COVID-19 lây lan nhanh, gây bệnh chậm, vì sao?

00:00 12/10/2020

COVID-19 là bệnh nhiễm coronavirus chủng mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt tên là SARS-CoV2. Dịch bệnh COVID-19 bắt đầu xuất hiện và lây lan tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) từ cuối tháng 12.2019, sau đó lan khắp Trung Quốc rồi đạt đỉnh và ngày 5.2.2020. Tuy hiện nay dịch COVID-19 đang giảm dần tại Trung Quốc với số ca nhiễm mới ngày càng bớt dần, nhưng tình hình trên các phần còn lại của thế giới lại rất nóng bỏng và đáng báo động.

Tính đến 2 giờ 30 sáng 23.3.2020 Trung Quốc ghi nhận 81.054 cas mắc, thì trên nhiều quốc gia khác đã có 227.770 trường hợp nhiễm COVID-19 và nhiều nơi đang trở thành tâm dịch thay thế Trung Quốc. Đó là: Italy 59.138, Mỹ 38.757, Tây Ban Nha 28.603, Đức 24.806, Iran 21.638 và Pháp 16.018.

Tại châu Á thì Hàn Quốc với 8.897, Nhật 1.086, Malaysia với 1306 đang được ghi nhận có số lượng cas nhiễm COVID cao. Riêng các nước Đông Nam Á sau một thời gian tưởng chừng dịch COVID-19 "bỏ quên" không tìm đến thì hiện nay có vẽ như đang bắt đầu bùng phát dịch với Thái Lan 599, Indonesia 514, Singapore 455, Philippine 380 và Việt Nam đã ghi nhận có đến 113 trường hợp nhiễm COVID-19.

Hai thuộc tính của COVID-19

Có phải do độc lực của virus quá mạnh không? Thật sự không phải như vậy mà vì hai lý do sau đây:

(1) SARS-CoV 2 tuy là virus ngoại lai không phải có nguồn gốc từ người mà là từ động vật hoang dã, nhưng cấu trúc bộ gen của nó lại được tiến hoá để rất dễ bám và xâm nhập vào tế bào niêm mạc hô hấp của người, đó là gen giúp vi khuẩn hình thành nên các gai trên bề mặt mà các nhà chuyên môn gọi là Spike.

Các tàu bay chở hành khách Nhật Bản nhiễm Covid-19 sẽ được khử khuẩn để ngăn ngừa virus lây lan. Ảnh: VNA

Các gai này có cấu trúc phân tử giúp nó bám rất dễ và rất chặt lên trên một loại thụ thể hiện diện nhiều trên bề mặt của tế bào niêm mạc hô hấp (họng và hô hấp dưới), đó là ACE2.

Không chỉ vậy sau khi bám vào ACE2, virus còn có một khả năng đặc biệt nữa là rất dễ hòa nhập phần vỏ đã bám dính của nó vào màng của tế bào niêm mạc, nên việc xâm nhập vào bên trong tế bào rất dễ dàng để phóng thích chất liệu di truyền của nó là RNA vào bên trong tế bào. Từ đó, chúng nhân bản thành các virus mới để phóng thích ra ngoài, xâm nhập vào các tế bào mới.

(2) SARS-CoV 2 có một khiếm khuyết trên bộ gen của nó, và chính sự khiếm khuyết này đã làm cho virus sau khi xâm nhập vào tế bào niêm mạc hô hấp lại không nhân bản nhanh như các virus SAR-CoV 1 gây SARS hay MERS-CoV gây viêm phổi cấp tính Trung Đông hay H5N1, mà nhân bản khá chậm. Chính điều này làm cho COVID-19 có thời gian ủ bệnh tương đối lâu, có khi lên đến 14 ngày.

Không chỉ vậy, do nhân bản chậm nên có khá nhiều người nhiễm virus mà không triệu chứng (51%) và đồng thời cũng có nhiều người có triệu chứng rất nhẹ, như vậy là có rất nhiều trường hợp người nhiễm bệnh ở trong cộng đồng làm cho dịch bệnh âm thầm lan ra ngoài cộng đồng đến một lúc nào đó sẽ bùng phát dịch.

