Giảm giờ làm dưới góc nhìn của doanh nghiệp

00:00 12/10/2020

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó có nội dung giảm giờ làm từ 48 giờ xuống 44 giờ/ tuần vẫn đang tiếp tục được lấy ý kiến từ các cơ quan, bộ ngành, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan và đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Các doanh nghiệp sản xuất đều cho rằng nếu giảm giờ làm trong tuần sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban về các vấn đề Xã hội sáng 2/10/2019, cho ý kiến vào Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) nhiều đại biểu đã "mổ xẻ" về thời gian làm việc bình thường của người lao động. Đại biểu Bùi Văn Cường, Bí thư tỉnh uỷ Đăk Lăk, nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, lao động ở khu vực hành chính sự nghiệp hiện làm việc 40 giờ một tuần, còn khu vực doanh nghiệp là 48 giờ mỗi tuần, thể hiện sự bất bình đẳng nên ông đề nghị bổ sung nội dung này vào báo cáo trình Quốc hội. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã kiến nghị giảm giờ làm của khu vực doanh nghiệp xuống 44 giờ mỗi tuần để giảm bớt sự bất bình đẳng giữa hai khối. Khi đó, người lao động sẽ được nghỉ chiều thứ 7 và chủ nhật, tạo điều kiện cho họ chăm sóc gia đình, tái tạo sức khoẻ. "Không để khu vực doanh nghiệp làm việc quần quật trong khi khu vực hành chính sự nghiệp nhàn nhã. Đây là xu hướng tiến bộ trên thế giới, chúng ta là nước chủ nghĩa xã hội thì không có lý do gì không thực hiện tiến bộ ấy", ông Cường nói.

 Các doanh nghiệp sản xuất cho rằng giảm giờ làm khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn

Đồng tình với quan điểm này, Phó ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng bổ sung, có báo cáo nói 30% cán bộ công chức "sáng cắp ô đi tối cắp ô về" nên phải loại bỏ số lao động "hưởng lương mà không làm việc" và tăng giờ làm cho đội ngũ còn lại. "Nhiều cán bộ nhàn nhã, thiếu trách nhiệm, trong khi đó chúng ta lại kéo dài thời gian làm việc của những người chân lấm, tay bùn. Quốc hội phải bênh vực người dân yếu thế". Nêu ý kiến trái ngược, Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Trương Anh Tuấn cho biết, khi tổ chức lấy ý kiến về đề xuất giảm giờ làm của người lao động trong các doanh nghiệp xuống còn 44 giờ, những người lao động trực tiếp lại có ý kiến hoàn toàn khác. "Họ nói, lương của chúng tôi được tính theo sản phẩm hoặc tính theo giờ lao động, nếu luật mà quy định giảm giờ làm là chúng tôi nghỉ ăn luôn", đại biểu Trương Anh Tuấn nói và cho biết thêm, đã có những công nhân xây dựng kể rằng, để đảm bảo tiến độ công trình, chủ lao động yêu cầu đi làm là họ phải đi. Xung quanh vấn đề này, tại các buổi họp góp ý, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp dệt may, da giày, thủy sản... cho rằng, việc giảm giờ làm mỗi tuần xuống còn 44 giờ là không khả thi, sẽ làm tăng gánh nặng.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày và Túi xách Việt Nam, ngành da giày đang sử dụng 1,5 triệu lao động và việc tuyển dụng lao động đang gặp nhiều khó khăn. Nếu giảm giờ làm việc, doanh nghiệp phải tuyển dụng thêm lao động hoặc đầu tư vào máy móc, làm tăng thêm chi phí. Nếu áp dụng giờ làm việc 44 giờ/tuần, doanh nghiệp da giày sẽ phải tuyển dụng thêm 10% lao động, trong khi đó lao động ngành này đang thiếu hụt. Các nhà máy da giày đang phải sử dụng cả lao động 50 tuổi do không thể tuyển thêm. “Việc giảm thời gian làm việc sẽ giúp cho lao động được nghỉ ngơi thêm. Nhưng trên thực tế là lao động phổ thông có thể không ở nhà nghỉ ngơi mà sẽ đi nhậu nhẹt hoặc làm thêm như đi giúp việc, chạy xe Grab. Trong khi nguồn thu nhập chính sẽ giảm do giảm giờ làm”, bà Xuân cho biết. Còn bà Đào Thị Thu Huyền, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản nêu quan điểm, hiện nay doanh nghiệp đang rất khó tuyển lao động, trong khi tiền lương từ 2011 đến nay đã tăng gấp 3 lần. Việt Nam không còn lợi thế nhân công giá rẻ, chỉ còn lợi thế về nhân công chăm chỉ, cần cù, có tay nghề... Nếu rút thời gian làm việc chỉ còn 44 giờ mỗi tuần, các đơn hàng có thể chuyển sang các nước khác.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết: Việc giảm giờ làm thêm trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn sẽ làm gia tăng gánh nặng. Từ đó, gây tác động xấu tới doanh nghiệp và nền kinh tế. Hiện nay, ngay cả khi Việt Nam quy định về giờ làm việc tiêu chuẩn là 48 giờ/tuần thì các doanh nghiệp của nhiều ngành nghề như dệt may, da giày đã phải bố trí làm thêm giờ hết thời gian được phép 300 giờ/ năm theo quy định. Với ngành dệt may, xét trên quy mô sản xuất hiện tại, nếu giảm mỗi tuần 4 giờ làm việc, tức là giảm 208 giờ/lao động/ năm thì kim ngạch xuất khẩu sẽ giảm tối thiểu trên 3 tỷ USD/năm. Hơn nữa, để duy trì cùng một khối lượng sản xuất và kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may như hiện nay, các doanh nghiệp sẽ phải tuyển thêm lao động, gây phát sinh chi phí hàng nghìn tỷ đồng. Trong điều kiện hiện ngành dệt may đang khan hiếm lao động, có sự cạnh tranh để tuyển lao động, nhất là lao động có tay nghề, chưa kể làm tăng chi phí và giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp, đề xuất giảm giờ làm là không khả thi.

