Đề xuất tăng vố đầu tư cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh thêm 1.400 tỷ đồng

10:32 28/07/2023

Nguồn vốn đầu tư cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh được đề xuất tăng hơn 1.400 tỷ đồng do có sự điều chỉnh trong chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Tăng tổng mức đầu tư lên hơn 6.200 tỷ đồng

Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án được đề xuất điều chỉnh tăng hơn 1.400 tỷ đồng, từ hơn 4.770 tỷ đồng lên hơn 6.200 tỷ đồng.

Về cơ cầu nguồn vốn, vốn vay ODA của EDCF được kiến nghị tăng từ hơn 3.677 tỷ đồng lên hơn 4.462 tỷ đồng, tăng hơn 785 tỷ đồng. Vốn vay ODA được sử dụng để thanh toán chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn giám sát thi công (không bao gồm thuế VAT), dự phòng phần vốn ODA.

Nguồn vốn đối ứng được đề xuất điều chỉnh tăng hơn 650 tỷ đồng, từ gần 1.100 tỷ đồng lên hơn 1.747 tỷ đồng, dùng để thanh toán thuế VAT (phần chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn giám sát thi công), chi phí QLDA, chi phí tư vấn trong nước theo quy định hiện hành; chi phí giải phóng mặt bằng; dự phòng phần vốn đối ứng, phí dịch vụ.

Theo Bộ GTVT, nguyên nhân đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án do chi phí giải phóng mặt bằng tăng khoảng 353 tỷ đồng khi được cập nhật trên cơ sở số liệu rà soát thực tế.

Chi phí xây dựng tăng khoảng 788 tỷ đồng do cập nhật khối lượng tăng tương ứng khoảng 372 tỷ đồng.

Tại bước báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chưa thực hiện công tác khảo sát chi tiết, chỉ thiết kế sơ bộ trên bản đồ số.

Báo cáo nghiên cứu khả thi đã căn cứ kết quả khảo sát, tính toán điều chỉnh giảm 6 cầu. Tuy nhiên, kết cấu nhịp, chiều dài các cầu có sự điều chỉnh, bổ sung để bảo đảm các yếu tố kỹ thuật. Giá trị tổng mức đầu tư tăng khoảng 423 tỷ đồng. Chiều dài phần đường giảm khoảng 490m, tương ứng giá trị giảm khoảng 51 tỷ đồng.

Đơn giá cũng tăng tương ứng khoảng 416 tỷ đồng do đơn giá, định mức tại thời điểm lập tổng mức đầu tư bước báo cáo nghiên cứu khả thi (tháng 10/2022) tăng so với đơn giá tại thời điểm lập, trình chủ trương đầu tư dự án (tháng 10/2020).

Hai yếu tố khác cũng dẫn đến tăng chi phí xây dựng do chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác tăng khoảng 80 tỷ đồng; Chi phí dự phòng tăng khoảng 218 tỷ đồng tương ứng.

Lựa chọn tư vấn trong nước để rút ngắn tiến độ

Tại tờ trình gửi đi, đề xuất lựa chọn nhà thầu tư vấn trong nước thực hiện dự án cũng được đưa ra.

Bộ GTVT cho biết, theo Quyết định số 2203 ngày 27/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ, chi phí khảo sát, thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ mời thầu (không gồm thuế VAT) sử dụng vốn ODA của EDCF và tuyển chọn tư vấn nước ngoài thực hiện theo thông lệ của nhà tài trợ.

Tuy nhiên, căn cứ điều kiện thực tiễn, Ban QLDA Mỹ Thuận đề xuất điều chỉnh sử dụng vốn đối ứng và lựa chọn nhà thầu trong nước để thực hiện công tác này. Theo đơn vị QLDA, việc sử dụng nhà thầu trong nước sẽ rút ngắn được tiến độ triển khai khoảng 10-12 tháng.

Trên cơ sở báo cáo, Bộ GTVT đã có văn bản đề xuất với EDCF nội dung trên. Tại thư ngày 17/01/2023, Kexim thống nhất phương án tư vấn trong nước thực hiện công tác khảo sát, thiết kế kỹ thuật, lập dự toán, hỗ trợ đấu thầu; phía Hàn Quốc sẽ lựa chọn tư vấn Hàn Quốc thực hiện rà soát, thẩm tra độc lập thiết kế kỹ thuật và dự toán thông qua khoản tài trợ của Chính phủ Hàn Quốc (không tính vào giá trị khoản vay).

“Việc sử dụng vốn đối ứng và lựa chọn tư vấn trong nước thực hiện dịch vụ dẫn tới cơ cấu nguồn vốn của tổng mức đầu tư thay đổi so với quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án”, Bộ GTVT cho hay.

P.V (Tổng hợp)