Huyện Tân Sơn (Phú Thọ): Đối thoại, giải đáp, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp

11:02 29/07/2022

Thời gian vừa qua, do dịch bệnh COVID-19 kéo dài đã tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trước thực trạng đó, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ đã gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp, HTX trên địa bàn nhằm trao đổi thông tin, giải đáp, hỗ trợ giải quyết các đề xuất, kiến nghị, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp.

 

Công ty CP thương mại Hải Ánh chuyên kinh doanh các mặt hàng xăng, dầu, vật tư nông nghiệp mong muốn tiếp cận với nguồn vốn vay để phục hồi kinh doanh.
Công ty CP thương mại Hải Ánh chuyên kinh doanh các mặt hàng xăng, dầu, vật tư nông nghiệp mong muốn tiếp cận với nguồn vốn vay để phục hồi kinh doanh.

Tại buổi đối thoại, gặp mặt với doanh nghiệp, ông Lê Đức Thịnh - Chủ tịch Hội doanh nghiệp huyện Tân Sơn, tỉnh Phú T chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi nhằm tái sản xuất kinh doanh; các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, cơ chế ưu tiên cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào huyện, cần có nguồn điện ổn định để đảm bảo sản xuất kinh doanh, chế độ cho người lao động…”. Các vấn đề doanh nghiệp quan tâm kiến nghị đã được Chủ tịch UBND huyện và lãnh đạo các phòng giải đáp cặn kẽ, cụ thể. UBND huyện sẵn sàng tạo điều điều thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật.

Trên địa bàn huyện Tân Sơn hiện có 78 doanh nghiệp, 48 HTX và trên 1.000 hộ kinh doanh cá thể, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động phổ thông tại đại phương. Do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID -19, trên địa bàn huyện chỉ còn 40 doanh nghiệp, HTX hoạt động và đang vướng phải nhiều khó khăn. Chủ động hỗ trợ, tạo điều kiện, đồng hành cùng doanh nghiệp, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư như: Tích cực, chủ động quảng bá tiềm năng của huyện, nhất là qua tiếp xúc trực tiếp với đại diện các doanh nghiệp, mời gọi doanh nghiệp đến khảo sát đầu tư. Đồng thời nỗ lực thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, quan tâm công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, xây dựng các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực có tiềm năng thu hút đầu tư.

Bằng những nỗ lực vượt khó, nhanh nhạy thích ứng với điều kiện mới của các doanh nghiệp cộng hưởng cùng sự hỗ trợ thiết thực, hữu hiệu của chính quyền, thời gian qua, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện đã có dấu hiệu phục hồi, phát triển khả quan. Các doanh nghiệp đã khai thác được tiềm năng để phát triển, xây dựng, duy trì hiệu quả chuỗi liên kết sản xuất sản phẩm chè xanh và xây dựng được sản phẩm OCOP 4 sao; phát triển các sản phẩm đặc trưng như gà nhiều cựa, rượu ngô, gỗ nguyên liệu... Trong đó, sản phẩm chè an toàn Long Cốc có quy mô liên kết 15 ha, sản lượng sáu tháng đầu năm 2022 ước đạt trên hai tấn. Sản phẩm gà Nhiều cựa liên kết chăn nuôi theo quy trình VietGap ước đạt trên sáu nghìn con. Chuỗi liên kết gỗ theo tiêu chuẩn FSC đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy trình, thủ tục cấp chứng chỉ FSC, khảo sát, liên kết với các hộ dân xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, trồng và chuyển hóa rừng gỗ lớn... 

Hộ ông Phạm Xuân Vinh ở khu Đồng Tâm xã Xuân Đài trồng, chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGap, mỗi năm cung cấp cho thị trường 1,5 tấn chè khô
Hộ ông Phạm Xuân Vinh ở khu Đồng Tâm xã Xuân Đài trồng, chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGap, mỗi năm cung cấp cho thị trường 1,5 tấn chè khô.

Các doanh nghiệp trong cụm Công nghiệp Tân Phú tiếp tục duy trì, ổn định hoạt động sản xuất với tổng doanh thu đạt trên 100 tỷ đồng, tăng 50 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 1.055 lao động trong và ngoài địa phương, thu nhập bình quân từ năm đến tám triệu đồng/người/tháng. Công nghiệp khai khoáng, công nghiệp chế biến lâm sản từng bước phục hồi, tuy nhiên doanh số xuất bán chưa cao do giá nguyên vật liệu đầu vào và chi phí logistic tăng so với cùng kỳ… Dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, du lịch cộng đồng tiếp tục hoạt động trở lại; lượng khách đến thăm quan du lịch đồi chè Long Cốc, Vườn Quốc gia Xuân Sơn ước đạt bảy nghìn lượt người; khách lưu trú ước đạt trên một nghìn lượt người. Các cơ sở kinh doanh, homstay tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn hoạt động hiệu quả, nhất là trong dịp nghỉ lễ 30/4-01/5.

Cách làm sáng tạo, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành với mục tiêu phục vụ người dân và doanh nghiệp của huyện đã tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh lấy lại đà tăng trưởng sau tác động của đại dịch COVID-19, tạo tiền đề, động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, nâng cao chất lượng đời sống của người dân trên địa bàn.

PV