trang thông tin đấu giá của từng công ty, mà nên xây dựng một Cổng đấu giá tập trung, do Nhà nước tổ chức, quản lý, trường hợp nào đấu giá thì đăng ký trên đó. Như vậy sẽ có công cụ thực hiện đấu giá trực tuyến thuận lợi hơn", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách nói. 

Giải trình các vấn đề nêu trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản về mặt quan điểm, cách tiếp cận thì không có sự thay đổi so với Luật Đấu giá tài sản hiện hành. Đây là luật thủ tục, luật hình thức. Về phương thức đấu giá, đã có trả giá lên và trả giá xuống, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, trả giá xuống ở Việt Nam rất ít. Như trường hợp Nhà máy bột giấy Phương Nam đến 3 lần không bán được, bây giờ phải hạ xuống thì phải đặt vấn đề hạ mức giá khởi điểm…

Điểm mới của dự luật sửa đổi, bổ sung lần này, theo Bộ trưởng Lê Thành Long là đã thắt chặt các quy định liên quan đến trình tự, thủ tục để tránh thông đồng, dìm giá, “quân xanh”, “quân đỏ”. Cụ thể, dự luật đã yêu cầu niêm yết quy chế đấu giá công khai trong thời gian nhất định, công khai ở những đâu; xác định thời hạn niêm yết như thế nào là hợp lý, bán tại những nơi nào; xem xét kỹ các điều kiện của người tham gia và người mua có đáp ứng theo quy định của pháp luật chuyên ngành hay không; quy định hủy kết quả đấu giá tài sản… Điểm mới nữa là, dự án Luật coi đấu giá tài sản là một nghề đặc thù, người hành nghề đấu giá tài sản phải chuyên nghiệp, hiểu nghề. Nếu không hiểu nghề, không biết được những “zíc zắc” trong nghề đấu giá, không nắm được quy định của pháp luật, không biết được kỹ năng đấu giá như thế nào thì bán cũng không ai mua, chưa nói là bán được giá cao. Đây là những nội dung đã tiếp thu ý kiến, yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng về hoạt động đấu giá tài sản; nâng cao tính khái quát, tính hệ thống hóa, kế thừa những quy định đã áp dụng hiệu quả trong thực tiễn. Đồng thời chỉ rõ những bất cập, hạn chế để hoàn thiện dự thảo luật, không để xảy ra tình trạng tham nhũng, tiêu cực, thông đồng, dìm giá trong các phiên đấu giá, móc nối giữa người có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá, người tham gia đấu giá để trục lợi. Cùng với đó, phải tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm soát, giám sát hoạt động đấu giá tài sản; thực hiện tốt chủ trương cắt giảm thủ tục hành chính, loại bỏ các quy định làm tăng thêm thủ tục hành chính không cần thiết trong dự thảo Luật. 

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo làm rõ trách nhiệm của tổ chức vận hành, quản lý Cổng đấu giá tài sản quốc gia và cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào cổng để đảm bảo tính liên thông, kết nối thông tin cơ sở dữ liệu giữa các trang thông tin đấu giá trực tuyến của các tổ chức đấu giá tài sản và cổng đấu giá tài sản quốc gia.

Anh Thảo