Cơ hội nào để trở thành vệ tinh các tập đoàn đa quốc gia

00:00 12/10/2020

Làn sóng di chuyển, mở rộng đầu tư ngoài Trung Quốc của các tập đoàn đa quốc gia cùng với sự đứt gãy chuỗi cung ứng tại thị trường đông dân nhất thế giới do ảnh hưởng của dịch bệnh được cho là mang lại cơ hội để Việt Nam thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, chặng đường để trở thành vệ tinh của các tập đoàn đa quốc gia của doanh nghiệp trong nước còn rất dài.

Việt Nam đang đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, chặng đường để trở thành vệ tinh của các tập đoàn đa quốc gia của doanh nghiệp trong nước còn rất dài. Ảnh minh họa: TTXVN

Mới chỉ là sự lựa chọn tạm thời!

Bốn tháng trước, xuất phát từ việc đứt nguồn cung từ Trung Quốc do dịch bệnh Covid-19, nhiều nhà sản xuất nước ngoài đã đến Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TPHCM để nhờ tìm kiếm nhà cung cấp và đặt hàng sản xuất của Việt Nam.

Theo bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TPHCM, các nhà sản xuất hàng điện tử gia dụng, máy móc công nghiệp từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức… đã tìm đến đặt hàng các dòng sản phẩm cơ khí chính xác, linh kiện điện tử, xi mạ…

Cùng thời gian kể trên, Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) - "ngôi nhà" của nhiều nhà sản xuất linh phụ kiện công nghệ cao, cũng nhận được hàng loạt lời đề xuất tìm nhà cung cấp ở Việt Nam.

Ban lãnh đạo của SHTP cho biết dịch bệnh đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, linh phụ kiện (từ Trung Quốc) của một số tập đoàn đa quốc gia từ đầu tháng 3 đến nay. Sau đó, các tập đoàn này đã tìm kiếm nguồn cung thay thế từ các doanh nghiệp trong nước. Nhiều doanh nghiệp ngành cơ khí và linh kiện điện tử trong và ngoài nước tại TPHCM đã nhận được đề nghị đặt hàng nhằm thay thế nguồn cung từ Trung Quốc. 

Kết quả của sự chuyển hướng này là kim ngạch của nhóm ngành hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có giá trị xuất khẩu tăng khá cao trong nửa đầu năm nay, trong khi giá trị kim ngạch xuất khẩu hầu hết các ngành hàng trên địa bàn TPHCM đều bị sụt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ông Huỳnh Văn Hùng, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM, dẫn chứng nhóm hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có giá trị xuất khẩu đạt hơn 8,187 tỉ đô la Mỹ, tăng 34,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành hàng này chiếm tỷ trọng đến 44,9% tổng kim ngạch xuất khẩu thành phố trong nửa đầu năm nay.

Người đại diện cơ quan Thống kê TPHCM lý giải một trong những nguyên nhân của sự tăng trưởng này là do sự chuyển dịch của các đơn hàng từ Trung Quốc chuyển sang Việt Nam, trong đó có TPHCM, tăng cao trong thời gian dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ tại Trung Quốc.

Mức tăng trưởng nói trên chủ yếu đến từ các doanh nghiệp sản xuất hoạt động trong các khu công nghiệp, đặc biệt là SHTP. Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc hồi phục sản xuất, theo cơ quan thống kê, lượng đơn hàng xuất khẩu nhóm mặt hàng linh phụ kiện của Việt Nam tăng trưởng chậm lại.

Tương tự, theo đại diện Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), một vài công ty sản xuất linh kiện nhựa và cơ khí thời gian qua cũng nhận được thêm đơn hàng do việc cung ứng từ Trung Quốc gặp khó khăn. Nhưng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, ngay khi Trung Quốc phục hồi sản xuất thì các đơn hàng này đã giảm dần và dự báo sẽ dừng hẳn.

Giới chuyên gia nhận định rằng các nhà sản xuất sản phẩm đầu cuối trên thế giới chỉ tìm đến doanh nghiệp tại Việt Nam khi gặp khó khăn về nguồn cung ứng tại Trung Quốc và họ xem đây là giải pháp mang tính tức thời, bởi Trung Quốc vẫn là đại công xưởng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Vĩnh Phúc đã phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong ảnh là Công ty TNHH Partron Vina (vốn đầu tư của Hàn Quốc) hoạt động tại Khu công nghiệp Khai Quang. Ảnh: TTXVN

Gian nan len lỏi vào chuỗi cung ứng

Không ít ý kiến cho rằng, sau đại dịch Covid-19, các công ty đa quốc gia có thể chuyển sản xuất hoặc chuyển việc mua hàng từ Trung Quốc sang các quốc gia thứ 3 và đây là cơ hội tốt của Việt Nam. Tuy nhiên, để đạt được điều này không hề dễ dàng.

