Chính phủ đề xuất điều chỉnh giảm dần độ tuổi trợ cấp hưu trí xã hội

16:24 23/11/2023

Chính phủ đề xuất với Quốc hội giảm từ 80 tuổi xuống 75 tuổi và với phương án sẽ tiếp tục giảm dần, tiến tới tiệm cận tuổi nghỉ hưu.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 23/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình, làm rõ nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Đề cập đến vấn đề trợ cấp hưu trí xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu rõ, đây là vấn đề mà Chính phủ, Ban soạn thảo đã bám sát tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW. Đây là tầng đầu tiên trong hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng. Trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước đảm bảo cho người lao động ở các độ tuổi là cao tuổi và không có lương hưu, không có bảo hiểm xã hội hàng tháng và để có chính sách huy động nguồn lực xã hội bổ sung cho các đối tượng này có mức lương hưu cao hơn.

Chính phủ đề xuất điều chỉnh giảm dần độ tuổi trợ cấp hưu trí xã hội
Chính phủ đề xuất điều chỉnh giảm dần độ tuổi trợ cấp hưu trí xã hội.

Việc điều chỉnh giảm dần độ tuổi trợ cấp hưu trí xã hội trước mắt, Chính phủ đề xuất với Quốc hội giảm từ 80 tuổi xuống 75 tuổi và với phương án sẽ tiếp tục giảm dần, tiến tới tiệm cận tuổi nghỉ hưu. Việc điều chỉnh này sẽ tùy theo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách của Nhà nước. Điều chỉnh thời điểm nào, mức nào thì sẽ do Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Với việc hưởng BHXH một lần, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng: "Đây là một vấn đề lớn, quan trọng, nhạy cảm, vừa có tính chất chính trị xã hội nhưng cũng có tính chất chuyên môn rất cao." Ông Dung tuyên bố rằng, Ban soạn thảo và Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện các bước cân nhắc thấu đáo, nghiên cứu sâu sắc và lắng nghe ý kiến của các đối tượng liên quan, bao gồm cả những người sử dụng lao động và người thụ hưởng bảo hiểm.

Trong quá trình xây dựng phương án, ông Dung đặt ra hai mục tiêu cơ bản. Mục tiêu đầu tiên là giữ cho người tham gia bảo hiểm vẫn giữ quyền lợi rút bảo hiểm xã hội. Mục tiêu thứ hai là đảm bảo an sinh xã hội và chăm sóc cho người lao động khi về già thông qua việc cung cấp lương hưu để đảm bảo cuộc sống.

Ông Dung cũng nhấn mạnh, điều chỉnh hưởng bảo hiểm xã hội sẽ tiếp tục linh hoạt và sẵn sàng thích ứng với các biến động trong hệ thống, đồng thời tạo ra sự công bằng và hiệu quả trong cơ cấu bảo hiểm xã hội.

P.V (t/h)