Đồng Tháp hợp tác cùng Tập đoàn Quế Lâm: Định hướng nông dân sản xuất theo “nông nghiệp hữu cơ”

23:31 21/03/2021

Ngày 20/3, UBND tỉnh Đồng Tháp và Tập đoàn Quế Lâm đã ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư về phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Thỏa thuận hợp tác dựa trên cơ sở thống nhất những mục tiêu và định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hướng đến cho nền nông nghiệp chia sẻ, nâng cao đời sống của nông dân, không ai bị bỏ lại phía sau.

Ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư về phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
Ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư về phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Theo đó, nội dung hợp tác đầu tư gồm: Thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên các đối tượng cây trồng tại các huyện: Thanh Bình, Tam Nông, Lai Vung và các thành phố: Cao Lãnh, Sa Đéc; tập huấn kỹ thuật nhằm thay đổi nhận thức về sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho nông dân; đào tạo cho cán bộ của tỉnh về sản xuất nông nghiệp hữu cơ và hợp tác phát triển thị trường; xác định vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh; đầu tư nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ tại Đồng Tháp.

Trước đó, trong 02 ngày 18 – 19/3, đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm (Tập đoàn Quế Lâm) đã tham quan một số điểm chuẩn bị làm mô hình ở các huyện: Lai Vung (cây có múi), Tam Nông (lúa), Thanh Bình (ớt), Cao Lãnh (xoài) và thành phố Sa Đéc (hoa kiểng).

Thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Đồng Tháp và Tập đoàn Quế Lâm được thực hiện trong 05 năm (2021 - 2025), sau khi kết thúc giai đoạn hợp tác đầu tiên, hai bên cùng tổ chức đánh giá kết quả hợp tác làm căn cứ để tiếp tục hợp tác giai đoạn tiếp theo.

Chia sẻ tại buổi ký kết hợp tác, ông Nguyễn Hồng Lam – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm, tin tưởng: với những thành tựu, đóng góp đối với ngành nông nghiệp suốt nhiều năm qua, Tập đoàn Quế Lâm - một hạt nhân vì mục tiêu “một nền nông nghiệp không bỏ phí bất cứ thứ gì” sẽ góp phần cùng tỉnh Đồng Tháp tiếp tục tạo lập niềm tin, thay đổi tập quán sản xuất cũ của người nông dân, lan toả nông nghiệp hữu cơ.

Ông Nguyễn Hồng Lam – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm: “Nông nghiệp Đồng Tháp đang rất gần với kinh tế tuần hoàn”
Ông Nguyễn Hồng Lam – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm cho biết: “Nông nghiệp Đồng Tháp đang rất gần với kinh tế tuần hoàn”.

Sau gần 30 năm miệt mài với nông nghiệp hữu cơ, một hệ sinh thái nông nghiệp Quế Lâm đã hoàn thiện bao gồm: 13 đơn vị thành viên hoạt động xuyên suốt chiều dài đất nước, sang cả Campuchia và Lào, 08 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, hàng nghìn mô hình liên kết với nông dân các tỉnh, thành phố và đặc biệt là tổ hợp 4F (Hệ sinh thái chăn nuôi an toàn sinh học FARM - FOOD - FEED – FERTILIZER) ở tỉnh Thừa Thiên Huế đầu tiên ở Việt Nam.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, cho biết: Đồng Tháp đã xác định trong thời gian tới vẫn kiên trì tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách sâu, rộng hơn, trên tinh thần quyết tâm xây dựng nền nông nghiệp xanh, an toàn, chất lượng, bền vững; xây dựng nền nông nghiệp thông minh tuỳ vùng sản xuất, tuỳ đối tượng sản xuất và thị trường để sử dụng công nghệ cho phù hợp; phát huy mạnh mẽ mô hình kinh tế tuần hoàn và kinh tế số vào phát triển nông nghiệp. Đồng thời, tỉnh cũng đang thực hiện xây dựng người nông dân chuyên nghiệp để tạo nên nền nông nghiệp văn minh, hiện đại.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa chia sẻ thông tin cùng Tập đoàn Quế Lâm tại buổi ký kết
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, chia sẻ thông tin cùng Tập đoàn Quế Lâm tại buổi ký kết.

Ông Phạm Thiện Nghĩa đánh giá cao việc ký kết với Tập đoàn Quế Lâm và xem đây là bước đầu để thực hiện sản xuất hữu cơ trong toàn tỉnh Đồng Tháp. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đề nghị sau buổi ký kết này, hai bên cùng cử ra đầu mối để phối hợp xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, có lộ trình thực hiện, đánh giá hiệu quả từng giai đoạn, với mục tiêu đạt được hiệu quả cao nhất mà Biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư đã đề ra. “Với sự hớp tác, tiếp sức của Tập đoàn Quế Lâm, Đồng Tháp sẽ sớm đưa nông nghiệp phát triển lên tầm cao mới; đồng thời cam kết sẽ đồng hành cùng Tập đoàn trong chặng đường sắp tới”, ông Nghĩa kỳ vọng ./.

 

Đồng Tháp là địa phương đầu tiên trong cả nước được Trung ương lựa chọn thí điểm xây dựng và thực hiện “Đề án tái cơ cấu nông nghiệp”; đến nay, có thể khẳng định Đồng Tháp bước đầu đã tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành kinh tế mũi nhọn vốn còn nhiều tiềm năng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đồng Tháp cũng rất cần sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ một số cơ chế, chính sách - đó là việc điều chỉnh chính sách trong đầu tư công theo hướng ưu tiên đầu tư cho kết cấu hạ tầng tại các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm; ưu tiên đầu tư khoa học - công nghệ đối với các ngành hàng chủ lực, đặc biệt là công nghệ bảo quản sau thu hoạch và nâng cao chất lượng nông sản; phát triển thị trường nông sản, bảo hiểm nông nghiệp, cho thực hiện thí điểm chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, tổ hợp tác, miễn thuế vượt hạn điền để các chủ trang trại, tổ hợp tác mạnh dạn mở rộng đầu tư, quy mô sản xuất lớn, đồng thời thí điểm một số chính sách hỗ trợ tích tụ ruộng đất, hỗ trợ vốn vay…

PL (tổng hợp)