Hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn SPS khi xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào Trung Quốc

15:50 07/12/2023

Ngày 6/12/2023, Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN& PTNN) phối hợp Ban Quản lý ATTP Tp Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật (SPS) khi xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào Trung Quốc.

Hiện nay, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Trong 11/2023, Việt Nam xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 47,84 tỷ USD. Đáng chú ý, Trung Quốc là thị trường dẫn đầu với giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt 11,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 23,2%, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước; Hoa Kỳ đạt 9,5 tỷ USD, chiếm 20,6%, giảm 17,9% và Nhật Bản đạt 3,5 tỷ USD chiếm 7,4%, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2023, do ảnh hưởng của việc sụt giảm nhu cầu, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc giảm sút, nhưng vẫn là thị trường xuất khẩu quan trọng của nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam.

Cụ thể, Trung Quốc hiện chiếm gần 54% tổng giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam, trong đó tới 90% sản lượng trái vải xuất khẩu, 80% sản lượng thanh long xuất khẩu, hơn 90% sản lượng sắn và sản phẩm chế biến từ sắn. Ngoài ra, năm 2023, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc có thể đạt tới 2,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ hơn 70% sản lượng cao su xuất khẩu và là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ ba của Việt Nam...

Trung Quốc đã, đang và sẽ là thị trường quan trọng của Việt Nam đối với cả xuất khẩu và nhập khẩu, đối với cả chính ngạch và biên mậu, đối với cả hàng hóa đúng chuẩn và phi chuẩn... Vì vậy, ngoài việc phát triển các thị trường khác, nhất là những thị trường đã có FTA với Việt Nam, các doanh nghiệp cần chú trọng khai thác thị trường Trung Quốc.

Để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Trung Quốc, việc đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) khi xuất khẩu nông sản thực phẩm vào Trung Quốc, là yếu tố hàng đầu.

Ảnh minh họaHội nghị “Hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) khi xuất khẩu nông sản thực phẩm vào Trung Quốc”. Hội nghị đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy sản và thực phẩm sang Trung Quốc
Hội nghị “Hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) khi xuất khẩu nông sản thực phẩm vào Trung Quốc” thu hút hàng trăm doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy sản và thực phẩm.

Theo Nongnghiep.vn, tại Hội nghị, ông Hoàng Lý, Trung tâm Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản vùng 5 (Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN&PTNN) đã hướng dẫn các doanh nghiệp nắm rõ quy định của thị trường về đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch, an toàn thực phẩm trong xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc. Theo đó, ngoài những yêu cầu chung, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần nắm rõ những yêu cầu đặc thù. Chẳng hạn, cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua, tôm hùm sống phải có tên trong danh sách riêng được Trung Quốc công nhận.

Các cơ sở nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng cũng phải có tên trong danh sách được Trung Quốc công nhận. Các cơ sở nuôi này phải được cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương kiểm tra, chứng nhận điều kiện an toàn thực điều kiện vệ sinh thú y và được cấp mã số; được cơ quan thú y địa phương triển khai giám sát các bệnh TSV, MBV, WSSV, IHHNV của 3 giai đoạn nuôi...

Ông Hoàng Lý cũng lưu ý các doanh nghiệp sản xuất về việc đăng ký xuất khẩu sản phẩm thủy sản trên Hệ thống thương mại một cửa (CIFER) của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC), cần phải chủ động trong việc đăng ký gia hạn trên CIFER, bởi việc xử lý, phê duyệt hồ sơ đăng ký trên CIFER thường chậm. Phía Trung Quốc cũng chậm phản hồi đối với hồ sơ đăng ký thay đổi thông tin (bổ sung sản phẩm) của phía Việt Nam.

Cũng tại Hội nghị, đại diện Phòng An toàn thực phẩm và Môi trường (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNN), chia sẻ về các quy định trong Lệnh 248 của Trung Quốc liên quan đến việc quản lý và đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường này.

Theo đó, Cục Bảo vệ thực vật là cơ quan có thẩm quyển đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật sang Trung Quốc, với 7 nhóm đối tượng nông sản/thực phẩm có nguồn gốc thực vật, gồm: ngũ cốc (gạo, sắn); các loại rau tươi, rau tách nước và đậu khô; gia vị có nguồn gốc tự nhiên (quế, hồi, tiêu, ớt khô …); quả hạch và các loại hạt (hạt điều, hạt sen …); trái cây khô (long nhãn, vải khô, nhãn khô …); hạt cà phê và ca cao chưa rang; trái cây đông lạnh.

Với sản phẩm tổ yến, ông Nguyễn Quang Anh, chuyên viên Phòng Hợp tác Quốc tế và Truyền thông (Cục Thú y), cho biết, tổ yến xuất khẩu sang Trung Quốc được quy định là sản phẩm đã được loại bỏ bụi bẩn, lông chim và an toàn cho người tiêu dùng. Tổ yến phải qua xử lý nhiệt đảm bảo nhiệt độ tâm sản phẩm đạt 70oC trong tối thiểu 3,5 giây. Tổ yến phải có nguồn gốc từ nhà yến được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và được cơ quan thú y giám sát dịch bệnh, giám sát an toàn thực phẩm. Tổ yến không thuộc các vùng có bệnh cúm gia cầm trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm xuất khẩu. Sản phẩm từ các doanh nghiệp chế biến đã đăng ký và được GACC chấp thuận…

P.V(T/h)