Doanh nghiệp cần chủ động định hình lại chuỗi cung ứng điều toàn cầu

16:12 22/03/2024

Hiệp hội điều Việt Nam cho rằng, việc chủ động định hình lại chuỗi cung ứng điều toàn cầu, với sự tham gia của doanh nghiệp nội địa và nhiều quốc gia sản xuất điều là cần thiết.

Trên thị trường quốc tế, ngành công nghiệp điều của Việt Nam đang nắm giữ một vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo thông tin từ Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS), nước ta hiện chiếm gần 65% sản lượng điều thô nhập khẩu và gần 80% lượng điều nhân xuất khẩu trên thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp ngành điều tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Năm 2023, lượng nhập khẩu điều thô của các doanh nghiệp đạt khoảng 3 triệu tấn, trong khi lượng điều nhân xuất khẩu chỉ đạt khoảng 600.000 tấn. Tình hình này đặt ra vấn đề khi giá điều thô tăng cao một cách đột ngột, trong khi giá điều nhân không tăng tương ứng khiến cho nhiều doanh nghiệp trong ngành phải gánh chịu tổn thất và thậm chí phải ngừng hoạt động hoặc giảm sản lượng.

Doanh nghiệp cần chủ động định hình lại chuỗi cung ứng điều toàn cầu
Doanh nghiệp cần chủ động định hình lại chuỗi cung ứng điều toàn cầu.

Phát biểu về vấn đề này, Chủ tịch của VINACAS, ông Phạm Văn Công, đã chỉ ra rằng, các doanh nghiệp ngành điều tại Việt Nam đang tự gây ra những khó khăn cho chính mình bằng việc đẩy giá thành nguyên liệu lên cao hơn giá bán, tạo ra sự mất cân đối trong quá trình kinh doanh.

Ông Phạm Văn Công cho rằng, việc chủ động định hình lại chuỗi cung ứng điều toàn cầu, với sự tham gia của doanh nghiệp nội địa và nhiều quốc gia sản xuất điều là cần thiết để tìm tiếng nói chung, liên kết với nhau giải quyết những bất ổn, duy trì sự phát triển ổn định, bền vững. “Tại sao nguyên liệu tăng nhưng giá điều nhân bán ra lại thấp, đây là câu hỏi rất nhức nhối. Việt Nam đang chi phối thị trường điều quốc tế, nhưng lại không làm chủ được thị trường nên phải phân tích chuỗi sản phẩm này xem khúc mắc ở đâu. VINACAS cho rằng, đó là lỗi của doanh nghiệp ngành điều Việt Nam, ta tự đội giá nguyên liệu, tranh mua, tranh bán, nguyên nhân nằm ở đó”, ông Công nói.

Trong khi đó, các chuyên gia cũng đưa ra các khuyến nghị để giải quyết tình trạng giá cả biến động. Thay vì vội vàng mua nguyên liệu dự trữ với số lượng lớn, doanh nghiệp cần phải đánh giá kỹ lưỡng rủi ro và đợi đến khi giá điều thô ổn định mới tiến hành mua. Đồng thời, việc ký kết hợp đồng xuất khẩu điều nhân cũng được xem là biện pháp quan trọng giúp cân đối giá thành và giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, tỉnh Bình Phước là thủ phủ của hạt điều. Theo Cục Thống kê Bình Phước, tháng 1/2024, kim ngạch xuất khẩu nhân điều của tỉnh Bình Phước tăng 150% so với cùng kỳ.

Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước có hơn 1.400 cơ sở chế biến hạt điều. Sau chế biến, sản phẩm hạt điều của tỉnh Bình Phước xuất khẩu đi đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, tập trung thị trường EU, Mỹ, Nhật, Australia, Trung Quốc...

Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bình Phước cho rằng, việc tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp chế biến, kinh doanh sản phẩm điều đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, xúc tiến xuất khẩu hàng hóa trên môi trường mạng cũng là một kênh quan trọng trong quảng bá và giúp ngành hạt điều Bình Phước dễ dàng tiếp cận với thị trường thế giới.

P.V (t/h)