Doanh nghiệp thời Covid-19: Giải mã nghịch lý ‘kẻ lao đao, người ăn nên làm ra'

00:00 12/10/2020

Dịch dã chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, số lượng không nhỏ doanh nghiệp phá sản và có nguy cơ phá sản, nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp “ăn nên làm ra”…

Nhiều doanh nghiệp đóng băng

Dịch bệnh viêm phổi cấp (Covid-19) khởi phát tại Trung Quốc là cú sốc lớn giáng xuống nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, hậu quả là khiến nhiều doanh nghiệp đóng băng. Hiện, tại Hà Nội ghi nhận khoảng 8.000 cửa hàng đã ngừng kinh doanh và hơn 3.000 doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản.

Hàng loạt cửa hàng, doanh nghiệp đóng cửa vì dịch Covid-19.  

Đơn cử như ngành dệt may và da giày nhập khẩu tới 60,91% vải, 57,39% xơ sợi, 43,67% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc năm 2019. Đa số các doanh nghiệp này chỉ dự trữ nguyên liệu tới đầu tháng 3/2020, một số có thể đến đầu tháng 4/2020. Ngành chế biến gỗ, sản xuất giường tủ, bàn ghế thì chịu ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu do hoạt động thương mại với Trung Quốc bị hạn chế. Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ 60 - 70% tổng lượng dăm gỗ của Việt Nam xuất khẩu đi, 67% tổng số giấy xuất khẩu. Vì vậy, khả năng các doanh nghiệp này tạm ngừng sản xuất là rất lớn, có thể ảnh hưởng đến nhiều triệu lao động, chứ không chỉ riêng thiệt hại của doanh nghiệp.

Cùng với đó, kết quả một cuộc khảo sát nhanh do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) điều tra trên 1.200 doanh nghiệp chỉ ra, nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu bị giảm trên 50% chiếm hơn 60%; doanh thu giảm từ 20 - 50% chiếm gần 29%.

Gần 74% số doanh nghiệp trả lời có nguy cơ phá sản do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động, chi lương cho người lao động, chi trả tiền lãi vay ngân hàng, chi phí thuê mặt bằng cho hoạt động sản xuất kinh doanh cùng các chi phí khác. 

Nhiều doanh nghiệp “ăn nên làm ra”

Các chuyên gia đều đồng quan điểm rằng dịch Covid-19 chính là chất xúc tác cho kinh tế số.

Thế nhưng, dưới một góc nhìn khác từ các chuyên gia kinh tế thì dịch Covid-19 chính là tác nhân thúc đẩy phát triển nền kinh tế số.

Mới đây, sàn thương mại điện tử Amazon đã dự tính tuyển thêm hơn 100.000 công nhân để tham gia đóng gói sản phẩm. Còn tại Việt Nam, doanh số bán hàng online của một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội ước tính cũng tăng thêm 20% trong thời dịch. Nhiều chuyên gia đánh giá, nếu không tồn tại những sàn giao dịch thương mại điện tử như Tiki, Lazada, hoặc các kênh phân phối online có lẽ sẽ có nhiều hơn 3.000 doanh nghiệp đóng cửa chỉ riêng trên địa bàn Hà Nội.

Đánh giá về vấn đề trên, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, dịch bệnh chính là cơ hội tốt để kinh tế nền tảng số phát triển bởi dịch bệnh là tác nhân quan trọng thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin cũng chính là khẳng định giá trị của mình.

Ông Tuấn cho rằng, thời điểm này, việc khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số và mở rộng sân chơi cho các nền tảng kinh tế số để đẩy nhanh luồng lưu thông của hàng hoá và dịch vụ trong thị trường tự do có thể sẽ mang lại hiệu quả tốt không kém gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ đồng hay gói 30 nghìn tỷ đồng mà Chính phủ vừa tung ra.

Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, chuyển đổi số là xu thế tất yếu nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Việt Nam không thể rời bỏ khỏi xu thế này và chúng ta có lợi thế là có thể đi cùng thế giới.

Theo ông Thành, có dịch Covid-19 hay không có dịch thì chúng ta phải đi vào kinh tế số. Có dịch sẽ đẩy chúng ta nhìn thấy thực tế, thôi thúc đi nhanh hơn trước khi thế giới đi trước, nắm được lợi thế. "Tôi thấy người trẻ Việt trong dịch bệnh Covid-19 rất thức thời, họ tổ chức học nhóm bằng skypee, zalo, zoom, face fanpage. Rồi họ tổ chức bán hàng qua trang điện tử, face, chuyển hàng bằng ship…", TS. Võ Trí Thành nói.

Ông khẳng định, dịch Covid-19 không chỉ khiến cho xu thế kinh tế số trên thế giới được thúc đẩy nhanh hơn mà còn chỉ ra đó là xu thế tất yếu, là cách thức vượt qua khó khăn đi trước khi nghĩ đến làm điều gì phi thường khác.

Còn theo PGS. TS. Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện VEPR, đại dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến lịch sử phát triển của loài người, làm thay đổi cách thức đi lên của các nền kinh tế, của biến động thế giới. Đơn cử như cuộc biến động năm 1973 (khủng hoảng tăng giá năng lượng, dầu lửa).

"Tôi liên tưởng đại dịch Covid-19 có thể sẽ khiến kinh tế thế giới thay đổi về cách thức phát triển. Năm 2003, dịch SARS xảy ra tại Trung Quốc, người ta hạn chế giao dịch trực tiếp để chuyển sang giao dịch thương mại điện tử, lúc này công ty "gầm cầu" là Alibaba của Jack Ma trỗi dậy", TS Nguyễn Đức Thành nói.

Đồng thời ông khẳng định, Covid-19 là thách thức nhưng cũng là cơ hội để chúng ta ươm mầm cho các Startup về AI, về công nghệ, thương mại điện tử...".

Lê Thanh Tùng