Đấu thầu dự án theo pháp luật chuyên ngành còn “khoảng trống pháp luật”

21:34 18/09/2022

Tham gia kiến sửa đổi Luật Đất đai tại “Hội nghị phản biện xã hội” ngày 15/9 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, chuyên gia Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng, đấu thầu dự án theo pháp luật chuyên ngành còn tồn tại “khoảng trống pháp luật”.

Theo chuyên gia pháp lý đất đai, đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh, tại Tờ trình số 5609/TTr-BKHĐT ngày 10/8/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình phương án để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đấu thầu và Luật Đất đai trong các quy định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.

Theo đó, Luật Đấu thầu điều chỉnh việc lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất thuộc các trường hợp quy định tại Luật Đất đai.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. 

Cụ thể, Luật Đấu thầu là luật khung quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; về hình thức, hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất. Trong khi đó, Luật Đất đai là luật khung điều chỉnh việc quản lý, sử dụng đất đai; quy định điều kiện đối với đất được lựa chọn để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất; về giao đất, cho thuê đất; quyền, nghĩa vụ của nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án có sử dụng đất.

Cách phân chia như trên sẽ giúp tránh được chồng chéo về phạm vi điều chỉnh cũng như các quy định cụ thể của 2 đạo luật: Luật Đất đai trở thành “luật nội dung”, quy định các loại hình dự án có sử dụng đất cần lựa chọn nhà đầu tư qua đấu thầu cũng như phương thức giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư được lựa chọn. Luật Đấu thầu trở thành “luật hình thức”, quy định về hình thức, hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất.

Tuy nhiên, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã mở rộng phạm vi điều chỉnh và không chỉ bó hẹp trong các dự án đầu tư có sử dụng đất theo pháp luật về đất đai (quy định tại điểm a khoản 2 Điều 1 Dự thảo) mà còn bao gồm các dự án đầu tư thuộc trường hợp phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực (quy định tại điểm b khoản 2 Điều 1 Dự thảo).

Bởi vậy, ông Đỉnh nhấn mạnh, hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đang rộng hơn dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Luật Đấu thầu (sửa đổi) quy định thủ tục đấu thầu với mọi dự án đầu tư kinh doanh mà pháp luật có quy định phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Trong khi, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chỉ quy định về đấu thầu dự án có sử dụng đất trên cơ sở các tiêu chí, điều kiện cụ thể.

“Các dự án đầu tư kinh doanh mà pháp luật quy định phải đấu thầu nhưng không đáp ứng các tiêu chí, điều kiện của dự án có sử dụng đất theo Luật Đất đai thì không áp dụng Luật Đất đai. Vậy các dự án đầu tư kinh doanh này sẽ áp dụng cơ chế nào để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất?”, ông Đỉnh đặt câu hỏi.

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) với vai trò “luật hình thức” đã quy định về trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư nhưng do không có “luật nội dung” điều chỉnh nên không có cơ chế thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư được lựa chọn. Nhà đầu tư phải vừa đấu thầu, vừa đấu giá để được giao đất thực hiện dự án.

“Tôi kiến nghị cơ quan soạn thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) cần nghiên cứu, hoàn thiện để đề xuất hướng xử lý trong trường hợp nêu trên”, ông Đỉnh nói.

Hải Tùng - Hà Anh