Dự kiến ngày 24/3, khai mạc Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV

12:31 25/02/2021

Trong hai ngày (22, 23/2), tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp Phiên họp thứ 53 xem xét và cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng; đồng thời bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong suốt phiên họp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các nội dung: Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 – 2021 của Chính phủ; việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026. Phiên họp cũng điều chỉnh lần thứ nhất cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

  Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên họp.

Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 11 ngày, trong đó bố trí 2,5 ngày để xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 và 6,5 ngày xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác. Quốc hội sẽ họp phiên trù bị và dự kiến khai mạc vào ngày 24/3, bế mạc vào ngày 7/4/2021. Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội, tuy nhiên có dự phòng các phương án trong trường hợp dịch bệnh diễn biến quá xấu.

Phát biểu về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội sẽ kiện toàn một số chức danh Nhà nước.

Tại phiên họp, trình bày tóm tắt thẩm tra sơ bộ Báo cáo tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ; cơ bản nhất trí với những kết quả tích cực đã đạt được trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 như được nêu trong Báo cáo, đồng thời, nhấn mạnh:

 Một là, Chính phủ đã tích cực, chủ động trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ.

Hai là, Chính phủ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước gắn với xây dựng Chính phủ điện tử.

Ba là, Chính phủ quyết liệt thúc đẩy hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Bốn là, Chính phủ quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân; thích ứng và ứng phó kịp thời với tình hình, nhất là trước những diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19.

Năm là, tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự, an toàn xã hội, góp phần ổn định chính trị - xã hội để phát triển đất nước; đồng thời, chủ động, tích cực trong công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc bố trí tổng số 19 đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP. Hà Nội trong đó, 3 đại biểu là lãnh đạo HĐND thành phố (gồm Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch); mỗi Ban của HĐND thành phố bố trí 4 đại biểu.

C.T