Nguy cơ tử vong và sự quá tải của hệ thống y tế

Nếu nhìn vào con số 340.824 người nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới cho đến hiện nay và với số tử vong là 14.582 thì tỷ lệ tử vong là 4.3%, một tỷ lệ không phải thấp. Tuy nhiên hiện nay tỷ lệ tử vong này cũng thay đổi tùy quốc gia, giai đoạn dịch của quốc gia đó.

Nếu nhìn vào các con số thống kê, chúng ta sẽ thấy tỷ lệ tử vong cao nhất là Italy (9.3%, gần như SARS), Iran (7.8%), Tây Ban Nha (6.1%), Anh (4.9%), Hà Lan (4.4%), Pháp (4.2%), Trung Quốc (4%), Thụy Sỹ (1.3%); Hàn Quốc (1.2%), Mỹ (1%). Lý do có sự khác biệt này là vì tỷ lệ tử vong bị ảnh hưởng bởi hai yếu tố đó là tuổi và sự quá tải của hệ thống y tế.

Nếu xét về tuổi thì đa số các trường hợp tử vong nằm ở những người lớn tuổi, nguy cơ nhất là từ 70 tuổi trở lên, đặc biệt là ở những người có bệnh nền như tim mạch, hô hấp và biến dưỡng như tiểu đường. Ở người trẻ thì tỷ lệ tử vong rất thấp.

Cặp đôi Diego Fernandes và Deni Salgado hôn nhau trong lễ cưới của họ tại Naples, Ý. Đám cưới diễn ra chỉ có người làm chứng mà không có khách khứa vì Ý cấm tụ tập đông người trong thời điểm phong tỏa toàn quốc. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên có một yếu tố thứ hai rất nguy hiểm, dẫn đến tỷ lệ tử vong tăng cao, đó là sự quá tải của hệ thống y tế đặc biệt là sự quá tải trong điều trị và chăm sóc những người bị bệnh nặng. Diễn tiến của bệnh lý COVID-19 là sẽ dẫn đến viêm phổi cấp.

Đa số các trường hợp là viêm phổi mô kẽ và có thể tự khỏi hay chỉ cần được điều trị hỗ trợ như tăng cường sức khỏe, thở oxy… Nhưng trong các trường hợp nặng thì phế nang (đơn vị chứ năng của phổi giúp cho con người lấy được oxy không khí vào máu và thải carbonic ra bên ngoài) hầu như bị nghẹt và xơ cứng không dãn nở được, làm cho bệnh nhân bị ngạt thở dù cố gắng tự thở hay cho thở oxy.

Với những trường hợp như vậy, bệnh nhân phải được thở bằng các máy thở và thời gian thở máy để hy vọng phế nang được phục hồi là lên đến 21 ngày. Cứ tưởng tượng, nếu toàn thành phố chỉ có 100 máy thở thì chỉ đủ để điều trị cho 100 trường hợp nặng, và trong 21 ngày nếu con số trường hợp nặng này vượt quá 100 là chúng ta sẽ bị quá tải, sẽ có rất nhiều trường hợp bệnh nhân nặng chỉ được cho thở oxy và… chờ chết.

Vấn đề quá tải này sẽ rất dễ xảy ra nếu chúng ta để dịch bệnh lây lan rộng ra ngoài cộng đồng. Bởi, càng lây lan ra ngoài cộng đồng thì nguy cơ sẽ càng có nhiều trường hợp nặng phải nhập viện và nguy cơ có nhiều người bệnh sẽ phải cần đến giải pháp điều trị bằng máy thở sẽ tăng…

Dịch bệnh COVID-19 lây lan như thế nào?

COVID-19 lây lan qua hai con đường, trước hết là con đường tiếp xúc thân cận, đó là lây qua các giọt bắn bị người nhiễm bệnh ho bắn ra bên ngoài rồi các giọt này văng vào mũi, miệng, mắt của những người thân cận trong vòng đường kính 2m chung quanh người bệnh.

