Kinh tế Việt Nam cần chọn trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn

22:25 31/08/2023

Nhiều chuyên gia và các tổ chức quốc tế đều có chung nhận định khả năng phục hồi và triển vọng tăng trưởng trong ngắn hạn sẽ phụ thuộc nhiều vào các yếu tố của nền kinh tế Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện tại của diễn biến của nền kinh tế Việt Nam, nhiều chuyên gia và các tổ chức quốc tế đều có chung nhận định khả năng phục hồi và triển vọng tăng trưởng trong ngắn hạn sẽ phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khác nhau; trong đó, đặc biệt là tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa khi nhu cầu trên thế giới được dự báo sẽ có xu hướng cải thiện hơn vào nửa cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Bên cạnh đó là những chuyển biến về đầu tư tư nhân khi Ngân hàng Nhà nước cho phép tái cơ cấu thời hạn trả nợ và nới lỏng một số hạn chế về huy động tài chính trong cho vay bất động sản và xây dựng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo từ Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến đạt 4,7% trong năm 2023, sau đó được dự báo phục hồi dần về 5,5% trong năm 2024 và 6% trong năm 2025. Mặc dù, nhu cầu trong nước chững lại nhưng dự kiến vẫn là động lực tăng trưởng chính trong năm 2023.

Tiêu dùng tư nhân vẫn được kỳ vọng duy trì, với tốc độ tăng 6% so với cùng kỳ. Tổng đầu tư đóng góp 1,8 điểm phần trăm cho tăng trưởng; trong đó, ở giai đoạn này, đầu tư tư nhân được dự báo vẫn chưa khởi sắc với tốc độ tăng trưởng khoảng 4,3% so cùng kỳ năm 2022 và so với 8,2% (so cùng kỳ) năm 2019 do những yếu tố rủi ro từ bên ngoài. Đầu tư công dự kiến tăng 9,5% so cùng kỳ, đóng góp 0,6 điểm phần trăm cho tăng trưởng GDP, nhưng chỉ bù đắp được phần nào cho tình hình đầu tư tư nhân bị suy giảm.

Cùng với sự cải thiện của tình hình xuất nhập khẩu, đầu tư công chắc chắn sẽ là trọng tâm cần thúc đẩy trong giai đoạn này.

Theo khuyến nghị từ WB, thời gian tới, Việt Nam cần duy trì bền vững mức đầu tư công, hợp lý hóa cơ cấu đầu tư, nâng cao hiệu suất và hiệu quả của các thể chế về quản lý đầu tư công và quan hệ tài khóa giữa các cấp chính quyền. Ông Do Jonathan Pincus, Chuyên gia Kinh tế Quốc tế Cấp cao của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, nhận định, Việt Nam luôn kiên định đường lối đổi mới, mở cửa, tự tin xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Cam kết của Chính phủ Việt Nam về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ thông qua hội nhập đã thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển nhanh chóng trong suốt ba thập kỷ qua. Tăng cường xuất khẩu, không ngừng đa dạng hóa hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu và tìm kiếm thị trường mới tiếp tục đóng vai trò sống còn trong việc xây dựng khả năng phục hồi của đất nước. Xuất khẩu vẫn là trọng tâm của chiến lược phát triển, cho dù một số ý kiến cho rằng tốc độ toàn cầu hóa đang chững lại hoặc tâm lý bảo hộ gia tăng ở các nước thu nhập cao đã làm giảm khả năng tăng trưởng dựa vào xuất khẩu. Tuy nhiên, Việt Nam còn có nhiều lợi thế khác như chi phí sản xuất, cơ sở hạ tầng đang được cải thiện, chính trị ổn định và thị trường nội địa đang phát triển.

Tận dụng những lợi thế này, cùng với việc khuyến khích sản xuất xuất khẩu có giá trị gia tăng cao hơn, nâng cấp năng lực công nghệ và chất lượng lực lượng lao động, đồng thời hoàn thành quá trình chuyển đổi sang năng lượng bền vững có thể nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các điểm đến đầu tư khác.

Ngọc Phi (TH)