CLB Barcelona đối mặt với thảm họa tài chính

00:00 12/10/2020

Không chỉ đối mặt nguy cơ đánh mất thiên tài Lionel Messi, CLB Barcelona còn đang trượt dần tới bờ vực thảm họa tài chính vì những sai lầm quản trị.

Tình hình tài chính của Barcelona tương đối khả quan sau khi kết thúc mùa giải 2018/2019 bất chấp thất bại muối mặt trước Liverpool ở bán kết Champions League. Đội chủ sân Camp Nou đạt doanh thu kỷ lục 990 triệu euro (1,1 tỷ USD), tăng đáng kể so với mức 914 triệu euro (1 tỷ USD) của mùa giải 2017/2018. Đó là mùa giải thứ hai liên tiếp doanh thu của Barca cán mốc 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, tổng chi tiêu của đội bóng xứ Catalonia trong mùa giải 2018/2019 lên đến 973 triệu euro (1,075 tỷ USD). Như vậy, lợi nhuận trước thuế và lãi vay của Barca chỉ đạt vỏn vẹn 17 triệu euro (18,8 triệu USD), thấp hơn mức 20 triệu euro (22,1 triệu USD) của mùa giải 2017/2018.

Theo Bleacher Report, đại dịch Covid-19 giáng một đòn nặng vào ngành công nghiệp bóng đá châu Âu, và Barcelona đang trở thành một trong những nạn nhân lớn nhất. Sức khỏe tài chính suy sụp, mọi sai lầm quản trị bị phơi bày, đội bóng từng 5 lần vô địch châu Âu đối mặt với một tương lai đầy ảm đạm, đặc biệt nếu mất đi Messi.

Bóng đá là ngành công nghiệp đầy biến động. CLB Anh Leed United - từng vào bán kết Champions League - mới chỉ trở lại Premier League sau 16 năm. Lần cuối cùng Manchester United giành danh hiệu vô địch Anh đã cách đây 7 năm. AC Milan - từng giành 7 cúp vô địch châu Âu - là bài học lớn với mọi đội bóng. Đó từng là một trong những CLB giàu có nhất thế giới đầu thập niên 2000, nhưng giờ đang ngụp lặn ở giải vô địch Italy.

Barcelona co the mat Messi anh 2

Barcelona gặp nhiều khó khăn vì dịch Covid-19. Ảnh: FC Barcelona.

Hiểm họa trước mắt

Ngành công nghiệp bóng đá từng đứng vững trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, giờ lao đao vì cơn bão Covid-19. Theo tờ La Vanguardia, Barcelona thiệt hại tới 154 triệu euro do dịch bệnh. Nhiều nguồn thu của CLB cạn kiệt. Bảo tàng Barcelona - kiếm được 58 triệu USD hồi năm ngoái - bị đóng cửa khi virus lan rộng.

Các cửa hàng của CLB trong thành phố Barcelona cũng tê liệt. Tour du đấu hè - một nguồn thu béo bở của nhà cựu vô địch Tây Ban Nha trước mùa giải mới hàng năm - đã bị hủy bỏ. Giá trị chuyển nhượng của các ngôi sao lao dốc không phanh.

Tệ nhất là sân vận động Camp Nou với sức chứa 99.000 không thể chào đón khán giả. "Bóng đá chưa bao giờ phải tạm dừng trong thời gian dài như thế trước đây, kể cả trong 2 cuộc chiến tranh thế giới”, chuyên gia Simon Kuper, đồng tác giả cuốn sách Soccernomics, nhận định. "Có nguy cơ khán giả sẽ quen với việc theo dõi các trận bóng qua tivi", ông cảnh báo.

Ngoài tác động của dịch Covid-19, sức khỏe tài chính của Barcelona cũng suy giảm nặng nề vì chi tiêu bừa bãi. Tính từ mùa hè năm 2015, đội bóng xứ Catalonia đã chi gần 1 tỷ euro (1,18 tỷ USD) để mua 27 cầu thủ, phần lớn là. những bản hợp đồng thất bại. Ousmane Dembele tiêu tốn 105 triệu euro (124 triệu USD), chưa tính 40 triệu euro phí tính thêm dựa trên thành tích (47 triệu USD).

Bản hợp đồng Philippe Coutinho có mức giá kỷ lục 160 triệu euro (189 triệu USD). Dembele chấn thương liên miên, Coutinho không thích nghi với đội bóng và bị đem cho Bayern Munich mượn trong mùa giải 2019/2020. Antoine Griezmann đến sân Camp Nou với giá 120 triệu euro (141 triệu USD) nhưng gây thất vọng trong mùa giải vừa qua.

Barcelona co the mat Messi anh 3

Sân vận động Camp Nou của Barcelona. Ảnh: Getty Images.

Không chỉ mua cầu thủ bừa bãi, Barcelona còn trả lương quá cao cho các ngôi sao. Mức lương trung bình năm của các cầu thủ CLB này lên đến 11 triệu euro (13 triệu USD), cao nhất trong thế giới bóng đá. Tiền lương chiếm tới 69% doanh thu của Barcelona, tỷ lệ được cho là cao đến mức nguy hiểm. Để so sánh, tỷ lệ này của Real Madrid là 52%.