“Xu hướng chung của thế giới khi kinh tế phát triển đạt đến trình độ nhất định, nhiều quốc gia đã giảm giờ làm việc tiêu chuẩn cho người lao động. Tuy nhiên, Việt Nam là nước đang phát triển, nếu giảm 4 giờ làm việc trong 1 tuần có nghĩa là giảm 8,3% lượng của cải vật chất mà các đối tượng chịu tác động của Bộ luật Lao động đóng góp vào GDP cho xã hội, tức là sẽ giảm GDP và GDP/người. Như vậy là rất khó theo kịp các nước trong khu vực. Thử đưa ra phép tính, nếu giảm 4 giờ/tuần x 52 tuần x 2,8 triệu lao động = 582.400.000 giờ. Rồi sau đó lấy 582.400.000 giờ/ 2.288 giờ/lao động/năm = 254.500 lao động. Chi phí tăng thêm khi giảm thời gian làm việc của toàn ngành = 254.500 người x 8 triệu đồng/người/tháng x 12 tháng = 24.432 tỷ đồng/năm”, ông Trương Văn Cẩm phân tích.

Bà Nguyễn Thành - Phó Giám đốc Nhân sự Công ty May Sơn Hà: Quy định người lao động trong khối doanh nghiệp làm 48 giờ/tuần như hiện nay là phù hợp, thuận lợi cho doanh nghiệp, bởi đặc thù của ngành sản xuất thủ công là tính thời vụ. Nếu giảm giờ làm, không chỉ ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của công ty. Nhiều đơn hàng sinh lãi nhưng vì không thể đáp ứng tiến độ và yêu cầu về thời gian của khách hàng khiến chúng tôi phải từ chối nhận. Chưa kể dây truyền máy móc sẽ không hoạt động tối đa công suất khiến chi phí của doanh nghiệp tăng cao. Chúng tôi mong muốn Quốc hội xem xét sửa đổi quy định về giờ làm trong Bộ luật Lao động sao cho số lượng giờ làm phù hợp với đặc tính, đặc thù của ngành dệt may.

Ông Nguyên Văn Khiêm - Tổng Giám đốc Công ty Giày Thượng Đình: Theo tôi, giảm giờ làm không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động, bởi người lao động muốn làm nhưng theo Luật lại không được làm. Với các doanh nghiệp sản xuất, áp lực tiến độ giao hàng rất quan trọng, nếu giảm giờ làm, chúng tôi không thể đáp ứng đầy đủ các đơn hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp thường xuyên phải đánh giá việc thực hiện trách nhiệm xã hội, gồm trách nhiệm với thị trường và người tiêu dùng; trách nhiệm về bảo vệ môi trường; trách nhiệm với người lao động; trách nhiệm chung với cộng đồng. Vì vậy, thời gian lao động phải hợp lý cho từng giai đoạn, nếu như áp đặt sẽ rất khó cho doanh nghiệp.

Bảo Ngọc