Facebook bị cáo buộc kiếm tiền từ dữ liệu cá nhân người dùng

19:23 18/02/2024

Chuyên gia luật Liza Lovdahl Gormsen cho biết, người dùng đã không được bồi thường thỏa đáng cho giá trị dữ liệu cá nhân mà họ phải cung cấp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Facebook sẽ đối mặt với vụ kiện tập thể đòi bồi thường 3 tỉ bảng Anh (tương đương 3,77 tỉ USD), liên quan đến các cáo buộc mạng xã hội này lạm dụng vị thế thống trị để kiếm tiền từ dữ liệu cá nhân người dùng.

Đây là phán quyết do Tòa phúc thẩm cạnh tranh (CAT) đưa ra mới đây. Chuyên gia luật Liza Lovdahl Gormsen, đại diện cho khoảng 45 triệu người dùng Facebook tại Anh tiến hành khởi kiện, cho biết, người dùng đã không được bồi thường thỏa đáng cho giá trị dữ liệu cá nhân mà họ phải cung cấp.

Theo Reuters, năm ngoái, CAT đã từ chối cho phép tiến hành vụ kiện chống lại Meta. Tuy nhiên, mới đây, tòa đã đồng ý xét xử vụ kiện sau khi các luật sư điều chỉnh các yêu cầu. Trong phán quyết, thẩm phán Marcus Smith cho hay, phiên tòa cuối cùng trong vụ kiện này có thể diễn ra muộn nhất là nửa đầu năm 2026. Tuy nhiên, Tập đoàn Meta Platforms Inc, công ty mẹ của Facebook, khẳng định vụ kiện hoàn toàn không có cơ sở. Các luật sư của Meta cho rằng, những yêu sách về thiệt hại của người dùng đã bỏ qua giá trị kinh tế mà Facebook đem lại cho họ.

Đây là vụ kiện mới nhất CAT cho phép tiến hành, bên cạnh các vụ kiện riêng rẽ nhằm vào Sony, Apple và một số ngân hàng lớn vào năm ngoái.

Ở một diễn biến khác, chính phủ Hà Lan có thể cấm công chức sử dụng Facebook do lo ngại về bảo mật dữ liệu trên nền tảng này. Bộ trưởng Số hóa Alexandra van Huffelen cho biết, văn bản chính thức về vấn đề này đang chờ được xử lý.

Theo nữ bộ trưởng, từ lâu chính phủ Hà Lan luôn quan ngại về cách Meta, công ty mẹ của Facebook tại Mỹ, đồng thời sở hữu hai ứng dụng khác là Instagram và WhatsApp, xử lý thông tin nhạy cảm của người dùng. 

Tháng 11/2023, Cơ quan bảo vệ dữ liệu Hà Lan (AP) đã được yêu cầu tham gia tư vấn về việc liệu các quan chức chính phủ có nên sử dụng Facebook hay không.

Năm ngoái, chính phủ của Thủ tướng Mark Rutte cũng đã cấm các quan chức cài đặt ứng dụng chia sẻ video TikTok của Trung Quốc trên điện thoại làm việc với lý do lo ngại về khả năng bị gián điệp. Sau đó, Hà Lan cũng đưa ra một danh sách các ứng dụng cần phải được phê duyệt trước cho các thiết bị của chính phủ. Vào thời điểm đó, các quan chức chỉ ra Facebook và Instagram có thể bị xóa khỏi danh sách trong tương lai.

Thu Phương (t/h)

Tags: