Năng lượng, kim loại và nông sản thế giới sẽ đạt những đỉnh giá mới trong 2022?

11:31 04/01/2022

Với những phân tích chuyên sâu về số liệu cuối năm 2021, giới chuyên môn vẫn giữ nguyên lập trường về sự leo thang về giá các mặt hàng năng lượng, kim loại và nông sản thế giới trong 2022.

Khai thác khí gas tự nhiên tại Hoa Kỳ
Khai thác khí gas tự nhiên tại Hoa Kỳ. (Ảnh: Oklahoma Mineral Rights)

Cụ thể, giá than và khí đốt tự nhiên cao kỷ lục lịch sử dẫn đến cuộc khủng hoảng điện nghiêm trọng từ châu Âu sang Ấn Độ và Trung Quốc trong năm 2021. Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên thị trường châu Á đã tăng hơn 200%, trong khi giá hợp đồng tham chiếu của mặt hàng than cũng trên thị trường Châu Á tăng gấp đôi. Giới chuyên môn cho biết, nhu cầu LNG toàn cầu tăng 20 triệu tấn trong năm 2021 so với năm liền trước trong đó châu Á chiếm gần như toàn bộ mức tăng này. Hơn 20% mức tưng nhu cầu này đến từ Trung Quốc khiến thị trường này trở thành nhà nhập khẩu hàng đầu thế giới vượt qua Nhật Bản. Tuy nhiên, giá LNG giao ngay cao liên tục có khả năng bắt đầu làm giảm tốc độ tăng trưởng nhu cầu chung, đặc biệt là ở các thị trường nhạy cảm nhiều với giá như Nam Á và Đông Nam Á. 

Bên cạnh đó, giá dầu toàn cầu cũng phục hồi từ 50% đến 60% trong năm 2021 và dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022 khi nhu cầu nhiên liệu máy bay hồi phục mạnh mẽ.

Tại Trung Quốc, giá than đã giảm hơn một nửa so với mức cao kỷ lục đạt được vào tháng 10/2021 sau khi Trung Quốc - nhà sản xuất và cũng là nhà tiêu dùng hàng đầu thế giới nỗ lực tăng sản lượng và kiềm chế giá. 

Nhắc tới kim loại, cuộc khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc và châu Âu ảnh hưởng đến sản xuất nhôm, khiến giá nhôm kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London (LME) tăng hơn 40% trong năm 2021 và là năm tăng thứ 2 liên tiếp. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng đó cũng ảnh hưởng đến nhu cầu quặng sắt do nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới - Trung Quốc cắt giảm sản lượng. Giá quặng sắt đạt mức cao kỷ lục vào tháng 5/2021 đã giảm trong nửa cuối năm 2021 giữa bối cảnh Trung Quốc hạn chế sản lượng nghiêm ngặt. Giá quặng sắt kỳ hạn tương lai trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) giảm hơn 10% sau đợt tăng mạnh trong hai năm qua. 

Giới chuyên môn nhận định, thị trường kim loại cơ bản sẽ hoạt động tốt hơn nhóm kim loại đen trong thời gian tới vì quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ thúc đẩy nhu cầu, trong khi các nút thắt trong chuỗi cung ứng có thể vẫn tiếp diễn. Giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn LME đã tăng 3 năm liên tiếp, trong đó năm 2021 đã tăng 1/4 giá trị. Các chuyên gia dự đoán, nhu cầu đồng dự kiến ​​sẽ mở rộng trong năm 2022 - là năm tăng thứ 2 liên tiếp, đặc biệt là sau khi hội nghị biến đổi khí hậu COP26 kết thúc gần đây cho thấy các chính phủ ngày càng sẵn sàng trong việc ưu tiên năng lượng sạch. 

Trong cùng chiều hướng tăng, nông sản điển hình là đậu tương đã có giá kỳ hạn trên thị trường Chicago đã tăng năm thứ 3 liên tiếp, trong khi giá ngô tăng gần 25%, và lúa mì tăng hơn 20%. Nguyên nhân là do nguồn cung hạn chế do thời tiết bất lợi và nhu cầu mạnh thường thúc đẩy thị trường nông sản. Cả dầu cọ Malaysia và dầu đậu tương Mỹ đều tăng giá hơn 30% trong năm qua, và cùng là năm thứ 3 tăng liên tiếp.

Thu Trà