Giải pháp nâng cao trình độ lao động Việt Nam cho doanh nghiệp FDI

14:45 13/07/2023

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Phạm Quốc Bình chia sẻ về những giải pháp nâng cao trình độ cho lao động Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho khối DN FDI.

Ảnh minh họa
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Phạm Quốc Bình

Ông đánh giá như thế nào về chất lượng nguồn lao động Việt Nam những năm gần đây?

Ông Phạm Quốc Bình: Báo cáo Năng lực cạnh tranh của Việt Nam và Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GC 4.0) của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2019 cho thấy, lực lượng lao động hiện thời của Việt Nam xếp thứ 100/141 nền kinh tế. Trong đó, Mức độ doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm lao động có kỹ năng xếp thứ 96,141.

Theo Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam năm 2021, khảo sát với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thì khoảng 95% cho biết, chất lượng lao động đáp ứng được nhu cầu, 58% đánh giá lao động là hoàn toàn đáp ứng được và đáp ứng phần lớn nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã chủ động tìm đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tham gia vào quá trình tuyển sinh, đặt hàng đào tạo, tuyển dụng sinh viên trước và ngay khi tốt nghiệp.

Nhờ có các giải pháp đồng bộ, phù hợp, năm 2022, cả nước tuyển sinh được gần 2,26 triệu người, đạt 108,3% kế hoạch; số người tốt nghiệp là gần 2,1 triệu người, đạt 115% so với kế hoạch; qua đó góp phần tăng tỷ lệ nguồn nhân lực qua đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, phục vụ việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quy mô dân số cả nước năm 2022 đạt 99,5 triệu người, với tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,5%, tăng 0,8 điểm phần trăm so với năm trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động năm 2022 là 6,7 triệu đồng, tăng 927.000 đồng so với năm trước và tăng 759.000 đồng so với cùng kỳ năm 2019.

Ảnh minh họa
Tổng cục cũng đang tham mưu sửa đổi các quy định của Luật Việc làm về phát triển kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Đâu là những yếu tố cần phải cải thiện để giúp người lao động Việt Nam phát huy được hết những tiềm năng sẵn có và đưa Việt Nam trở thành thị trường lao động chất lượng cao?

Ông Phạm Quốc Bình:  Để đưa Việt Nam trở thành thị trường lao động chất lượng cao và người lao động có thể phát huy tối đa tiềm năng sẵn có, cần nhiều yếu tố.

Trong đó, trước hết, phải tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường lao động. Sửa đổi, bổ sung các chính sách để hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho lực lượng lao động.

Đồng thời, tổ chức lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, xây dựng mô hình liên kết vùng trong đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực, xây dựng các trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao theo vùng kinh tế trọng điểm, đẩy mạnh chuyển đổi số trong đào tạo.

Thứ hai, tăng cường hợp tác quốc tế, tăng cường liên kết thị trường lao động trong và ngoài nước. Thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động và các chủ thể tham gia thị trường lao động, đảm bảo ổn định và phát triển thị trường lao động.

Thứ ba, đẩy mạnh tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động. Tập trung thực hiện các giải pháp để phân luồng, nâng cao chất lượng nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư, phát triển các ngành kinh tế tạo nhiều việc làm bền vững. Đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, thiết bị và điều kiện bảo đảm chất lượng cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học. Đầu tư đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động.

Tăng cường kết nối, trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các cơ sở đào tạo để kịp thời triển khai các giải pháp đào tạo, nâng cao chất lượng, quy mô, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lực lượng lao động, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Tập trung đào tạo nghề nghiệp cho người lao động cả trước - trong - sau quá trình tham gia thị trường lao động, cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động trong các doanh nghiệp, nhất là các ngành nghề khoa học - kỹ thuật - công nghệ và đào tạo các chuyên ngành mới trong chuyển đổi số, như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (loT), chuỗi khối (Blockchain). Hỗ trợ phát triển dịch vụ an sinh xã hội cung cấp cho người lao động.

Đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động, đặc biệt là kỹ năng số là một trong các mục tiêu đang được Chính phủ chú trọng. cục Giáo dục nghề nghiệp có giải pháp gì để đẩy mạnh hoạt động này?

Ông Phạm Quốc Bình: Theo tính toán của Viện Công nhân và Công đoàn, công nhân lao động trong doanh nghiệp hiện nay chỉ chiếm khoảng 15% dân số và khoảng 27% lực lượng lao động, nhưng đã đóng góp trên 75% ngân sách và trên 65% GDP của cả nước. Trong khi đó, Việt Nam có cơ cấu “dân số vàng” với lực lượng lao động dồi dào khoảng 51,6 triệu người, chiếm trên 55% dân số, tỷ lệ lao động có văn bằng chứng chỉ thấp chiếm khoảng 26,4% lực lượng lao động.

Vì vậy, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động, thông qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay, là yếu tố quyết định đưa quốc gia thoát bẫy thu nhập trung bình.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang được giao một số nhiệm vụ trọng tâm trong việc tham mưu các chính sách, chiến lược, giải pháp nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động. Thông qua đó, góp phần tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia và nâng cao thu nhập người dân, đưa quốc gia thoát bẫy thu nhập trung bình.

Cụ thể, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư...

Hiện nay, Tổng cục cũng đang tham mưu sửa đổi các quy định của Luật Việc làm về phát triển kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia...

Tổng cục đánh giá như thế nào về cơ hội quốc tế hóa trong giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là khi Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp nước ngoài?

Ông Phạm Quốc Bình: Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp để đào tạo theo nhu cầu đã được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chú trọng triển khai từ nhiều năm nay. Việc này đã giúp tạo ra các chương trình đào tạo nghề được thiết kế và thực hiện theo hướng tiếp cận nhu cầu của thị trường, giúp người học trang bị những kỹ năng mà doanh nghiệp cần.

Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài, cơ hội quốc tế hóa trong giáo dục nghề nghiệp đang có rất nhiều triển vọng.

Việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, như EVFTA, CPTPP, VKFTA, AANZFTA... cũng đã mở ra nhiều cơ hội cho giáo dục nghề nghiệp tiếp cận với các doanh nghiệp nước ngoài, cọ xát với môi trường làm việc của nước ngoài.

Muốn hội nhập thành công vào quá trình này đòi hỏi nguồn nhân lực phải đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nói riêng. Vì thế, ngay từ khi đào tạo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải biết kết hợp với doanh nghiệp để tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu kỹ năng mà doanh nghiệp cần, biết tận dụng những thế mạnh về máy móc, trang thiết bị của doanh nghiệp để từ đó đổi mới và phát triển chương trình đào tạo phù hợp với từng trình độ.

Định hướng giáo dục nghề nghiệp và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trên cơ sở hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nghề sẽ được thực hiện như thế nào trong thời gian tới?

Ông Phạm Quốc Bình: Mục tiêu của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới là mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và các nước, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Tổng cục sẽ đẩy mạnh đàm phán, ký kết, triển khai các thỏa thuận, chương trình hợp tác với đối tác quốc tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam trong việc hỗ trợ cơ sở giáo dục nghề nghiệp, học sinh, sinh viên nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, tích cực tham gia các cuộc thi, tổ chức, diễn đàn, hiệp hội khu vực, quốc tế về giáo dục nghề nghiệp và chủ động đăng cai tổ chức các kỳ thi kỹ năng nghề quốc tế ở Việt Nam.

Đồng thời, hình thành mạng lưới chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài, đặc biệt trong việc tiếp nhận chuyển giao chương trình, giáo trình, học liệu, phương pháp giảng dạy và học tập; trao đổi giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên, chuyên gia quốc tế...

An Nguyên (thực hiện)