"Nếu tính cả số tiền chi cho các vụ chuyển nhượng, tỷ lệ này lên tới trên 80%”, Victor Font, người tuyên bố sẽ tranh chức chủ tịch Barcelona trong kỳ bầu cử tới, khẳng định. "Từ cuộc bầu chủ tịch năm 2015, Barcelona không quản lý tốt tài chính. CLB đã chi 1 tỷ euro để mua các cầu thủ nhưng vẫn chưa mang lại những kết quả như kỳ vọng của người hâm mộ. Cộng với việc quản lý kém, Barcelona đang rơi vào tình thế khó khăn”.

Theo ông Font, vấn đề cốt lõi là CLB cần quản lý chi tiêu hiệu quả hơn và tìm kiếm dòng doanh thu mới. Một trong những cách giải quyết vấn đề là giảm quỹ lương. Nhưng Barca đang đối mặt nhiều khó khăn bởi các ngôi sao lớn tuổi, được trả lương cao không muốn ra đi khi hợp đồng chưa hết hạn, điển hình là Luis Suarez.

Khối nợ khổng lồ

Bleacher Report dẫn lời chuyên gia Ben Lyttleton - tác giả cuốn Edge: What Business Can Learn From Football - nhận định Barca cần phải tìm cách đẩy các ngôi sao già cỗi này đi để giảm quỹ lương và tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ. "Những cầu thủ như Ivan Rakitic sẽ chỉ muốn đến một CLB lớn. Có thể Barca sẽ đẩy Rakitic cho một đội như Napoli chẳng hạn và chấp nhận trả cho anh ấy 50% lương. Tình hình là rất phức tạp", chuyên gia Lyttleton nói.

Theo điều tra của Der Spiegel, Barcelona đồng ý trả Messi tổng cộng 106 triệu euro (125 triệu USD) mỗi năm trong vòng 4 năm khi siêu sao người Argentina đàm phán hợp đồng năm 2017. Con số này tương đương 40% tổng quỹ lương của CLB.

Khối nợ lớn cũng là vấn đề nghiêm trọng đối với Barcelona, đặc biệt là khi CLB này có kế hoạch cải tạo sân Camp Nou với dự án Espai Barca. Thông tin về tổng nợ của Barca cũng khá mâu thuẫn. CLB khẳng định đang nợ 460 triệu euro (543 triệu USD), nhưng truyền thông Tây Ban Nha cho rằng con số thực tế lên đến 888 triệu euro (gần 1 tỷ USD).

"Nợ của CLB quá lớn. Hội đồng quản trị cũng không minh bạch về các vấn đề tài chính. Barcelona không phải là một công ty đại chúng, nhưng cũng không thuộc sở hữu của hội đồng quản trị. Chúng tôi ước tính khối nợ của Barcelona ở khoảng 700 triệu euro", ông Font tuyên bố.

Theo ông, nợ lớn đẩy Barcelona vào tình cảnh rất khó khăn. CLB vẫn kiếm được rất nhiều tiền, nhưng cũng chi tiêu quá nhiều, do đó không còn tiền mặt để trả nợ. "CLB sẽ không biết lấy tiền từ đâu để trẻ hóa đội hình và đầu tư cho dự án Espai Barca”, ông Font nhấn mạnh. Ông cho rằng Real Madrid - đại kình địch của Barcelona - quản lý tài chính thận trọng hơn nhiều, do đó dư tiền mặt để đối phó với khủng hoảng Covid-19.

Barcelona co the mat Messi anh 4

Barca tốn 160 triệu euro để mua Philippe Coutinho. Ảnh: Getty Images.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Simon Kuper, cuộc suy thoái có thể sẽ chỉ ảnh hưởng tới các CLB nhỏ. Những động bóng khổng lồ như Barcelona sẽ sống sót. "Cần nhớ rằng doanh thu của Barcelona tăng gấp 6 lần so với năm 2003. Câu chuyện ở đây không giống một nhà hàng, rằng nếu thua lỗ thì sẽ bị đóng cửa”, chuyên gia Kuper giải thích.

“Trong 5 năm tới, Barcelona sẽ vẫn là một trong những CLB lớn kể cả khi thảm họa xảy ra. Ví dụ nếu đại dịch kéo dài, bóng đá không có khán giả trong 3 năm và doanh thu giảm 70%, Barcelona có thể trở lại mức doanh thu của năm 2007 hoặc 2008. Barca sẽ vẫn là CLB lớn", ông nhấn mạnh.

Dù vậy, chuyên gia Kuper cho rằng Barcelona sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng trên sân cỏ nếu Messi ra đi. “Barcelona đã xây dựng cả đội bóng xung quanh Messi. Ban lãnh đạo cũng cần thay thế hàng loạt ngôi sao như Sergio Busquets và Gerald Pique. Barcelona có thể sẽ đi vào vết xe đổ của Manchester United”, tác giả Kuper dự báo.

Nguyễn Duy