Dự kiến tham gia CPTPP, doanh nghiệp Vương quốc Anh quan tâm đặc biệt tới Việt Nam

07:46 13/11/2022

Các doanh nghiệp Anh hầu hết đều coi Hiệp định UKVFTA là đòn bẩy để thúc đẩy thương mại, nhờ tận dụng mức thuế suất ưu đãi. Đồng thời, xếp Việt Nam vào nhóm quốc gia quan tâm đặc biệt khi Vương quốc Anh đang dự kiến tham gia Hiệp định CPTPP.

Ngày 11/11, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu dự Toạ đàm Kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Vương quốc Anh và gặp gỡ hiệp hội, doanh nghiệp hai nước.

Mở đầu phiên họp, Thứ trưởng Tiến thông báo những nội dung chính khi hội đàm với bà Tamara Finkelstein, Thứ trưởng Thường trực Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn Vương quốc Anh. Ông cho biết, hai bên đã thống nhất các nội dung ưu tiên hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian tới, đồng thời ký Bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai Bộ.

Ảnh minh họa
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và người đồng cấp, bà Tamara Finkelstein, Thứ trưởng Thường trực Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn Liên hiệp Vương quốc Anh. 

Dưới sự chứng kiến của doanh nghiệp hai nước, Thứ trưởng thông báo tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp Việt Nam đạt 2,9%, cao hơn mức tăng 2,58% của cả nền kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2021 đạt mức kỷ lục 48,7 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2020.

Về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp với Vương quốc Anh, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đánh giá có những bước tiến quan trọng, đặt nền móng cho sự phát triển trong tương lai.

“Vương quốc Anh và Bắc Ai-len là một trong những đối tác chiến lược và quan trọng đối với nông nghiệp Việt Nam về thương mại và đầu tư, đặc biệt thông qua Hiệp định UKVFTA”, ông Tiến nói.

Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland năm 2021 đạt hơn 6,6 tỷ USD, tăng trưởng hơn 17%. Trong đó, tăng trưởng thương mại nông lâm thủy sản giữa 2 nước tăng trưởng đều đặn ở mức 6%/năm, đạt gần 1 tỷ USD năm 2021.

Về triển vọng hợp tác, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, nông nghiệp hai nước có thể bổ trợ cho nhau hiệu quả. Việt Nam có thế mạnh về các sản phẩm nông sản nhiệt đới như gạo, rau quả, cà phê, chè, điều, tiêu, nuôi trồng thủy sản và chế biến gỗ, nội thất. Trong khi đó, nông nghiệp Vương quốc Anh có thế mạnh về các sản phẩm nông sản ôn đới, máy móc, thiết bị, vật tư đầu vào thế hệ mới, công nghệ cao phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản và nghiên cứu vacxin.

Ảnh minh họa
Xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh tăng trưởng mạnh nhờ đòn bẩy từ UKVFTA. 

Dư địa để thúc đẩy giao thương nông sản của hai nước còn rất lớn. Bởi xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Vương quốc Anh mới đạt khoảng 800 triệu USD, chiếm hơn 1% tổng giá trị nhập khẩu lương thực thực phẩm (khoảng 60 tỷ USD) của Vương Quốc Anh. Tương tự, xuất khẩu nông sản của Vương Quốc Anh vào Việt Nam chưa được 1% tổng giá trị nhập khẩu nông lâm thủy sản (trên 30 tỷ USD) của Việt Nam.

Về đầu tư, FDI từ Vương quốc Anh rót vào nông nghiệp Việt Nam dù còn khiêm tốn (khoảng 40 dự án, tổng vốn 240 triệu USD) nhưng tăng ở mức trên 10%/năm thời gian qua. Đặc biệt, Việt Nam và Vương quốc Anh đều cùng chia sẻ và có cam kết mạnh mẽ cho phát triển kinh tế xanh, bền vững, giảm phát thải tại các diễn đàn quốc tế lớn như COP26 và Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về Hệ thống lương thực, thực phẩm.

“Tôi hy vọng tại toạ đàm này, doanh nghiệp hai sẽ có nhiều tiếng nói chung, kết nối, liên kết với nhau, chia sẻ thông tin, xây dựng kế hoạch hợp tác kinh doanh lâu dài, có chiều sâu cùng xây dựng niềm tin phát triển ngành nông nghiệp xanh, bền vững, thịnh vượng hơn”, Thứ trưởng bày tỏ.

Tại phiên họp, một số doanh nghiệp Việt Nam theo tháp tùng Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã giới thiệu các mặt hàng nông sản thế mạnh như cà phê, hoa quả… tới thị trường Vương quốc Anh. Trong đó, cam kết sản xuất theo quy trình chuẩn quốc tế, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Về phía Vương quốc Anh, đại diện doanh nghiệp, hiệp hội sản xuất các sản phẩm nông nghiệp lưu ý Việt Nam về các vấn đề như dư lượng hóa chất, kiểm dịch thực vật với sản phẩm xuất khẩu, đồng thời hứa phối hợp chặt chẽ để cùng xử lý, tháo gỡ khó khăn.

Bên cạnh đó, đối tác Vương quốc Anh hoan nghênh Việt Nam đã chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Phía Bạn cũng ghi nhận ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm một cách sâu sắc tới những ảnh hưởng của quá trình phát triển tới môi trường, xã hội, và đảm bảo cuộc sống cho người lao động.

Các doanh nghiệp Anh hầu hết đều coi Hiệp định UKVFTA là đòn bẩy để thúc đẩy thương mại, nhờ tận dụng mức thuế suất ưu đãi. Đồng thời, họ xếp Việt Nam vào nhóm quốc gia quan tâm đặc biệt khi Vương quốc Anh đang dự kiến tham gia Hiệp định CPTPP.

Phía Vương quốc Anh cũng khuyến cáo đối tác Việt Nam tăng cường hơn nữa hàm lượng công nghệ - một thế mạnh của các doanh nghiệp Anh - để đáp ứng với những yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế.

Lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cam kết dành nguồn lực tối đa hỗ trợ doanh nghiệp hai nước vì lợi ích của cả hai quốc gia. Ông cũng bày tỏ mong muốn về việc thu hút và hợp tác với các doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng công nghệ cao cho sản xuất nông nghiệp, chế biến, bảo quản, phân phối nông sản, thực phẩm.

“Trong các hoạt động thương mại và đầu tư, chúng tôi kỳ vọng các doanh nghiệp Vương quốc Anh sẽ tạo ra các đối tác liên doanh, liên kết chặt chẽ và tin cậy với doanh nghiệp và nông dân Việt Nam. Sản phẩm của sự hợp tác giữa 2 bên không chỉ là hiệu quả kinh tế, mà còn là giá trị về tình hữu nghị, sự chia sẻ về công nghệ, sự giao thoa giữa văn hóa hai nước”, Thứ trưởng chia sẻ.

Hoài Anh