Dự báo giá lương thực thế giới tăng mạnh năm 2022

10:59 02/01/2022

Giá lương thực sẽ tiếp tục leo thang trong năm mới.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: Xinhua) 

Một báo cáo nghiên cứu về tình hình giá cả vừa thực hiện cho biết: Một làn sóng tăng giá lương thực- thực phẩm mới ở các siêu thị, cửa hàng dự kiến ​​sẽ bắt đầu vào tháng Giêng. Mức tăng giá sẽ dao động trong khoảng từ 2% đến 20% đối với một loạt mặt hàng chủ lực bao gồm mì ống, gia vị, súp, bánh quy, các sản phẩm từ sữa và thịt...

Theo tờ Wall Street Journal, tỷ lệ lạm phát tăng vọt lên 6,8% tính đến tháng 11 - mức tăng cao nhất trong vòng 39 năm đang vẫn không có dấu hiệu chậm lại, với việc các nhà sản xuất thực phẩm lớn đang chuẩn bị tăng giá bán thêm một lần nữa. Nguyên nhân chính vẫn chủ yếu liên quan đến sự gián đoạn chuỗi cung ứng và chi phí lao động ngày càng tăng.

Kraft Heinz, chủ cơ sở sản xuất thịt Mỹ Oscar Mayer, kiêm sở hữu các chuỗi thực phẩm Kraft Macaroni & Cheese và Jell-O nói với các nhà bán lẻ rằng, họ đang có kế hoạch tăng giá một số mặt hàng lên tới 20%, theo một bản ghi nhớ.

Theo đó, mức tăng giá trung bình đối với các sản phẩm của nhà sản xuất Kraft Heinz sẽ là 5%, và cho biết thêm rằng, một số sản phẩm như mù tạt Grey Poupon sẽ tăng từ 6% đến 13%, do chi phí sản xuất đã tăng tới 22%.

Mondelez International, công ty sản xuất đồ ăn nhẹ bao gồm thương hiệu bánh quy nổi tiếng Oreo và bánh quy giòn Ritz cho hay, sẽ tăng giá từ 6% đến 7% bát đầu từ tháng Giêng.

Trong khi đó, các nhà sản xuất thực phẩm lớn khác bao gồm cả Campbell Soup và General Mills, hay Cheerios, cũng đều đã cảnh báo họ sẽ tăng giá hàng hóa của mình bắt đầu từ năm mới 2022 nhưng không tiết lộ mức tăng giá cụ thể sẽ là bao nhiêu.

Theo dữ liệu của chính phủ Mỹ, nhiều tháng qua người tiêu dùng đã bị ảnh hưởng mạnh hầu bao do chi phí thực phẩm tăng cao. Chỉ số thực phẩm tại nhà (food-at-home index), bao gồm các cửa hàng tạp hóa đã tăng khoảng 6,4% trong 12 tháng qua. Trong đó các loại protein chủ lực bao gồm thịt bò, thịt gia cầm, cá và trứng đã tăng giá gần 13%.

Tờ Bloomberg đưa tin, với việc thị trường phân bón thế giới thời gian qua chứng kiến ​​những cú sốc về nguồn cung chưa từng có trong lịch sử và đẩy giá cao kỷ lục, lạm phát lương thực toàn cầu dự báo sẽ còn tăng hơn nữa khi sản lượng cây trồng giảm và giá sản phẩm tăng cao.

Chỉ số giá lương thực thế giới đã tăng hơn 30% trong vòng 12 tháng qua, đạt mức cao nhất trong vòng một thập kỷ do thiên tai, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp cộng với các vấn đề của đại dịch Covid-19 khiến cho tình hình ngày thêm trầm trọng.

Trong khi đó, thống kê của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp quốc (FAO) cho hay, khoảng 1/10 dân số trên thế giới đang bị khủng hoảng thiếu đói do giá vật tư đầu vào đã góp phần tác động tiêu cực đến sản xuất các loại cây trồng chủ lực, khiến cho chỉ số giá lương thực tăng lên.

My My