Có nên nghỉ Tết quá dài?

00:00 12/10/2020

Bộ LĐTB&XH vừa trình Chính phủ 2 phương án nghỉ Tết là  7 và 10 ngày
Nhiều ý kiến cho rằng, không nên hoán đổi ngày nghỉ để có thời gian nghỉ nhiều vì sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động của xã hội.
Nghỉ 7 ngày - lợi cả đôi đường
Theo phương án 1 mà Bộ LĐTB&XH đề xuất Chính phủ, nghỉ Tết 2017 có 7 ngày và không hoán đổi ngày nghỉ. Cụ thể, công nhân nghỉ từ 26/1 đến hết 1/2/2017 (từ 29 tháng Chạp năm Bính Thân đến hết 5 tháng Giêng năm Đinh Dậu). Phương án 2, nghỉ 10 ngày liên tục từ 27/1 đến hết 4/2/2017, trong đó có 1 ngày hoán đổi (tức nghỉ từ 30 tháng Chạp đến mùng 9 tháng Giêng). Các chuyên gia cho rằng, phân tích 2 phương án đều có ưu điểm và nhược điểm. Phương án thứ nhất, nghỉ không hoán đổi, công việc sản xuất, kinh doanh của các DN được thực hiện bình thường theo đúng kế hoạch. Tuy nhiên, người lao động (NLĐ), nhất là những ai ở tỉnh xa mỗi năm chỉ có điều kiện về thăm nhà đôi lần sẽ không có nhiều thời gian để ở bên người thân, đi thăm hỏi họ hàng... Nếu nghỉ 10 ngày liên tục theo phương án 2, NLĐ có thêm 3 ngày đi thăm thú các vùng miền trong cả nước, góp phần kích thích phát triển du lịch. Thế nhưng, DN đang ký kết hợp đồng với nước ngoài, công việc sản xuất bị gián đoạn do NLĐ nghỉ dài ngày quá ảnh hưởng đến hợp đồng giao hàng.
   
Người dân đón xe về quê nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân - 2016. Ảnh: Chiến Công
Do đó, nhiều người nghiêng về phương án nghỉ 7 ngày vì nhiều lợi thế hơn phương án 10 ngày. Ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn đưa ra ý kiến: Phương án nghỉ từ ngày 29 tháng Chạp đến ngày mùng 5 Tết hợp lý hơn vì NLĐ được nghỉ đúng chế độ của Nhà nước không phải làm bù. Trước đây, nghỉ Tết chỉ 2 hoặc 3 ngày, nay tăng lên 7 ngày là nhiều. “Nhiều năm gắn bó với NLĐ cũng như theo dõi những dịp Tết được nghỉ dài ngày, tôi thấy năng suất lao động không cao bằng những ngày bình thường. Không những thế, NLĐ bị tạo áp lực phải đi làm bù nên tâm lý không thoải mái” - ông Thọ phân tích.
Ở góc độ chủ sử dụng lao động, ông Thái Chung – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng Công trình Văn hóa cũng nghiêng về nghỉ Tết 7 ngày. “Trước đây, để kích cầu du lịch, dịp 2/9, 30/4 và 1/5 thường có nghỉ dồn làm bù. Nếu Tết lại nghỉ 10 ngày, người nước ngoài nhìn vào chỉ thấy chúng ta toàn ăn chơi. Nghỉ nhiều đồng nghĩa thời gian làm việc cho xã hội ít đi. Trong khi đó, Việt Nam là nước tiêu thụ bia rượu nhiều nhất thế giới. Giờ lại nghỉ nhiều để đi chơi, tiêu tốn rất nhiều tiền của”.
Nghỉ 7 ngày kết hợp nghỉ phép
Nghỉ dài ngày cũng có trở ngại đối với những cơ quan có bộ phận tiếp dân. Nếu người dân cần làm giấy tờ, nhưng cơ quan chưa làm việc thì lại phải chờ đợi. Trong khi đó, chúng ta đang thực hiện cải cách hành chính, giải quyết công việc nhanh gọn. Vì thế, ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị xem xét tính tổng số ngày nghỉ của Việt Nam không nên nhiều hoặc ít hơn so với các nước. Đối với những công ty, nhà máy có nhu cầu phải làm việc liên tục thì có quy định linh hoạt để họ thực hiện. Chẳng hạn, ngày làm việc bình thường thì hưởng lương theo quy định, nhưng làm việc ở những ngày nghỉ thì đảm bảo lương 150%.
Cũng có ý kiến cho rằng, mục tiêu của chúng ta là phát triển sản xuất, đặc điểm của một số lĩnh vực không thể dừng hoạt động, nếu hoán đổi sẽ vô cùng khó khăn cho giới chủ sử dụng lao động. Cho nên, theo ông Dương Văn Sao – nguyên Hiệu trưởng Đại học Công đoàn, nên nghỉ Tết 7 ngày và cần có sự linh hoạt, tùy từng lĩnh vực, các DN có vận dụng cho phù hợp. Hơn nữa, đời sống của đa số NLĐ chưa khá giả, nếu nghỉ quá dài họ sẽ không biết làm gì và làm bù cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của họ.
Về việc làm sao để tạo điều kiện cho NLĐ ở xa quê có điều kiện ở bên gia đình nhiều hơn thì có thể tích hợp nghỉ Tết 7 ngày cộng với nghỉ phép của năm. Đó là cách làm hài hòa hơn, tránh được tình trạng một đất nước đang nghèo cần phải tăng thời gian làm ra của cải, thay vì ăn chơi. Còn nếu nghỉ 10 ngày, ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch hoạt động của DN. “Nếu công ty yêu cầu họ đi làm trong những ngày nghỉ Tết là sai luật. NLĐ được nghỉ 10 ngày cộng với nghỉ phép kết hợp thì cực kỳ phức tạp” - ông Thái Chung phân tích. Vì thế, nhiều người nghiêng về phương án nghỉ 7 ngày, không hoán đổi để các hoạt động xã hội diễn ra bình thường, theo đúng kế hoạch.
(theo congluan.vn)