Phú Thọ: Nhiều giải pháp đẩy nhanh việc phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện

15:36 27/07/2022

“BHXH tự nguyện là loại hình bảo hiểm vì quyền lợi của người lao động và nhân dân, được Nhà nước bảo hộ, do cơ quan BHXH thực hiện. Tham gia BHXH tự nguyện để người lao động được hưởng quyền lợi khi hết tuổi lao động. Thời gian qua, BHXH tỉnh đã thực hiện đồng bộ, sáng tạo nhiều giải pháp để phát triển BHXH tự nguyện. Trong đó công tác vân động tuyên truyền được đặt lên hàng đầu”. Ông Nguyễn Tá Tỉnh - Giám đốc BHXH tỉnh Phú Thọ cho biết.

Cán bộ BHXH huyện Lâm Thao tích cực tuyên truyền chính sách BHXH tới người dân
Cán bộ BHXH huyện Lâm Thao tích cực tuyên truyền chính sách BHXH tới người dân.

Theo quy định của Luật BHXH, mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng bằng 22% thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng. Từ ngày 01/01/2022, theo quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn tăng từ 700 nghìn đồng lên 1,5 triệu đồng/tháng. Vì vậy, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 330 nghìn đồng/tháng, tăng 176 nghìn đồng/tháng so với mức đóng BHXH tự nguyện của năm 2021.

Để giúp người dân nhận thức rõ sự cần thiết, ý nghĩa, lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, BHXH tỉnh Phú Thọ đã đa dạng hình thức truyền thông, trong đó ứng dụng công nghệ để tuyên truyền thực hiện các TTHC về chính sách BHXH tự nguyện tới đông đảo người dân. Trong tháng 5, toàn tỉnh phê duyệt được 4.143 tờ khai đăng ký giao dịch điện tử cá nhân đối với cơ quan BHXH, lũy kế từ đầu năm đạt 20.073 tờ khai.

Được triển khai thực hiện từ năm 2008, BHXH tự nguyện là một chính sách mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mở ra cơ hội được hưởng lương hưu cho tất cả người lao động trên mọi lĩnh vực. Nếu như trước đây, chỉ có cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước hoặc người lao động có hợp đồng tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mới được tham gia BHXH bắt buộc để hưởng lương hưu thì từ khi có chính sách BHXH tự nguyện, tất cả công dân đủ 15 tuổi trở lên (không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc) đều có quyền tham gia để được hưởng lương hưu khi đủ điều kiện… 

BHXH tỉnh Phú Thọ thường xuyên tuyên truyền lưu động về ý nghĩa, lợi ích của BHXH tự nguyện
BHXH tỉnh Phú Thọ thường xuyên tuyên truyền lưu động về ý nghĩa, lợi ích của BHXH tự nguyện.

Chỉ tiêu giao phát triển BHXH tự nguyện đối với tỉnh Phú Thọ năm 2022 là trên 60.000 người. Tính đến tháng 6/2022, toàn tỉnh có 45.080 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 78,9% kế hoạch BHXH Việt Nam giao, tăng 12.704 người so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, trong “Tháng cao điểm”, BHXH tỉnh chỉ đạo BHXH các huyện, thị triển khai linh hoạt hình thức truyền thông trên địa bàn tỉnh, tạo sự lan tỏa, củng cố niềm tin, sự đồng thuận trong nhân dân về chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Trong đó, một số địa phương đạt kết quả cao như huyện Đoan Hùng có 4.330 người tham gia, huyện Lâm Thao có 3.673 người, huyện Thanh Ba có 3.513 người,...

Giải pháp căn cơ để phát triển BHXH là tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức của người lao động để họ hiểu tầm quan trọng của loại hình được xem như “của để dành” khi về già. Đồng thời, bổ sung thêm các chính sách hỗ trợ để người lao động yên tâm tham gia, tự tin về việc mình sẽ được hỗ trợ cả về thu nhập và chăm sóc sức khỏe, bảo đảm lợi ích cho người tham gia. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh phát triển ứng dụng bảo hiểm số (VssID) nhằm minh bạch hóa thông tin của người tham gia BHXH sẽ tạo cho người dân thêm niềm tin để tích cực tham gia BHXH tự nguyện - ông Nguyễn Tá Tỉnh cho biết thêm.

PV

Tags: