Tuyên Quang: Kết nối giao thương các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm OCOP

14:46 21/08/2023

Câu lạc bộ Doanh nhân Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (Cục Công Thương địa phương-Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị kết nối giao thương với các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm OCOP của tỉnh Tuyên Quang.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lộc Kim Liễn – Phó Giám đốc Sở Công Thương Tuyên Quang cho biết: "Kinh tế xã hội những tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang cũng như nước ta diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn. Lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; sự phục hồi chậm và suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn, các hàng hóa sản phẩm tiêu thụ trên địa bàn tỉnh cũng như doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong khâu tiêu thụ sản phẩm.
Theo đó, hội nghị sẽ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong sản xuất và kinh doanh những sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP. Đồng thời, quảng bá, giới thiệu những sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP có thế mạnh được sản xuất tại tỉnh Tuyên Quang; Mở rộng giao lưu, hợp tác, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh và kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, giúp doanh nghiệp hợp tác xã trực tiếp tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm của tỉnh Tuyên Quang đến các tỉnh thành trong cả nước và xuất khẩu. Đồng thời, khẳng định vị trí, vai trò của nông sản tỉnh Tuyên Quang trong thị trường cả nước và quốc tế. Giúp doanh nghiệp tại tỉnh Tuyên Quang có thể thực hiện được ước mơ đưa sản phẩm của mình đến những nơi mình muốn, tạo được nguồn thu nhập ổn định, bền vững hơn trong những năm tới".
Ảnh minh họa
Lãnh đạo Câu lạc bộ Doanh nhân Việt Nam, Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang đồng chủ trì Hội nghị 
Luôn nỗ lực đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang cho biết, hiện nay Hiệp hội đang có trên 500 hội viên đang hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư ở tất cả các ngành nghề trong tỉnh. Trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh luôn quan tâm đến việc hỗ trợ hội viên, nhất là hỗ trợ việc xúc tiến thương mại. Hội nghị hôm nay, nhằm đem lại nhiều giá trị cho các doanh nghiệp, và đây là cơ hội để một số đơn vị có mặt tại hội nghị này và tới đây là các doanh nghiệp có nhu cầu và khả năng trong tỉnh có thể quảng bá, ký kết hợp đồng xúc tiến, hợp đồng cung cấp sản phẩm…Tổ chức giao lưu, đánh giá năng lực sản xuất của các doanh nghiệp tại địa phương để gia tăng năng lực cạnh tranh cung ứng các sản phẩm đến các thị trường, trong và ngoài nước, với các đối tác có nhu cầu lớn, thường xuyên và vươn tầm quốc tế.
Ảnh minh họa
Quang cảnh Hội nghị
Về phía Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (Cục Công Thương địa phương - Bộ Công Thương), ông Phạm Xuân Phú – chuyên viên Trung tâm cho biết, thực hiện chức năng nhiệm vụ liên quan đến công tác quản lý nhà nước của Cục Công Thương địa phương, ngoài cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực hoạt động khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp theo quy định của pháp luật trên địa bàn 28 tỉnh, thành phố Khu vực phía Bắc, trung tâm còn hỗ trợ kết nối giao thương, thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư; tổ chức các hội chợ triển lãm, khu trưng bày giới thiệu, xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm và các hoạt động xúc tiến thương mại khác. Bên cạnh đó, trung tâm cũng thường tổ chức hội nghị, hội thảo kết nối giữa các doanh nghiệp và các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài; kết nối, gặp gỡ trao đổi thông tin chi tiết về sản phẩm, doanh nghiệp có sản phẩm trưng bày với các đối tác trong và ngoài nước có nhu cầu mua hàng hóa và liên kết sản xuất, tiếp cận các chương trình hỗ trợ, tư vấn khoa học công nghệ nâng cao năng suất chất lượng;
Ảnh minh họa
Ông Khổng Văn Nam - Tổ hợp tác với HTX Nông nghiệp công nghệ cao Việt Bắc giới thiệu các sản phẩm từ cây chanh tứ mùa.
Đồng thời, làm đầu mối đảm bảo sự liên kết về công nghệ, thị trường giữa các doanh nghiệp cùng ngành hàng giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu tư và hạ giá thành sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh và nhiều hoạt động, chương trình khác trong chuỗi các hoạt động Khuyến công quốc gia do Trung tâm 1 triển khai tổ chức, thực hiện. “Đến với chương trình Hội nghị Kết nối giao thương ngày hôm nay, tôi mong rằng các doanh nghiệp, các tổ chức xúc tiến thương mại và các nhà cung cấp sản phẩm hãy thực sự cởi mở, chia sẻ và cùng nhau lan toả những hương thơm mà chúng ta đang có để cùng hữu xạ tự nhiên hương” - ông Phú chia sẻ.
Mặc dù thời gian qua, các cấp, các ngành đã nỗ lực trong việc đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh. Song, theo các doanh nghiệp chia sẻ tại hội thảo, hiện nay, bài toán khiến các doanh nghiệp loay hoay vẫn là tim đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt, làm thế nào để nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì, cũng như làm sao tiếp cận được công nghệ, số hoá tối ưu hoá quy trình sản xuất và kinh doanh. Ngoài ra, vấn đề về các điều kiện để đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu cũng là vấn đề cần giải quyết đối với nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Nhằm cung cấp các giải pháp, hệ sinh thái khơi thông đầu ra cho sản phẩm địa phương Tuyên Quang, bà Nguyễn Thị Kim Oanh - đại diện Công ty SIS Việt Nam (chuyên cung cấp các giải pháp phần mềm quản trị doanh nghiệp) cho hay, qua chia sẻ của các doanh nghiệp có 3 vướng mắc mấu chốt, quan trọng đang gặp phải. Thứ nhất là vấn đề đầu ra; Thứ hai là làm thế nào để quản trị được nguồn hàng, vật tư và thứ ba số hoá toàn bộ hàng hoá để làm sao chia sẻ và lan toả một cách nhanh nhất. “Chúng tôi với sự đồng hành của các đơn vị cung cấp các giải pháp như về phần mềm công nghệ, các đơn vị logistic, truyền thông maketing, dịch vụ bao bì… nhằm tạo ra một hệ sinh thái hoạt động với mục đích kết nối, chia sẻ giúp doanh nghiệp tối ưu hoá được hoạt động maketing, số hoá trong quản trị nhằm giải quyết được những vướng mắc mà các doanh nghiệp đang gặp phải, đáp ứng được các điều kiện tối ưu hoá chi phí, sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh” – bà Oanh nói.
Ảnh minh họa
Các đại biểu tham khảo về mẫu, quy chuẩn đóng gói, tem, mác sản phẩm sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP.
Nhấn mạnh thêm, bà Nguyễn Thị Thanh - Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Việt Nam bày tỏ, với nỗi niềm “đau đáu” về sản phẩm Việt, làm sao để sản phẩm Việt nói chung, sản phẩm Tuyên Quang nói riêng có chỗ đứng trên thị trường? Theo đó, chúng tôi mong muốn được đồng hành cùng các doanh nghiệp tại các địa phương không chỉ phát triển các sản phẩm trong nước mà còn cả quốc tế. Theo đó, cơ hội để chúng tôi giúp các doanh nghiệp có sản phẩm thế mạnh vươn ra thị trường là rất lớn.
Ảnh minh họa
Bà Nguyễn Thị Thanh - Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.
Chia sẻ thêm, bà Vũ Thị Oanh – Phó Ban Xúc tiến thương mại, Câu lạc bộ Doanh nhân Việt Nam nhấn mạnh, kết nối giao thương để tiêu thụ sản phẩm là một khâu mang tính sống còn của các đơn vị sản xuất sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Nó sẽ giúp cho các chủ thể quảng bá, giới thiệu những sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP có thế mạnh của mình, khẳng định được vị trí, vai trò của các nông sản được sản xuất tại tỉnh Tuyên Quang đối với thị trường trên địa bàn cả nước và quốc tế. Theo đó, tìm ra giải pháp, giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp để đưa các sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh sâu rộng hơn trên thị trường trong nước và quốc tế hiện rất quan trọng.
Ảnh minh họa
Các đại biểu cùng doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp, tổ chức xúc tiến thương mại, các nhà cung cấp sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh Tuyên Quang đã tập trung theo dõi, lắng nghe, tích cực trao đổi, thảo luận, đề cập những khó khăn hiện hữu và đã được các đơn vị tư vấn, tìm giải pháp tháo gỡ, qua đó tạo được hành lang và cơ hội hợp tác phù hợp giữa nhà cung cấp và tiêu thụ sản phẩm.
Đức Hạnh