Thực tế, việc chuyển sản xuất hoặc mua hàng sang quốc gia thứ 3 ngoài Trung Quốc đã được các công ty trong mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia tìm kiếm từ vài năm qua. Không ít doanh nghiệp Việt Nam cũng đã tiếp rất nhiều các khách hàng như vậy.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hầu như không đáp ứng được các yêu cầu mà các doanh nghiệp nước ngoài đặt ra. Trong khi đó có nhiều quốc gia có lợi thế hơn hẳn Việt Nam trong việc nhận chuyển giao này, như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ…

Nguyên nhân chính là quy mô doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam rất nhỏ, trung bình dưới 200 lao động, máy móc ít, có vài dây chuyền, trình độ quản lý dừng ở mức tương ứng,… nên chỉ đáp ứng được các đơn hàng nhỏ và linh kiện rời, chỉ một vài công ty có thể sản xuất cả cụm linh kiện.

Trong khi đó, khách hàng chuyển từ Trung Quốc luôn cần sản lượng rất lớn, đồng thời sản phẩm phải là cụm linh kiện hoàn chỉnh.

Mặc dù dịch Covid-19 tạo thêm sức ép để chuyển dịch chuỗi sản xuất toàn cầu và tạo cơ hội để Việt Nam có thể hưởng lợi nhờ vào nỗ lực kiểm soát tốt dịch bệnh. Song, theo các hiệp hội ngành hàng, để có thể phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp Việt Nam phải dựa vào chính thực lực và tính cạnh tranh của mình.

Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là ngay cả khi đã đạt yêu cầu về chất lượng và chủng loại sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam rất khó cạnh tranh về giá so với các đối thủ từ Trung Quốc.

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐQT Công ty Cơ khí Duy Khanh, cho biết đã có doanh nghiệp sản xuất chế tạo máy của châu Âu tại Việt Nam tìm đến Duy Khanh để đặt hàng nhằm thay thế nguồn cung từ Trung Quốc.

Về yêu cầu chất lượng Duy Khanh không e ngại. Nhưng về giá cả, sản phẩm của Duy Khanh vẫn chưa thể cạnh tranh với linh phụ kiện sản xuất tại Trung Quốc. "Có những nguyên phụ liệu để sản xuất ra thành phẩm, chúng tôi còn phải nhập khẩu ở thị trường Trung Quốc nên giá thành bán ra chưa thể cạnh tranh với những doanh nghiệp hoạt động cùng ngành tại quốc gia này vốn có nguồn nguyên liệu tại chỗ có thể đáp ứng nhanh và không phải tốn nhiều về chi phí vận chuyển", ông Tống nói.

Mặt khác, thông thường những nhà sản xuất khi chuyển đơn hàng qua nhà cung cấp mới cũng chỉ giới hạn ở một số lượng nhất định nên khó có thể cạnh tranh với giá bán của nhà cung ứng lâu năm sản xuất với số lượng lớn, giảm được nhiều chi phí.

Sản xuất của một tập đoàn ô tô tại Việt Nam. Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Sân chơi của các đấu thủ có năng lực

Một nhà máy của Trung Quốc có thể cung ứng được khoảng 1 triệu linh kiện/tháng, trong khi ở Việt Nam trung bình chỉ đáp ứng được khoảng 10.000 linh kiện, nên khả năng làm những đơn hàng lớn là điều không thể.

Trên thực tế trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp FDI vào Việt Nam chỉ để chế xuất, mua linh kiện từ bên ngoài vào hoặc sử dụng linh kiện do chính doanh nghiệp FDI “vệ tinh” của họ cung cấp.

Tương tự, theo bà Lê Nguyễn Duy Oanh, phần lớn doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong nước có quy mô nhỏ, khả năng cung ứng hàng loạt thấp, việc kiểm soát chi phí sản xuất chưa cao.

Đáng chú ý, nhà sản xuất luôn yêu cầu linh kiện và phụ tùng phải đáp ứng nhanh và kịp thời có thể là hàng tuần hoặc thậm chí là hàng ngày, trong khi điều này đối với phần lớn doanh nghiệp linh phụ kiện trong nước là chưa thể đáp ứng được. Dẫn đến việc nắm bắt ngay cơ hội chuyển dịch đơn hàng này đối với các nhà sản xuất trong ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cũng không phải dễ dàng.

Chính vì thế, theo các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ, cơ hội trước mắt nhưng năng lực có hạn, nhiều mặt hàng khó có thể sản xuất được do thiếu máy móc, công nghệ, trình độ nhân công chưa cao,...

Thực tế này không phải mới diễn ra mà theo bà Oanh nhiều doanh nghiệp nước ngoài có nhà máy sản xuất ở Việt Nam cũng đã nhiều lần phản ánh khó khăn trong việc tìm nhà cung cấp tại chỗ.

Theo các chuyên gia, Covid-19 đã đóng vai trò là chất xúc tác để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch và sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu, tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường.

Để cải thiện việc này, theo bà Oanh, chính bản thân doanh nghiệp phải quyết tâm nỗ lực và cần thay đổi tư duy quản trị, cộng với sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước và sự đồng hành hỗ trợ của nhà sản xuất (đơn vị mua hàng) thì mới có khả năng cải thiện được phần nào.

Vấn đề này, trong những năm qua phần nào tập đoàn Samsung của Hàn Quốc đã thực hiện và đã đưa được một số nhà cung cấp trong nước trở thành nhà cung ứng trực tiếp cho các dự án ở Việt Nam của hãng hiện nay.

Hùng Lê