Doanh nghiệp SME vẫn khó tiếp cận tín dụng

00:00 12/10/2020

Trong điều kiện chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và tín dụng bị siết, các ngân hàng sẽ không còn “mặn mà” với các khoản vay từ nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).

Thống kê về số lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể năm 2018 khiến nhiều người “giật mình” khi đặt góc tranh này trong tổng thể kinh tế vĩ mô Việt Nam được đánh giá tích cực.

 Trong 3 tháng đầu năm 2019, tín dụng tăng khoảng 2,8% so với cuối năm 2018, trong đó tín dụng cho doanh nghiệp SME chỉ chiếm tỷ trọng 18% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Biểu đồ tăng trưởng tín dụng giai đoạn 2013- 2019

Trong 3 tháng đầu năm 2019, tín dụng tăng khoảng 2,8% so với cuối năm 2018, trong đó tín dụng cho doanh nghiệp SME chỉ chiếm tỷ trọng 18% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Biểu đồ tăng trưởng tín dụng giai đoạn 2013- 2019

Phá sản

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, 2018 là năm đầu tiên con số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản vượt 100.000 doanh nghiệp, lên đến gần 107.000 doanh nghiệp. Trong khi đó, số liệu doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chưa tới 131.300 doanh nghiệp.

Trong quý 1/2019 cũng không có con số cải thiện hoạt động doanh nghiệp lên mức khả quan khi lượng doanh nghiệp thành lập mới đã tăng chậm lại; doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể vẫn tăng cao, bằng 120% số doanh nghiệp đăng ký mới (Báo cáo PCI 2019).

“Số lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể đặt ra câu hỏi về cơ hội sống còn của nhóm chủ lực trong nền kinh tế (chiếm 97%) và cơ chế hỗ trợ, trong đó, quan trọng nhất vẫn là cơ chế hỗ trợ vốn. Nếu tín dụng tiếp tục siết lại và không có gì thay đổi thì khả năng mục tiêu cả nước có 1 triệu doanh nghiệp tới 2020 sẽ rất xa”, ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, Thạc sĩ Tài chính, đánh giá.

Và bán mình

Ghi nhận từ phía nhiều doanh nghiệp SME cho thấy, một trong những áp lực lớn của doanh nghiệp là cùng với cơ hội của thị trường mở rộng, thì ngày càng có nhiều tập đoàn đa quốc gia tham gia khai thác, bằng nguồn lực lớn, sức cạnh tranh như vũ bão. Shop&Go đã bán mình với giá tượng trưng 1 USD cho Vingroup chỉ vì muốn được về tay doanh nghiệp Việt là 1 ví dụ điển hình.

Nhóm SME vẫn cần tín dụng ngân hàng “chống lưng” khi 70% tiếp tục phụ thuộc nguồn vốn vay truyền thống. Nếu không có nguồn lực này, “bán mình” – tạo điều kiện để các nhà đầu tư Trung Quốc xâm nhập như cảnh báo của TS. Trần Du Lịch trước chiến tranh thương mại Mỹ-Trung khó lường và dấu ấn CPTTP, thực tế đã diễn ra. Cụ thể, theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong quý 1/2019, tổng giá trị góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp Việt của các nhà đầu tư nước ngoài hơn 5,68 tỷ USD, trong đó các nhà đầu tư Trung Quốc chiếm tới hơn 73,4%. Gần tương tự, 80% lượng vốn của các nhà đầu tư Hồng Kong cũng đổ vào mua bán cổ phần, góp vốn doanh nghiệp Việt trong cùng quý.

Xem lại hiệu quả tín dụng

Một chuyên gia phân tích, khi tín dụng bị siết lại đòi hỏi nguồn ra chặt và chất hơn, các ngân hàng lại nỗ lực chạy đua phát triển mảng dịch vụ, chuyển đổi cơ cấu doanh thu từ bán buôn và phục vụ khách hàng doanh nghiệp, sang khai thác khách hàng cá nhân và tiêu dùng. Theo đó, nhóm SME là đối tượng cho vay khá rủi ro do tính minh bạch, năng lực quản trị yếu, thiếu tài sản thế chấp…sẽ là nhóm dễ bị tổn thương nhất.

“Kết nối tín dụng ngân hàng và doanh nghiệp trên thực tế, đã đến lúc cần xem xét lại hiệu quả, kể cả đối với chương trình tín dụng dành cho 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên và các gói chương trình cho vay hàng nghìn tỷ được tung ra của các ngân hàng...”, vị chuyên gia này nhấn mạnh và cho biết thêm, đã có những doanh nghiệp thuộc nhóm ưu tiên vẫn bị ngâm hồ sơ vay vốn ưu đãi kích cầu tới 1,5 năm như Cty Duy Khanh của Chủ tịch Hội Cơ khí – Điện TP.HCM Đỗ Phước Tống, để rồi sau đó nhận kết quả bị từ chối.

Lê Mỹ

 
Tags: