Hà Nội có khoảng 30 nghìn doanh nghiệp thành lập mới năm 2022

12:45 14/12/2022

Năm 2022, thành phố Hà Nội có khoảng 30 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 25%. Lũy kế tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập trên địa bàn thành phố đạt 351 nghìn doanh nghiệp. Hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm 2021.

Phát biểu tại “Hội nghị tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp năm 2022” của UBND thành phố Hà Nội, sáng 14/12, ông Lê Văn Quân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2022, tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, chưa có tiền lệ và khó đoán định; khó khăn nhiều hơn so với dự báo.

Ảnh minh họa
“Hội nghị tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp năm 2022” của UBND thành phố Hà Nội. (Ảnh: Hoài Anh).

Hà Nội phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó, phải tập trung phòng, chống dịch bệnh và dành nguồn lực để khắc phục ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19; đồng thời, dành nhiều thời gian để tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra và có sự thay đổi cán bộ chủ chốt của thành phố.

“Dưới sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp và toàn thể nhân dân Thủ đô, triển khai hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ, kinh tế xã hội năm 2022 của Thủ đô đã phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng”, ông Quân nói.

Ảnh minh họa
Ông Lê Văn Quân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Hoài Anh). 

Đó là hoàn thành mục tiêu tổng quát năm 2022, trong đó, kinh tế phục hồi tăng trưởng khoảng 8,89% - đạt cao nhất trong nhiều năm trở lại đây và vượt kế hoạch đề ra. Thu ngân sách đạt cao vượt 6,8% dự toán, đảm bảo chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên và các nhiệm vụ chi phòng, chống dịch COVID-19, chi hỗ trợ người lao động và đối tượng sử dụng lao động, chi đảm bảo an sinh xã hội.

Thành phố dự kiến hoàn thành 22/22 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch liên quan đến tăng trưởng GRDP (đạt 8,89%), GRDP/người (đạt 142,3 triệu đồng), tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện (đạt 13,8%), tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu (đạt 11,9%), giảm số hộ nghèo so với năm trước (đạt 38,8%).

“Mặc dù, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế xã hội, tuy nhiên, kinh tế Thủ đô vẫn đạt được những kết quả nhất định. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 8.922 doanh nghiệp (tăng 2,4%). Dự kiến năm 2022 có khoảng 30 nghìn doanh nghiệp thành lập mới (tăng 25%); lũy kế tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập trên địa bàn thành phố đạt 351 nghìn doanh nghiệp. Hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm 2021”, ông Quân khẳng định.

Bên cạnh kết quả đạt được, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cũng thừa nhận, năm 2022, vẫn tồn tại một số vấn đề cần khắc phục.

Đó là kỷ cương hành chính có chuyển biến nhưng chậm và chưa đạt yêu cầu. Còn một số cán bộ, công chức vi phạm quy định, bị xử lý kỷ luật; tỷ lệ chậm tiến độ thực hiện các nhiệm vụ tại Chương trình hành động số 02/CTr-UBND ngày 19/01/2022 của UBND Thành phố vẫn còn cao. Năng lực một bộ phận cán bộ các cấp còn hạn chế, có tư tưởng trông chờ sự hỗ trợ của thành phố; tình trạng ỷ lại, đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm trong giải quyết công việc vẫn diễn ra. 

Cùng với đó, hoạt động chuyển đổi số còn chậm. Hầu hết các chỉ tiêu về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước về phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số đạt thấp so với mục tiêu đề ra.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên vẫn thấp so với mục tiêu đề ra. Dịch COVID-19; giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước, phí vận chuyển hàng hóa tăng cao, máy móc, thiết bị nhập khẩu phục vụ dự án đầu tư công bị ảnh hưởng.

“Có tâm lý thi công cầm chừng để chờ hướng dẫn điều chỉnh, chính sách bù giá vật liệu xây dựng. Đối với các dự án ODA, do các nguyên nhân tồn tại từ các năm trước nên các dự án đều phải làm thủ tục điều chỉnh tiến độ, gia hạn hiệp định vay, ảnh hưởng đến kết quả giải ngân. Công tác chuẩn bị đầu tư các dự án, gồm cả các dự án cấp thành phố và các dự án cấp huyện đều chưa đảm bảo tiến độ, có dự án đủ điều kiện bố trí vốn nhưng kế hoạch vốn bố trí chưa kịp thời, thiếu linh hoạt, ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân”, ông Quân cho biết.

Hiện kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất còn khó khăn, ảnh hưởng đến nguồn thu dự toán cũng như ảnh hưởng đến kế hoạch vốn và giải ngân các dự án.

Nhấn mạnh phương hướng nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm năm 2023, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả việc hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2023 - 2025.

“Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về thủ tục, đặc biệt chú trọng tháo gỡ khó khăn các dự án đầu tư có sử dụng đất, các dự án chậm triển khai nhiều năm. Tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới và tích hợp các dịch vụ tiện ích trong quy trình thực hiện các thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp”, ông Quân cho biết.

H. Anh