Hoằng Hóa - Thanh Hóa: Triển khai hiệu quả chương trình OCOP mang lại nhiều giá trị

22:50 28/02/2023

Huyện Hoằng Hoá là một trong những đơn vị cấp huyện triển khai sớm và có hiệu quả chương trình OCOP. Tính đến hết năm 2022, toàn huyện có 20 sản phẩm được xếp hạng từ 3 đến 5 sao OCOP cấp tỉnh.

Nổi bật là sản phẩm mắm tôm Lê Gia, xã Hoằng Phụ được xếp hạng 5 sao; 2 sản phẩm nước mắm Lê Gia - cốt đặc biệt và mắm tép Lê Gia được xếp hạng 4 sao; 17 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh.

Nước mắm Lê Gia được ủ trong những thùng Bời Lời khổng lồ
Nước mắm Lê Gia được ủ trong những thùng Bời Lời khổng lồ.

Đến nay sản phẩm OCOP của huyện Hoằng Hoá ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến, như: Đông trùng hạ thảo khô, rượu đông trùng hạ thảo xã Hoằng Hải, Hoằng Thanh; dưa hấu đồng quê của HTX dịch vụ nông nghiệp xã Hoằng Thắng; nước mắm Bà Hoan, xã Hoằng Phụ; dưa vàng Nhung Farm của hộ sản xuất, kinh doanh Nguyễn Phú Công, xã Hoằng Thắng; rượu sim rừng Bảo An của hộ kinh doanh Nguyễn Thanh Hà, xã Hoằng Xuân; giò bò Thuật Yến của HTX chăn nuôi xã Hoằng Đồng; bánh gai Huy Thu, xã Hoằng Lộc…

Hoằng Hoá có nhiều sản phẩm mắm đạt thương hiệu 5 sao, 4 sao bởi đây là huyện đồng bằng ven biển, có 12 km bờ biển và được ôm trọn bởi 02 cửa lạch chính là Lạch Trường, Lạch Hới; 02 bến cá Hoằng Trường và Hoằng phụ. Đây là tiềm năng và lợi thế lớn để phát triển các ngành nghề khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá.

Nước mắm, mắm tôm, mắm chua là những sản phẩm đặc trưng của vùng ven biển xã Hoằng Phụ - huyện Hoằng Hóa. Nghề làm nước mắm nơi đây đã hình thành hàng trăm năm, là nghề truyền thống của địa phương. Sản phẩm nước mắm Lê Gia đặc trưng được sản xuất từ cá cơm, cá nục, cá lâm và một số loài cá khác có chất lượng tốt, với công nghệ truyền thống và bí quyết chế biến lâu đời của nhân dân trong vùng.

Theo kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm cấp quốc gia năm 2020, tỉnh Thanh Hóa có sản phẩm "Mắm tôm Lê Gia" của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa được công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao.

Tọa lạc tại cạnh sân vận động xã Hoằng Phụ - Cách biển Hải Tiến chưa đầy 2km, nhà thùng mắm Lê Gia với những thùng gỗ Bời Lời khổng lồ. Từ những con moi biển tươi xanh trộn với muối hạt tinh khiết, ủ lên men tự nhiên trong thùng gỗ khổng lồ theo phương pháp nén gài truyền thống Công ty Lê Gia đã mang những tinh túy nhất từ biển quê hương đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Cũng là một trong những đơn vị đi tiên phong trong phong trào OCOP Thanh Hóa, mắm Lê Gia luôn cố gắng để hoàn thiện và phát triển cùng cộng đồng địa phương. 

Đến xã Hoằng Hải, huyện Hoằng Hóa ai cũng biết đến một kỹ sư công nghiệp bất ngờ rẽ sang con đường khác rất thành công. Anh Lê Văn Trường, sinh năm 1989 nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo khiến nhiều người ngạc nhiên. Đông trùng hạ thảo được xem là loại dược liệu quý, tốt cho sức khỏe. Đây là loại nấm sống ký sinh trên côn trùng, ở các vùng núi cao quanh năm giá lạnh.

Vào cơ sở nuôi đông trùng hạ thảo của anh Trường chúng tôi được anh đưa đi tham quan và được giới thiệu về các sản phẩm. Hiện tại, đông trùng hạ thảo Minh Trường có các loại tươi, sấy khô, ngâm rượu, trà và nhộng trùng thảo (đông trùng hạ thảo cao cấp cấy trực tiếp trên con nhộng tằm). Thị trường tiêu thụ chủ yếu là Hà Nội. Tới đây, anh tiếp tục đầu tư máy móc trang thiết bị nhằm cho ra đời sản phẩm mới, tinh chế từ đông trùng hạ thảo.

Lê Văn Trường đang rất thành công trên con đường khởi nghiệp từ việc nuôi đông trùng hạ thảo
Lê Văn Trường đang rất thành công trên con đường khởi nghiệp từ việc nuôi đông trùng hạ thảo.

Anh Trường cho biết: “Nuôi đông trùng hạ thảo là một kỹ thuật khó. Khó vì đây là loại thảo mộc thường sống trên các cao nguyên lạnh giá quanh năm, nên đảm bảo nhiệt độ, dinh dưỡng, vật ký sinh phù hợp không phải dễ. Bất kể khâu nào trong từng giai đoạn cũng phải chăm sóc kỹ càng. Tôi phải mất rất nhiều thời gian đi tận Lai Châu để tìm hiểu học hỏi. Hiện tôi cũng vừa nuôi vừa đọc và tìm hiểu thêm về đông trùng hạ thảo”.

Đến nay, Trường là niềm tự hào của gia đình, là tấm gương sáng thanh niên khởi nghiệp từ làng.

Có thể nói với Hoằng Hóa nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung, xây dựng sản phẩm OCOP đã thấm nhuần trong đời sống nông nghiệp nông thôn mang lại giá trị kinh tế và ý nghĩa xã hội rõ rệt. Ngoài việc phát triển kinh tế chương trình mục tiêu quốc gia mỗi xã một sản phẩm còn tạo môi trường hoạt động bình đẳng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất, khuyến khích cộng đồng khai thác đặc sản vùng miền, duy trì, phát huy lợi thế sản phẩm truyền thống, ngành nghề, làng nghề.

Sản phẩm OCOP còn thiết thực bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa trong nhóm sản phẩm đặc thù của các địa phương; phát huy tính sáng tạo của các chủ thể OCOP trong nghiên cứu, thử nghiệm các sản phẩm mới đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, phân khúc thị trường. Bản thân các chủ thể OCOP nhận thức sâu rộng hơn, quan tâm xây dựng văn hóa doanh nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng phục vụ, dịch vụ bán hàng.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, từ đầu năm 2023, toàn huyện Hoằng Hóa có 16 xã đăng ký 19 sản phẩm mới tham gia chương trình, trong đó, có 2 sản phẩm của các HTX, 2 sản phẩm của công ty và 15 sản phẩm của hộ cá thể. Một số sản phẩm nổi bật như: Cua lột (Hoằng Phong); chả cá (Hoằng Châu); sứa biển Thảo Linh (Hoằng Trường); miến gạo Vân Dương (Hoằng Đạt); kê vàng ba làng (Hoằng Đông); nhộng trùng thảo khô (Hoằng Hải); bánh lá răng bừa bà Nhạn (Hoằng Phượng); khoai tây (Hoằng Tiến); hương Đông Khê (xã Hoằng Quỳ)…

Minh Hiền