Ngoài ra, tiếp xúc gần cũng làm cho virus lây qua các người thân cận thông qua bắt tay, ôm hôn, hay dùng chung phòng, dùng chung nhà vệ sinh, vòi rửa tay, tay nắm cửa… vì người bị nhiễm virus có thể ho làm bắn các giọt bắn lên các vật liệu này hay các giọt bắn này dính vào tay người bệnh rồi bị dính vào các vật trên.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ngay tại sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Zing

Trong đường lây này thì người có nguy cơ nhiễm bệnh là những người đến từ các vùng dịch, hay du lịch qua các vùng dịch, thậm chí chỉ cần đi qua các vùng dịch. Một khi được xác nhận là bị nhiễm bệnh thì các bệnh nhân này sẽ được gọi là F0.

Như vậy những người có nguy cơ bị lây bệnh từ F0 chính là những người tiếp xúc thân cận trực tiếp với F0, được xem là F1, có thể là những người đi chung máy bay, ngồi chung xe tư nhân để đưa đón tại sân bay hay ga tàu, sống cùng phòng, cùng nhà… và đây là các những người được xác định là có nguy cơ lây bệnh nhất.

Tuy nhiên do đặc điểm virus quá dễ lây lan nên các người tiếp xúc thân cận với F1 sẽ được xác định là F2 rồi F3, F4, F5 cũng phải được ghi nhận. Nếu chúng ta biết được người bệnh F0 và tìm được toàn bộ các người tiếp xúc thân cận F1, F2, F3… để có các giải pháp cách ly phòng ngừa thích hợp cho từng trường hợp thì chúng ta hoàn toàn có thể không chế được nguồn lây.

Tuy nhiên đây là một việc làm rất khó, đặc biệt khi mà có quá nhiều F0 dẫn đến có rất nhiều F1, F2… vượt qua khả năng cách ly thì sẽ nhiều người có thể nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng hay chỉ có triệu chứng nhẹ lọt ra ngoài cộng đồng. Lúc này sẽ có sự bùng phát dịch COVID-19 qua con đường lây lan thứ hai là lây lan qua môi trường.

Để có thể xảy ra con đường thứ hai này thì phải có hai điều kiện, đó là số người nhiễm virus lạc ra ngoài cộng đồng nhiều và nhiệt độ của môi trường phải thích hợp cho virus SARS-CoV 2 tồn tại được lâu.

Ở các nước hiện nay như Hàn Quốc, các quốc gia châu Âu, Mỹ, Iran… là các quốc gia  hiện đang có bùng phát dịch thì nhiệt độ bên ngoài vẫn còn khá mát mẻ, thậm chí lạnh, đồng thời vấn đề kiểm soát để cách ly người bệnh cũng không được các nhà chức trách quan tâm đúng mực trong thời gian đầu.

Với hai điều kiện như vậy, những nơi có thể trở thành môi trường lây bệnh thường là các siêu thị, các trung tâm thương mại, các nhà hàng, các quán bar, các nhà hát rạp chiếu phim… vì có nhiều vật liệu bị nhiễm virus do người mang thải ra qua giọt bắn, qua bàn tay của người bệnh rồi dính vào môi trường (như nút bấm thang máy, tay cầu thang cuốn, tay cầu thang, tay nắm cửa, ly chén muổng nĩa ở nhà hàng, khăn trải bàn, khăn ăn, vòi nước nhà vệ sinh…).

Thêm vào đó, tại những nơi này luôn luôn có máy điều hòa nên sẽ giữ nhiệt độ mát mẻ, vô tình rất thuận lợi cho virus SARS-CoV 2 tồn tại rồi lây lan. Ngoài ra, ở các nước này các phương tiện chuyên chở công cộng như tàu hỏa, tàu điện, xe bus cũng là môi trường lây lan dịch COVID-19.

Sẽ dễ dàng nhận diện có dịch COVID-19 lây lan ra ngoài cộng đồng khi có nhiều ca bệnh mà họ không hề có lịch sử tiếp xúc với ai bị bệnh hay đã từng đi đến các nơi có bùng phát dịch. Nhận diện được hai con đường lây lan COVID-19 như vậy thì làm cơ sở để thể ngăn chận được sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.

TS.BS. Phạm Hùng Vân- Cựu giảng viên Khoa Y, Đại học Y Dược TPHCM, hiện là Chủ tịch Liên chi hội Vi sinh lâm sàng TPHCM thuộc hội Y học TPHCM.